Chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR đang ngày càng trở nên thông dụng.

Chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR đang ngày càng trở nên thông dụng.

VietQR ứng dụng chuẩn chung về mã QR trong thanh toán di động tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đã có chuẩn chung về mã QR cho các ngân hàng, các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo sự liên thông trong hoạt động thanh toán và đem lại trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt “mượt mà” hơn cho người sử dụng.

QR code - xu hướng thanh toán của thời đại

Đại dịch Covid-19 trong vài năm gần đây đã hạn chế rất nhiều những thói quen thường nhật của người tiêu dùng. Các hoá đơn sinh hoạt được thanh toán qua ngân hàng trực tuyến, ứng dụng ngân hàng điện tử hay các ví điện tử, ngay cả khi mua sắm, tiêu dùng, dù là món đồ nhỏ lẻ như như mớ rau, con cá... người bán và cả người mua đều không muốn dùng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc. Với người bán nhanh trí và người mua thông thái, họ sẽ nghĩ ngay đến hình thức chuyển khoản.

Tuy nhiên, việc chuyển khoản lại khá “cồng kềnh” vì phải trải qua nhiều công đoạn thủ công (nhập thông tin ngân hàng, số tài khoản, số tiền, nội dung/mục đích thanh toán). Trong những tình huống như vậy, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh, thanh toán bằng mã QR (Quick Response Code - mã phản hồi nhanh) sẽ trở thành “cứu tinh” trong giao dịch mua bán bởi sự tiện lợi và nhanh chóng mà nó đem lại.

Thanh toán bằng QR code là xu hướng toàn cầu

Mã QR tiện lợi bởi tạo mã rất đơn giản với chi phí thấp. Khi sử dụng mã QR, người sử dụng sẽ lấy được thông tin một cách chính xác mà không bị nhầm lẫn khi nhập liệu và tiết kiệm thời gian tối đa.

Chính vì ưu điểm nổi trội, phương thức thanh toán QR đã “nở rộ” tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một ví dụ điển hình là Trung Quốc - quốc gia có dân số đứng đầu thế giới, mã QR xuất hiện khắp mọi nơi, từ các cửa hàng bán lẻ lớn, chợ truyền thống đến người hát rong. Gần như mọi thứ ở đây, từ gia vị, đồ ăn đường phố, đồ lưu niệm trong bảo tàng đến bút lông viết thư pháp đều cho phép trả tiền qua điện thoại. Việc này phổ biến đến mức nhiều người đùa rằng sẽ có lúc những người ăn xin cũng nhận tiền qua điện thoại hơn là tiền mặt. Đó là thành quả khi Trung Quốc đạt được chỉ tiêu cũng như giải thành công các bài toán kinh tế về thanh toán không tiền mặt. Đây chính là chất xúc tác mạnh mẽ thay đổi bộ mặt của xã hội.

Ngoài ra, nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan hay Malaysia cũng đang tập trung phát triển mã QR. Tháng 9/2018, The Singapore Quick Response Code (SGQR) - Mã QR Singapore đã được Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đưa ra thị trường được coi là mã QR thống nhất đầu tiên khi tích hợp nhiều chuẩn QR vào chung một chuẩn thống nhất; Malaysia đã xây dựng chuẩn DoitNow QR, là chuẩn QR quốc gia được liên thông và ứng dụng bởi toàn bộ các Ngân hàng và ví điện tử trên thị trường và đưa vào thí điểm từ năm 2018; Thái Lan đã giới thiệu chuẩn thanh toán ThaiQR và liên tục công bố kết nối liên thông tới các mạng QR tại các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia kể từ đầu năm 2021. Từ đó cho thấy, thanh toán bằng QR code chính là xu hướng toàn cầu.

Thanh toán bằng QR code là xu hướng toàn cầu

Thanh toán bằng QR code là xu hướng toàn cầu

VietQR - Sứ mệnh kết nối liên thông thanh toán

Không nằm ngoài xu thế đó, tại Việt Nam, thanh toán bằng mã QR được các ngân hàng và ví điện tử triển khai trên thị trường trong vài năm gần đây đã thu hút được nhiều khách hàng sử dụng. Đặc biệt, thói quen sử dụng điện thoại thông minh của đại đa phần người dân tại các thành phố lớn cũng góp phần khiến phương thức thanh toán bằng mã QR ngày càng được ưa chuộng hơn vì sự thuận tiện, đơn giản và an toàn trong quá trình thanh toán.

Mặc dù các đơn vị liên tục mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR, song việc khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào chỉ thanh toán được trong hệ thống đó đã gây ra những bất tiện và khó khăn cho khách hàng trong quá trình trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt

Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1928/QĐ- NHNN về việc công bố Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu thanh toán qua QR Code. Trên cơ sở đó, NAPAS cho ra mắt VietQR, đánh dấu sự liên thông thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam cũng như mở ra cơ hội kết nối thanh toán QR với quốc tế.

Chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR đang ngày càng trở nên thông dụng

VietQR là nhận diện thương hiệu chung dành cho các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR được xử lý qua mạng lưới NAPAS và các Ngân hàng thành viên, các Trung gian thanh toán, các đối tác thanh toán trong và ngoài nước.

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho ra đời mã VietQR, trở thành phương thức giao dịch thuận tiện và hiệu quả cho người dùng Việt Nam trong chuyển tiền và thanh toán qua di động.

Phương thức chuyển tiền bằng quét mã VietQR với tên gọi Chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR do NAPAS phối hợp các ngân hàng triển khai cho phép giao dịch chuyển và nhận tiền giữa các ngân hàng được thực hiện tức thời, mọi nơi, mọi lúc kể cả ngoài giờ hành chính và cuối tuần. Đồng thời, thông tin giao dịch được xử lý tự động, chính xác, hạn chế rủi ro nhập sai thông tin trong quá trình thực hiện chuyển tiền.

Để nhận tiền từ người khác, khách hàng có thể dễ dàng tạo mã QR cá nhân trên ứng dụng mobile banking của 27 ngân hàng phối hợp NAPAS triển khai cung cấp dịch vụ hoặc trên website vietqr.net đối với bất kỳ tài khoản của ngân hàng nào. Khách hàng có thể truy cập vào mobile banking để thực hiện chuyển tiền bằng cách quét mã VietQR đã lưu hoặc scan trực tiếp. Hạn mức tối đa mỗi giao dịch dưới 500 triệu đồng, do đó khách hàng có thể thực hiện thanh toán bằng quét mã VietQR không chỉ đối với các khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày như ăn một bát bún, bát phở ngoài quán, mà còn mua sắm thứ đồ vật đắt tiền hơn cho bản thân và gia đình mà không lo ngại việc tiếp xúc và lây nhiễm dịch bệnh.

Hơn thế, VietQR cho phép kết nối liên thông thanh toán nội địa và xuyên biên giới. NAPAS đã hợp tác thành công triển khai thanh toán song phương bằng mã VietQR với Thái Lan và dự kiến tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia khác. Việc mở rộng kết nối đã góp phần phát triển du lịch, thương mại giữa các quốc gia nói chung, lợi ích cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tham gia nói riêng, cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, bảo mật thông tin trong thanh toán di động.

Đại diện NAPAS cho biết, NAPAS đang tích cực mở rộng độ phủ đến 100% ngân hàng thành viên trong mạng lưới Chuyển nhanh Napas247 cũng như phối hợp với đối tác để thực hiện các chương trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Khi thanh toán di động dần trở nên phổ biến, NAPAS mong muốn chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR trở thành xu hướng trong thanh toán di động ở Việt Nam trong tương lai không xa; từ đó góp phần tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế và thực hiện các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 27 ngân hàng tham gia kết nối dịch vụ có thể thực hiện chuyển và nhận tiền thông qua dịch vụ Chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank, TPBank, Sacombank, VPBank, VIB, LienVietPostBank, MSB, ACB, SeABank, Nam A Bank, Viet Capital Bank, PVcomBank, GPBank, NCB, PG Bank, Shinhan Bank, HDBank, SCB, Techcombank, BAOVIET Bank, KienlongBank, OCB, VietBank và Saigonbank.

Tin bài liên quan