VNDirect: Thời điểm hấp dẫn tích lũy cổ phiếu hàng không

VNDirect: Thời điểm hấp dẫn tích lũy cổ phiếu hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành hàng không đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể để bù đắp cho những mất mát trong thời kỳ đại dịch. Theo quan điểm của VNDirect Research, đây là thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngành hàng không với mức giá hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận vững chắc.

Các hãng hàng không phát tín hiệu sáng

Sau khi kiểm soát thành công dịch Covid-19 trong quý I/2022, hàng không nội địa bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2022 và đã vượt qua mức trước đại dịch kể từ tháng 5/2022 nhờ nhu cầu du lịch phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

VNDirect Research nhận xét, kỳ nghỉ hè năm nay đã thực sự cởi trói cho khách nội địa sau hơn hai năm Covid-19. Cụ thể, nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn đã triển khai kịp thời kết hợp với các chương trình kích cầu du lịch của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh… đã kích hoạt sự bùng nổ du lịch nội địa cả nước.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không trong nước cũng tích cực khai thác và tăng tần suất các đường bay nội địa đến các điểm du lịch giúp hàng không trong nước đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Điều này cũng đã giúp các doanh nghiệp hàng không rộng cửa đón khách, sân bay nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài đóng băng đình trệ.

Trong quý III, Hãng hàng không Vietjet - Vietjet Air (mã VJC) đã thực hiện hơn 35 nghìn chuyến bay và vận chuyển 6,4 triệu lượt khách. Trong đó, vận tải hành khách nội địa đóng góp vào sự phục hồi với tăng trưởng 36% số chuyến bay và 44% tổng hành khách; còn vận tải hành khách quốc tế phục hồi khoảng 25% so với trước dịch.

Nhờ đó, Vietjet Air ghi nhận doanh thu hợp nhất quý III đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 337% so với quý III/2021. Tuy nhiên, do chi phí nhiên liệu bay tăng cao bình quân 130 USD/1 thùng, có thời điểm tăng đến 160 USD/1 thùng so với mức trung bình 80 USD/1 thùng năm 2019, VJC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng, giảm 41%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng số chuyến bay và lượt khách vận chuyển của Vietjet Air lần lượt đạt 87,7 nghìn chuyến và 15,4 triệu khách, tăng 150% và 225% so với cùng kỳ 2021. Kết quả, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 27,5 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 187 tỷ đồng, lần lượt tăng 170% và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý IV/2022, Vietjet Air dự báo sẽ đạt doanh thu và hiệu quả tích cực hơn nhờ vào lượng khách tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là các thị trường quốc tế.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN) cũng dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty cũng được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.

Trong quý III/2022, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 21,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 350% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, HVN phải chịu gánh nặng lỗ tỷ giá gần 1,1 nghìn tỷ đồng do đồng USD lên giá.

Cùng với đó là chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh khi hoạt động hàng không hồi phục trở lại, khiến Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, vẫn tích cực hơn cùng kỳ năm trước lỗ hơn 3,5 nghìn tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là hơn 2,6 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 51 nghìn tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế gần 7,8 nghìn tỷ đồng, giảm đáng kể so với cùng kỳ lỗ 11,8 nghìn tỷ đồng.

Ban lãnh đạo giải trình, thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022.

Triển vọng nhóm cổ phiếu hàng không

Ngày 24/10, tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt hơn 81 triệu lượt khách.

Cục Hàng không dự báo, trong năm 2022, tổng số lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 100 triệu lượt so với 120 triệu lượt hành khách đạt được năm 2019 - thời điểm trước dịch.

Dự báo về tình hình hàng không năm 2023, VNDirect nhận định, hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý III/2022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch.

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng, Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ quý II/2023. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023 giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023. Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% so với cùng kỳ trong năm 2022 (tăng 30,9% so với mức 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2023, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế.

“Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn với hàng không quốc tế, nên chúng tôi tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2023, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế”, VNDirect nêu quan điểm.

Tuy nhiên, trong điều kiện tỷ giá biến động và lãi suất USD tăng cao, VNDirect cho rằng các hãng hàng không sẽ phải đối mặt với hai khó khăn lớn.

Thứ nhất, đồng USD mạnh hơn khiến các hãng hàng không bị lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD. Ngoài ra, chi phí đầu tư máy bay (bán bằng USD) cũng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mở rộng đội bay của các hãng hàng không khó khăn hơn. Tuy nhiên, những khó khăn này phần nào được giảm bớt khi các hãng hàng không có nguồn thu từ USD khi bán vé quốc tế.

Thứ hai, lãi suất tăng trong khi lãi suất tài trợ cho đội bay hiện tại thường cố định nên chi phí lãi vay không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên khi tài trợ cho đội bay mới trong giai đoạn này, các hãng hàng không phải vay với lãi suất cao hơn và có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong tương lai.

Dù vậy, nhóm chuyên gia vẫn cho rằng đây là thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngành hàng không với mức giá hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận vững chắc. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng không có độ tương quan cao với hàng không quốc tế - sẽ là ngành hưởng lợi nhất khi sản lượng khách quốc tế phục hồi. VNDirect ưa thích mô hình bán lẻ hàng không nhờ rào cản gia nhập ngành cao cùng biên lợi nhuận vượt trội.

Với cảng hàng không, tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng có thể bị thu hẹp trong năm 2024 do công suất bị hạn chế. Triển vọng tăng trưởng của các hãng hàng không cũng bị hạn chế bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỷ giá và lãi suất tăng. Tuy nhiên, VNDirect vẫn ưa thích mô hình hàng không giá rẻ hơn hàng không truyền thống, do ít bị biến động trong môi trường tài chính không ổn định cùng chi phí nhiên liệu cao.

Theo các chuyên gia phân tích, máy bay của VJC đều là máy bay thân hẹp, đường ngắn nên mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình/ASK thấp hơn so với HVN- khoảng 30% số máy bay của HVN là máy bay đường dài thân rộng. Biên lợi nhuận gộp của VJC sẽ khả quan trong năm 2022 - 2023 khoảng 0,4%/2,0%, trong khi đó biên lợi nhuận gộp của HVN có thể chỉ đạt -3,5%/1,4%.

Mặt khác, HVN có tỷ trọng cho vay bằng USD trên tổng dư nợ lớn nhất (66,3%) với số dư vay USD là 21.815 tỷ đồng đến ngày 30/06/2022; trong khi tỷ trọng của VJC chỉ là 17,2% với số dư 3.227 tỷ đồng. Do đó, VJC ít phải chịu rủi ro hơn liên quan đến đồng USD mạnh lên và lãi suất USD tăng.

Ngoài ra, VNDirect cũng lựa chọn ra những đại diện tốt nhất của từng phân khúc trong ngành hàng không có tốc độ tăng trưởng và yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ trong giai đoạn 2023 - 2024, bao gồm ACV và AST.

Tin bài liên quan