VietinBankSc: Đồng hành cùng doanh nghiệp gọi vốn qua trái phiếu

(ĐTCK) Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Công Thương (VietinBankSc) cho rằng, thị trường trái phiếu không chỉ là một kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, mà còn là một kênh đầu tư hấp dẫn. 

Trong thời gian tới, VietinBankSc sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình gọi vốn qua kênh trái phiếu, từ tư vấn phát hành, phân phối đến đưa trái phiếu lên niêm yết trên các sở GDCK. 

Theo ông, đâu là những điểm nổi bật trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay?

VietinBankSc: Đồng hành cùng doanh nghiệp gọi vốn qua trái phiếu ảnh 1

 Ông Khổng Phan Đức

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, mức tăng trưởng của trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận mức tăng 58,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận so với mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay, 3,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguồn vốn đến từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính là nguồn vốn trung và dài hạn giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư linh hoạt trong nhiều trường hợp. Rõ ràng, các doanh nghiệp ngày càng nhận ra huy động vốn bằng trái phiếu có nhiều ưu điểm.

Để thúc đẩy thị trường này phát triển bền vững, theo ông, đâu là những vấn đề nhà quản lý cần quan tâm tháo gỡ?

Tôi cho rằng, thị trường trái phiếu chỉ có thể phát triển bền vững và ổn định khi đây không chỉ là một kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, mà còn là một kênh đầu tư thay thế cho nhà đầu tư cá nhân so với hoạt động gửi tiết kiệm. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải quan tâm tháo gỡ những khó khăn cả bên chủ thể phát hành và phía nhà đầu tư trái phiếu.

Huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp là cứu cánh của doanh nghiệp khi gặp khó khăn, nhưng hiện đang bị hạn chế bởi rào cản pháp lý. Cụ thể,  Nghị định số 90/2011/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải đủ tốt mới được phép phát hành trái phiếu, điều này làm cho các doanh nghiệp có khó khăn càng trở nên bế tắc hơn.

Có thể hiểu, việc đặt ra quy định doanh nghiệp tốt mới được phát hành trái phiếu nhằm mục tiêu tránh rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên, trong quan hệ đầu tư, khi rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và việc lựa chọn cơ hội đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Bản chất hoạt động đầu tư trái phiếu là một hoạt động cho vay mượn dân sự dựa trên những điều khoản điều kiện đã công bố trên hợp đồng và bản cáo bạch của doanh nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là các điều khoản trên hợp đồng và bản cáo bạch, các hoạt động công bố thông tin phải minh bạch, phản ánh đầy đủ tình trạng của doanh nghiệp để nhà đầu tư nắm bắt được chính xác tình trạng khoản đầu tư của mình.

Ngoài ra, cũng cần tháo gỡ các vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư cá nhân khi gửi tiền tiết kiệm nhận lãi không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng khi nhận trái tức phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5%, trong khi giao dịch chuyển nhượng mua bán cổ phiếu thuế thu nhập cá nhân là 0,1%. Gánh nặng thuế này sẽ đè lên gánh nặng chi phí vốn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ doanh nghiệp muốn thu hút đầu tư thì phải có lợi tức trái phiếu sau khi trừ thuế phải cao hơn lãi suất tiết kiệm thì nhà đầu tư mới quan tâm.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự là một kênh huy động hiêu quả, cần phát triển hệ thống nhà đầu tư. Hiện tại, phần lớn khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành được đầu tư bởi các tổ chức tín dụng. Do vậy, cần xây dựng và phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh như hợp đồng tương lai, giao dịch kỳ hạn... để phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu để thu hút thêm các đối tượng nhà đầu tư khác tham gia. 

Ông có thể chia sẻ thông tin về hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp của VietinBankSc trong 9 tháng đầu năm cũng như thời gian tới?

Từ đầu năm đến nay, VietinBankSc đã thực hiện thành công 105 hợp đồng tư vấn, trong đó 94 hợp đồng tư vấn truyền thống và 11 hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu với tổng khối lượng trái phiếu đã phát hành 8.628 tỷ đồng. Dự kiến, khối lượng trái phiếu được VietinBankSc tư vấn phát hành trong năm nay sẽ đạt hơn 20.000 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong số 30.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành hàng năm, khoảng 99% trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo hình thức riêng lẻ và phân phối trên thị trường sơ cấp, thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp gần như im ắng. Trong thời gian tới, VietinBankSc sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp suốt quá trình gọi vốn từ trái phiếu, từ khâu tư vấn phát hành, phân phối đến đưa trái phiếu niêm yết trên các sở GDCK, cũng như đón đầu các cơ hội của thị trường chứng khoán phái sinh. 

Theo ông Khổng Phan Đức, VietinBankSc nhận thấy xu hướng thâu tóm doanh nghiệp đang là nhu cầu lớn của thị trường, các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia các thương vụ thâu tóm thực sự cần một doanh nghiệp tư vấn có đủ kinh nghiệm, năng lực để hỗ trợ một cách toàn diện từ khâu tư vấn thâu tóm doanh nghiệp đến tư vấn huy động vốn để thực hiện thành công thương vụ.

Là một đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn truyền thống và có uy tín trên thị trường trong hoạt động thu xếp vốn cho doanh nghiệp, cùng với sự đầu tư xứng đáng cho việc phát triển mạnh hoạt động tư vấn M&A, VietinBankSc đã thành công trong việc liên kết các nghiệp vụ tư vấn tạo nên sản phẩm tư vấn trọn gói, toàn diện cung cấp ra thị trường, tiêu biểu như dịch vụ tư vấn LBO (Leveraged buyout) – Tư vấn mua lại và sáp nhập doanh nghiệp bằng nguồn vốn vay. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiệp vụ này nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp và định hướng đây sẽ chính là thế mạnh khẳng định sự khác biệt và tiên phong của VietinBankSc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.

Tin bài liên quan