VNSmallcap và VNMidcap sẽ thu hút được nhà đầu tư

VNSmallcap và VNMidcap sẽ thu hút được nhà đầu tư

(ĐTCK) Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm trong giai đoạn từ 2002 - 2012 của nhóm cổ phiếu VNSmallcap và VNMidcap vượt trội hơn hẳn nhóm cổ phiếu Large-cap.

Từ khi ra đời đến nay, chỉ số VN30 đã dần trở nên quen thuộc đối với các NĐT với vai trò là một chỉ báo quan trọng đối với diễn biến của nhóm cổ phiếu blue-chip. Đa số cổ phiếu được chọn lựa vào nhóm VN30 đều có chất lượng tốt và nhận được nhiều sự quan tâm của cả NĐT trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, việc tồn tại duy nhất một chỉ số đối với một nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên HOSE như VN30 chưa thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư và thông tin trên thị trường. Những hạn chế có thể kể đến là VN30 hiện chưa đáp ứng được nhu cầu về chỉ số có khả năng giao dịch được và việc hướng sự chú ý vào VN30 khiến cho NĐT thiếu đi một cái nhìn tổng quan đối với thị trường, mức độ nhận biết đối với diễn biến dòng tiền trên thị trường còn bị hạn chế. Giải pháp để NĐT có thể bao quát các khía cạnh và góc độ khác nhau của thị trường đã được các TTCK phát triển sử dụng là xây dựng đầy đủ các bộ chỉ số của các công ty có quy mô vốn hóa từ lớn đến trung bình và nhỏ.

Diễn biến VN30 và VN-Index (Nguồn: HSX)

Tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài bình quân đối với nhóm VN30 là 26%, trong khi toàn thị trường chỉ có 8% (Nguồn: RongViet Securities)

Một thống kê gần đây của Goldman Sachs khi so sánh các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn (Large-cap), cổ phiếu có vốn hóa trung bình (Mid-cap) và nhỏ (Small-cap) trên TTCK Mỹ cho thấy, tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm trong giai đoạn từ 2002 - 2012 của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình vượt trội hơn hẳn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nếu soi kỹ hơn, tỷ suất sinh lợi trên một đơn vị rủi ro (Sharpe Ratio) của nhóm Mid-cap là tốt nhất trong ba nhóm cổ phiếu. Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu Mid-cap và Small-cap lại chưa được các chủ thể trên thị trường quan tâm bằng cổ phiếu Large-cap. Như vậy, cơ hội còn rất nhiều đối với hai nhóm cổ phiếu này. Điểm đặc biệt là những cổ phiếu thuộc hai nhóm này thường nằm ở trong giai đoạn phát triển hoặc tăng trưởng của chu kỳ kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất thì tương lai gần sẽ là thời kỳ tăng trưởng, đồng thời là cơ hội cho việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu Mid-cap và Small-cap. Chúng tôi hy vọng các chỉ số VNMidcap và VNSmallcap sẽ thu hút được sự quan tâm của NĐT ngay khi được công bố chính thức.

Tốc độ tăng trưởng của các nhóm cổ phiếu trên thị trường Mỹ (2002-2012)

(Nguồn: Goldman Sachs)

 

VNSmallcap và VNMidcap sẽ thu hút được nhà đầu tư ảnh 1

Tỷ suất sinh lợi trên một đơn vị rủi ro (Sharpe Ratio)

(Nguồn: Goldman Sachs)

VNSmallcap và VNMidcap sẽ thu hút được nhà đầu tư ảnh 2

Sau 2 năm được Sở GDCK TP. HCM (HOSE) nghiên cứu và xây dựng, 2 bộ chỉ số VN-Smallcap và VN-Midcap dự kiến ra đời vào đầu năm 2014 kỳ vọng sẽ mang lại nhiều ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam. Một là, khắc phục được nhược điểm của chỉ số VN30, đáp ứng nhu cầu về một bức tranh chi tiết hơn về dòng tiền, diễn biến thị trường và tâm lý của NĐT. Hai là trở thành công cụ hỗ trợ cho NĐT trong việc xây dựng danh mục và đa dạng hóa danh mục dựa trên chỉ tiêu phân loại là vốn hóa (có sàng lọc về điều kiện thanh khoản), từ đó, góp phần tăng tính hiệu quả của việc đầu tư chứng khoán. Ba là, các chỉ số mới được bổ sung sẽ là tiền đề tiếp theo để phát triển thị trường phái sinh: cho phép thực hiện giao dịch chỉ số, hợp đồng quyền chọn chỉ số hoặc hợp đồng tương lai, cải thiện tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với NĐT nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư năng động và quỹ đầu tư theo chỉ số. Chưa dừng lại ở đó, việc đưa ra các bộ chỉ số mới cho thấy TTCK vẫn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và tinh thần cầu thị của cơ quan quản lý, từ đó tác động tích cực đối với niềm tin của NĐT đang rất mỏng manh trên TTCK Việt Nam.

Tích cực là vậy, nhưng do ảnh hưởng của các cổ phiếu Large-cap còn rất lớn nên cơ quan quản lý thị trường cần phải tăng cường quảng bá các bộ chỉ số mới để NĐT hiểu rõ hơn về ý nghĩa và mục đích của từng chỉ số. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ và lịch trình phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh. Có như vậy mới có thể phát huy đầy đủ vai trò và ứng dụng của các bộ chỉ số, tạo nên tính chuyên nghiệp và đồng bộ của TTCK Việt Nam .

VNSmallcap và VNMidcap sẽ thu hút được nhà đầu tư ảnh 3
VNSmallcap và VNMidcap sẽ thu hút được nhà đầu tư ảnh 4