Vinachem tiếp tục triển khai thoái vốn DGC, LAS, HVT trong năm 2021

Vinachem tiếp tục triển khai thoái vốn DGC, LAS, HVT trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện thoái vốn tại các đơn vị năm 2021, trong đó Tập đoàn đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn để thực hiện chuyển nhượng vốn tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC).

Ngoài ra, Vinachem cũng sẽ thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp khác như CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) giảm từ 69,82% về 51%, tương ứng bán khoảng 21,24 triệu cổ phiếu, CTCP Hóa chất Việt Trì (HVT) giảm sở hữu từ 68,5% về 51%, tương ứng bán gần 2 triệu cổ phiếu, và thoái toàn bộ 26,28% vốn tại CTCP Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất…

Đây là kế hoạch nằm trong đề án tái cơ cấu tập đoàn, theo đó Vinachem đã trình Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025. Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, Công ty TNHH MTV, Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các Công ty cổ phần phối hợp với Hội đồng quản trị Công ty, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý Vốn và UBND các tỉnh/thành phố, các Sở, ban ngành có liên quan để khẩn trương thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với các cơ sở nhà đất của đơn vị đang quản lý theo quy định.

Năm 2019, Vinachem từng đấu giá hơn 11,45 triệu cổ phiếu DGC với giá 49.100 đồng/CP, gần gấp đôi thị giá DGC giai đoạn đó khoảng 25.000 - 26.000 đồng/CP. Đợt đấu giá chỉ có 2 cá nhân tham gia mua 200 cổ phiếu.

Hiện Vinachem đang nắm giữ hơn 15,13 triệu cổ phiếu DGC, tương đương 8,85% vốn. Nếu thoái thành công toàn bộ, ước tính theo giá hiện nay của DGC ở vùng 160.000 đồng/CP, Vinachem có thể thu về khoảng 2.400 tỷ đồng.

Theo Vinachem, quý III/2021, tình hình sản xuất kinh doanh có thuận lợi từ sự trở lại mạnh mẽ của ngành công nghiệp và nông nghiệp tại nhiều nước trên thế giới và trong nước giúp cho việc tiêu thụ phân bón và lốp xe của Vinachem.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, lan rộng làm gián đoạn việc vận chuyển, hạn chế giao thương, hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước trên thế giới và giữa các tỉnh thành trong cả nước…, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt công tác của các doanh nghiệp nói chung và của toàn Tập đoàn nói riêng.

Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là những yếu tố khó khăn đối với Vinachem trong bối cảnh hiện nay.

Kết quả quý III, Vinachem ước đạt doanh thu 10.967 tỷ đồng, bằng 96,4% so với kế hoạch quý, tăng 14,3% so cùng kỳ; lợi nhuận dự kiến 167 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu Tập đoàn ước đạt 37.217 tỷ đồng, bằng 84,4% kế hoạch năm, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận 312 tỷ đồng.

Tin bài liên quan