VNG tăng vốn điều lệ gấp 5 lần, mua thêm 4 công ty con

VNG tăng vốn điều lệ gấp 5 lần, mua thêm 4 công ty con

(ĐTCK) Sáng nay (30/5), CTCP Du lịch Thành Thành Công (mã VNG) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên nhằm thông qua một số tờ trình. Trong đó, đáng chú ý nhất là tờ trình phát hành thêm hơn 62 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1:4,785, tăng vốn điều lệ từ 130 tỷ đồng lên 752 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư vào các công ty con.

Cụ thể, năm 2016, VNG dự kiến đầu tư vào 4 công ty con với tỷ lệ sở hữu tối thiểu 70%, bao gồm: CTCP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng, CTCP Du lịch Thắng Lợi, CTCP Du lịch Thanh Bình, CTCP Du lịch Bến Tre, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 620 tỷ đồng.

Trong phần thảo luận, cổ đông thắc mắc về triển vọng của kế hoạch tăng vốn, mua lại các công ty cùng ngành với số vốn quá lớn, có hay không tình trạng sở hữu chéo. Trả lời vấn đề này, bà Tsan Quay Liang, Chủ tịch HĐQT VNG khẳng định, kế hoạch đầu tư của công ty theo hình thức mua cổ phần chứ không phải là hoạt động M&A như cổ đông lầm tưởng. Cân nhắc hình ảnh và thương hiệu của Thành Thành Công, HĐQT VNG không có ly do gì lại sở hữu chéo vượt quá tỷ lệ quy định của pháp luật, làm giảm uy tín của VNG trên thị trường.

Đánh giá về triển vọng của các công ty con, HĐQT VNG cho biết, các công ty này đang hoạt động du lịch ở các tỉnh có thế mạnh du lịch. Trong đó, CTCP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng đang sở hữu 1 khách sạn 4 sao, 2 khu vui chơi lớn trong đó có Thung Lũng Tình Yêu và Đồi mộng mơ.

HĐQT VNG cũng đã khảo sát thực địa các địa điểm của CTCP Du lịch Thắng Lợi. Trong các địa điểm kinh doanh của Thắng Lợi, đáng chú ý nhất là TTC Palace Bình Thuận, được đánh giá là trung tâm hội nghị lớn nhất tại Bình Thuận. Đối với các dự án còn lại, HĐQT cũng đã nghiên cứu kỹ về hoạt động kinh doanh qua các năm và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Một cổ đông khác cho rằng, với kế hoạch đầu tư tương đối lớn như trên thì kế hoạch lợi nhuận mà HĐQT đặt ra là chưa tương xứng. Cụ thể, VNG đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 chỉ 1 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2015; trong khi doanh thu dự kiến 122 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện năm 2015.

Bà Tsan Quay Liang lý giải, việc đặt kế hoạch tăng trưởng của VNG căn cứ vào tình hình thực tế. Hoạt động của khách sạn TTC Cần Thơ nay là TTC Hotel Premium Cần Thơ triển khai chậm hơn kế hoạch dự kiến và hiện chỉ mới khai thác cho thuê phòng là chủ yếu. Năm 2015, Công ty tập trung thi công giai đoạn 2 là sảnh tiệc cưới với sức chứa 800-900 khách, đã hoàn tất vào cuối năm ngoái và dự kiến hoàn thành thi công hồ bơi vào tháng 5 năm nay.

Theo đó, việc thi công sửa chữa khách sạn ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận công ty bên cạnh chi phí lãi vay ngày càng lớn. Vì vậy, lợi nhuận trong năm nay từ khách sạn cũng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư vào các công ty con dự kiến hoàn thành trong năm nay, theo bà Tsan Quan Liang, kế hoạch trên tương đối lý tưởng, nhưng lợi nhuận của các công ty này chưa thể ghi nhận ngay trong năm nay.

Đại hội cũng đã thông báo kết quả kinh doanh quý I/2016. Theo đó, VNG ghi nhận khoản lỗ 3,3 tỷ đổng, so với khoản lợi nhuận nhỏ hơn 8 triệu đồng cùng kỳ năm 2015.

Theo giải trình của HĐQT, sở dĩ hoạt động quý I năm nay của VNG bị lỗ là do chi phí giá vốn tăng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm chi phí phân bổ công cụ, dụng cụ, khấu hao Khách sạn TTC Cần Thơ và Khách sạn Golf 3 Đà Lạt do mới đi vào hoạt động. Ngoài ra, chi phí tài chính của VNG cũng tăng 1,6 tỷ đồng do lãi vay đề sửa chữa các khách sạn nêu trên và công ty Du lịch Bến Tre.

Tin bài liên quan