Vững gốc để vươn cành

Vững gốc để vươn cành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần trước, các nhà đầu tư trên thị trường vốn quan tâm đặc biệt đến cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các công ty chứng khoán. Họ kỳ vọng sau cuộc họp sẽ có những giải pháp mới được công bố nhằm gỡ khó cho thị trường này.

Đại diện một số doanh nghiệp sau đó đã chia sẻ một số thông điệp được đưa ra tại cuộc họp trên. Đó là các tổ chức phát hành sẽ phải nỗ lực vay mượn, bán tài sản, tái cơ cấu để có tiền thực hiện nghĩa vụ chi trả. Khuyến khích các bên thỏa thuận, đàm phán để kéo giãn thời gian trả nợ hoặc hoán đổi sản phẩm. Các doanh nghiệp bất động sản có dự án đang xây dựng dở dang có thể được hỗ trợ room tín dụng để hoàn thiện dự án ra được sản phẩm tới tay khách hàng. Riêng quỹ hỗ trợ trái phiếu, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Ngân hàng Nhà nước giữa tuần trước cũng có công văn gửi các tổ chức tín dụng cho biết, tăng trưởng tín dụng cả nước đến thời điểm hiện tại đạt 11,5%, tức là thấp hơn room bình quân của năm 2022 này tới 2,5%, nên các tổ chức tín dụng còn hạn mức cần tích cực giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên…

Như vậy, thông điệp chính sách thể hiện rõ việc các doanh nghiệp phải quyết liệt tái cấu trúc, tự tìm lối ra cho mình, bên cạnh các chính sách gỡ khó của Nhà nước. Giới chuyên gia trong câu chuyện với Đầu tư Chứng khoán cũng đề cập nhiều đến việc các doanh nghiệp cần tinh gọn bộ máy, tăng năng suất lao động và thu gọn cơ thể để linh hoạt, nhanh nhẹn hơn, hòng có thể bước qua được giai đoạn khó khăn hiện nay và trước mắt.

Một thống kê từ Fingroup cho thấy, từ nay đến hết 2023 sẽ có khoảng 350.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp khối phi tài chính đáo hạn. Các thành viên thị trường nhìn vào yếu tố này để thận trọng và giữ tâm lý phòng thủ ở mức cao. Vì thế, rất có thể room tín dụng vẫn còn, sang 2023 ngân hàng có thêm room mới nhưng lại thiếu nguồn để cho vay. Đây là bài toán được trông chờ có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.

Khi chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục triển khai cộng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế, TTCK khó có thể thoát khỏi xu hướng gấu, nên những đợt hồi kỹ thuật có thể xảy ra nhưng khả năng duy trì điểm số tăng mạnh khó kéo dài sau đó. Đây cũng là giai đoạn cả nhà đầu tư và doanh nghiệp gia cố lại danh mục của mình để gia tăng nội lực chống đỡ với những thách thức khó lường phía trước.

Bài học từ biến động quá nhanh của thị trường đã cho thấy rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững mà lâu nay nhiều doanh nghiệp bỏ quên. Bền vững trong dòng tiền, vốn đầu tư và mở rộng đầu tư.

“Tái cấu trúc để phát triển bền vững” cũng là chuyên đề được Đầu tư Chứng khoán thực hiện trong số báo này, qua đó chia sẻ những câu chuyện, những bước chuẩn bị và những động thái tái cơ cấu của doanh nghiệp, của nhà đầu tư cho chặng đường phía trước.

Ngày 28/11 trong tuần này mang ý nghĩa đặc biệt là Ngày truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam. Nhìn lại cả chặng đường dài của ngành để thấy có thăng, có trầm là lẽ tất yếu, nhưng sau những giai đoạn khó khăn, thử thách, sẽ đến lúc thị trường tươi sáng hơn, sau khi trải qua những bài học để hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững.

Tin bài liên quan