Vinachem loay hoay tái cơ cấu

Vinachem loay hoay tái cơ cấu

(ĐTCK) Tiến độ tái cơ cấu, đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang đối mặt nguy cơ tiếp tục chậm trễ khi nhiều vấn đề vướng mắc cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.  

Tại Hội nghị triển khai công tác đầu năm 2019, Vinachem cho biết, về công tác thoái vốn, từ tháng 7/2018, Tập đoàn đã lựa chọn và ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế phần vốn của Vinachem đầu tư tại doanh nghiệp và giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại 15 doanh nghiệp thoái vốn năm 2018 của Tập đoàn. Tuy nhiên, do việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử theo Thông tư 59/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính gặp khó khăn nên Tập đoàn chưa thực hiện kịp tiến độ thoái vốn trong năm 2018.

Khi đó, ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Vinachem cho hay, các đơn vị tư vấn thẩm định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá cho 12 doanh nghiệp. Các bước tiếp theo của công tác thoái vốn tại 15 doanh nghiệp thoái vốn năm 2018 sẽ được thực hiện năm 2019.

Tuy nhiên, mới đây, đại diện Vinachem thông tin, Tập đoàn vẫn đang phối hợp cùng với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục thực hiện thoái vốn. Như vậy, đã hết quý I/2019, nhưng tiến độ thoái vốn hầu như không được cải thiện.

Đối với công tác cổ phần hóa, theo Quyết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017 - 2020, tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sau cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% - dưới 65% vốn điều lệ, cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp đối với 4 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả theo Quyết định 1468/QĐ-TTg, đồng thời thực hiện thoái hết vốn, bán bớt vốn tại 33 doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Báo cáo mới nhất của Vinachem liên quan đến tình hình thực hiện đề án này cho thấy, tính tới nay, Bộ Công thương đã có các Quyết định về việc cổ phần hóa 3 đơn vị thành viên theo Đề án, đồng thời có văn bản gửi Tập đoàn về việc lập và trình duyệt phương án sử dụng đất theo Nghị định 126/2017 của Chính phủ.

Phía Vinachem đã lập và báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167. Tuy nhiên, theo đại diện Vinachem, các phương án trên vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng nghĩa với việc, mọi việc vẫn đang án binh bất động, hầu như chưa có thời hạn cụ thể.

Trong khi đó, việc xử lý sắp xếp các doanh nghiệp, dự án kém hiệu quả, thua lỗ thuộc Tập đoàn đang ngày càng khó khăn. Báo cáo tại cuộc làm việc xử lý 12 dự án thua lỗ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Vinachem thừa nhận, tình hình xử lý các dự án thua lỗ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là dự án Nhà máy đạm Ninh Bình.

Cụ thể, hiện nhà máy vẫn sản xuất cầm chừng dựa vào tiền khách hàng mua hàng ứng trước, trong khi các ngân hàng đã hoàn toàn không cho vay. Bản thân doanh nghiệp đề xuất phương án khoanh nợ và bán nhà máy trả nợ nhưng không ngân hàng nào chấp thuận. Đáng lo ngại, Tập đoàn đã dốc vào dự án trên 6.000 tỷ đồng, nên nếu không có phương án kịp thời thì doanh nghiệp phá sản kéo theo nhiều hệ lụy như Tập đoàn mất vốn, thậm chí “sụp đổ”. 

Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, Vinachem kiến nghị các cơ quan hữu quan đẩy nhanh việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với Công ty mẹ Vinachem và 2 đơn vị thành viên theo Đề án.

Riêng đối với 3 dự án thua lỗ, đại diện Tập đoàn vẫn đề xuất kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng. Cụ thể, kéo dài thành 20 năm đối với các khoản vay của VDB, đến hết năm 2028 thu nợ gốc trước, thu lãi sau và không tính lãi quá hạn, đồng thời điều chỉnh lãi suất tiền vay từ 3 - 8,55%/năm theo từng giai đoạn. Đối với các khoản vay ngân hàng thương mại, gia hạn thời hạn vay và giảm lãi suất, tiếp tục được vay vốn lưu động để đảm bảo sản xuất kinh doanh.         

Theo báo cáo rà soát của Bộ Công thương, tại Dự án DAP1 Hải Phòng, 2 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận giảm 2,17 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 37,885 tỷ đồng, giảm lỗ 10,135 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. 

Dự án đạm Hà Bắc tuy có giảm lỗ song năm 2018 vẫn lỗ 340 tỷ đồng, 2 tháng đầu năm 2019 lỗ 55 tỷ đồng. Vinachem cho biết, doanh thu Đạm Hà Bắc năm 2018 đạt gần 3.100 tỷ đồng, song các chi phí tài chính bao gồm tỷ giá, lãi ngắn hạn, dài hạn ước tính lên đã lên tới 820 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 870 tỷ đồng trong năm 2019, chưa kể các biến động lớn về tỷ giá, lãi suất có thể làm tăng thêm. 

Tin bài liên quan