Vĩnh Phúc tăng cường giải pháp ổn định lao động trong các khu công nghiệp

Vĩnh Phúc tăng cường giải pháp ổn định lao động trong các khu công nghiệp

(ĐTCK) Với sự chủ động vượt qua khó khăn và sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc, những tháng đầu năm, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động ổn định, góp phần quan trọng giúp thị trường lao động ít biến động và có sự tăng trưởng nhẹ.

Theo báo cáo của Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các tháng đầu năm, việc làm trong các khu công nghiệp có sự giảm sút, người lao động tăng ca ít hơn, thu nhập giảm đáng kể. Một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động như: Công ty TNHH HJC Vina, Công ty TNHH Power Logics Vina, Công ty TNHH EO Vina, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, Công ty TNHH Vina Korea, Công ty TNHH Jahwa Vina, Công ty TNHH Partron Vina... Tuy nhiên, số lao động bị cắt giảm chủ yếu ở những công đoạn không đòi hỏi tay nghề cao, dễ đào tạo lại. Đây cũng là tình hình chung của các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp phát triển, có độ mở, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trước tình hình trên, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp Việt với các nhà cung cấp nước ngoài…Nhờ đó, bước sang quý II, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi, nhiều công ty trong các khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thu hút và tạo việc làm mới cho 3.841 lao động. Lũy kế đến nay, tổng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp là 131.871 lao động, trong đó, lao động là người Vĩnh Phúc 73.966 lao động, chiếm 56,1%, số còn lại chủ yếu từ các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái…

Trong các lĩnh vực, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động nhất, với 86.300 lao động, tăng 2.514 lao động. Tiếp đó là lĩnh vực dệt may 17.382 lao động, tăng 506 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 8,3 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Compal Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện I, huyện Bình Xuyên đang tạo việc làm cho 12.000 lao động

Công ty TNHH Compal Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện I, huyện Bình Xuyên đang tạo việc làm cho 12.000 lao động

Là một trong số những doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị điện tử, Công ty TNHH Compal Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện I, huyện Bình Xuyên đang tạo việc làm cho 12.000 lao động, với mức lương bình quân khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng. Đại diện công ty cho biết, từ đầu năm đế nay, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất tại nhà xưởng thứ 2 và liên tục tuyển thêm lao động.

Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tuyển thêm lao động do mới ký thêm được các đơn hàng. Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, quan hệ lao động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cơ bản hài hòa, ổn định; các chế độ phúc lợi, chăm lo đời sống cho người lao động tiếp tục được các doanh nghiệp duy trì.

Từ đầu năm đến nay, trong các khu công nghiệp tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngừng việc tập thể, nguyên nhân chính là do công nhân lao động đòi chế độ phúc lợi và tăng lương. Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với chủ doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp đã chấp thuận theo yêu cầu của người lao động. Theo dự báo, tình hình lao động, việc làm thời gian tới sẽ tiếp đà phục hồi và có sự tăng trưởng khi nhiều dự án trong các khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Để hỗ trợ, thu hút lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh vào làm việc trong các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc cần sớm triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động và vi phạm pháp luật công đoàn, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động. Đồng thời, tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp với người lao động...

Tin bài liên quan