“Vùng tránh bão” của quỹ đầu tư

“Vùng tránh bão” của quỹ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở giai đoạn hiện tại, khi vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn và khó dự báo trong chính sách thuế quan của Mỹ, các quỹ đầu tư có sự chuyển hướng trong chiến lược “chọn hàng”.

“Thị trường đang cho nhà đầu tư quyền chọn mua”

Thị trường chứng khoán trong nước vừa có nhịp phục hồi sau “cú sốc” thuế quan đầu tháng 4. Dù triển vọng thuế quan vẫn chưa rõ ràng, song các quỹ đầu tư vẫn duy trì góc nhìn toàn cảnh và dài hạn hơn về tiềm năng của thị trường.

Quỹ Đầu tư chứng khoán năng động DC (do Dragon Capital quản lý) nhìn nhận, trước sức ép từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ngoại giao, dẫn đến quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày. Đồng thời, ở trong nước, Việt Nam đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ tăng tốc giải ngân đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm; Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 20 tỷ USD, tập trung vào hạ tầng, công nghệ và tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, các cải cách thể chế được xúc tiến mạnh mẽ nhằm giảm 30% thủ tục kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Một gói hỗ trợ khẩn cấp cũng đã được đề xuất, ưu tiên các ngành xuất khẩu dễ tổn thương như dệt may, da giày, nội thất và thủy sản, với mục tiêu giữ ổn định việc làm và hạn chế gián đoạn kinh tế.

Theo quỹ này, việc Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế mức cao trong 90 ngày tạo ra khoảng trống cần thiết để hai bên đàm phán và làm rõ các vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, Việt Nam không chờ đợi, mà tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó có việc tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị, tháo gỡ các rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển. Sức cầu nội địa ổn định và chính sách hỗ trợ kịp thời đang góp phần củng cố nền tảng vĩ mô.

Nguồn: FiinPro-X Platform. Ghi chú: Khối lượng và giá trị nắm giữ được ước tính dựa trên danh mục của 65 quỹ cổ phiếu với tổng giá trị tài sản ròng hơn 176.000 tỷ đồng

Nguồn: FiinPro-X Platform.

Ghi chú: Khối lượng và giá trị nắm giữ được ước tính dựa trên danh mục của 65 quỹ cổ phiếu với tổng giá trị tài sản ròng hơn 176.000 tỷ đồng

“Những nỗ lực này kỳ vọng sẽ tạo lớp đệm quan trọng giúp nền kinh tế ứng phó với các cú sốc bên ngoài và duy trì đà tăng trưởng. Dù vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tiến độ đàm phán thương mại và hiệu quả triển khai chính sách trong nước sẽ là yếu tố then chốt. Tâm lý thị trường có thể vẫn nhạy cảm với thông tin chính sách, nhưng nhóm đầu tư hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào phản ứng nhanh chóng, nhất quán và có tổ chức của Chính phủ cũng như cam kết duy trì ổn định kinh tế vĩ mô”, Dragon Capital cho biết.

Nhấn mạnh hơn tới các yếu tố cơ bản của thị trường chứng khoán, SGI Capital cho biết, kể từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng cổ phiếu, trong đó hơn một nửa chỉ trong tháng 3 và đầu tháng 4 khi rủi ro thuế quan hiện hữu.

“Chúng tôi cho rằng các rủi ro từ thuế quan tác động tới nhà đầu tư đang phản ánh rất nhanh vào giá cổ phiếu và sẽ dần phai nhạt trong hai tháng tới khi quá trình đàm phán diễn ra và hoàn tất. Nửa cuối năm nay, dòng tiền của khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng theo sự hấp dẫn của định giá và quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi”, SGI Capital nhận định.

VN-Index giảm mạnh vào đầu tháng 4 đã kéo định giá của thị trường về vùng rẻ của 10 năm, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn rất tốt với nhiều cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao. Ở mốc 1.200 điểm, VN-Index có định giá P/B rẻ tương đương vùng đáy được tạo ra vào tháng 3/2020 (khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát) và khủng hoảng thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào tháng 11/2022. Còn định giá P/E cao hơn hai mốc đáy lớn kể trên từ 10 - 15%. Khi tất cả các cổ phiếu tốt, xấu đều bị bán tháo như nhau về quanh mức rẻ lịch sử, nhiều cơ hội đầu tư dài hạn rất hấp dẫn đã xuất hiện.

“Những sự kiện chấn động tạo nên các cú sốc lớn như hiện nay không phải là điều gì mới mẻ trên thị trường chứng khoán. Chúng ta từng trải qua thời điểm đại dịch Covid lan tràn toàn cầu, lấy đi sinh mạng cả triệu người, hay khủng hoảng thanh khoản trái phiếu năm 2022... Chúng ta hiện đang nghe về sự sụp đổ của hệ thống thương mại, sản xuất và trật tự kinh tế toàn cầu, có thể dẫn tới xung đột leo thang… Có thể một phần trong số đó sẽ thành sự thật, và những biến động giá cực đoan trong vài ngày/tuần tới còn rất khó lường, nhưng sau khi nỗi sợ hãi cực điểm đi qua, trật tự mới lại dần được thiết lập và chúng ta sẽ nhìn lại giai đoạn này như một trong những cơ hội đầu tư tốt nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam”, SGI Capital nhận xét.

Chia sẻ về định hướng đầu tư, theo SGI Capital, những lúc tương lai bất định, triển vọng tối tăm cũng đồng thời là thời điểm tốt để sở hữu cổ phiếu bởi nhu cầu bán tháo chuyển qua phòng thủ sẽ khiến mặt bằng định giá của mọi cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, tăng hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Đây là lúc thị trường đang cho nhà đầu tư quyền chọn mua những doanh nghiệp tuyệt vời bị bán tháo về các mức định giá rẻ lịch sử, vốn chỉ tồn tại trong thời gian không dài ở giai đoạn đỉnh điểm nỗi sợ hãi.

“Vùng tránh bão” của các quỹ

Xét theo danh mục phân bổ tài sản đầu tư theo ngành của các quỹ đầu tư, nhóm ngân hàng đang là lựa chọn hàng đầu. Theo các công bố thông tin mới nhất, đa phần các quỹ phân bổ tỷ trọng lớn vào cổ phiếu ngân hàng, mà ACB là cổ phiếu được nắm giữ hàng đầu, bên cạnh các mã STB, VCB, TCB, CTG, MBB, VPB…

Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) đang đầu tư hơn 58% giá trị tài sản vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Top 10 khoản đầu tư có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Quỹ bao gồm TCB, VPB, ACB, SHB, MBB, CTG… Việc sở hữu nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng được xem là “trụ đỡ” cho NAV của BVFED trong giai đoạn thị trường chứng khoán biến động vừa qua, giúp hiệu suất đầu tư của quỹ này khá tích cực, tăng trưởng 8,65% trong 1 năm qua (tính tới ngày 6/5/2025).

Tương tự, Quỹ Đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) phân bổ 46,82% tài sản vào cổ phiếu "dòng bank". Các cổ phiếu ngân hàng thuộc Top các khoản đầu tư lớn nhất của MBVF bao gồm ACB, TCB, VIB, VPB. Trong 1 năm qua (tính tới ngày 6/5), hiệu suất đầu tư của MBVF đạt 9,05%, thuộc tốp đầu thị trường.

Chia sẻ về các nhóm ngành được chú trọng, Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaCapital (VINACAPITAL-VEOF) cho biết, ở giai đoạn hiện tại, khi vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn và khó dự báo trong chính sách thuế quan của Mỹ, Quỹ đã chuyển sang tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp mà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ đến từ thị trường nội địa, được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước cùng với các chính sách cải cách và phát triển kinh tế đang được thực thi mạnh mẽ bởi Chính phủ.

Các nhóm ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, bất động sản đang là trọng tâm đầu tư của VEOF.

Theo tính toán của VinaCapital, với VN-Index ở vùng 1.200 điểm, chỉ số P/E cho năm 2025 chỉ ở mức 9,8 lần, gần như thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong 10 năm qua, chỉ có 2 sự kiện “thiên nga đen” làm chỉ số P/E của VN-Index về vùng dưới 10 lần, đó là đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và sự khủng hoảng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cùng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022.

“Khi thị trường chứng khoán bị bán tháo về mức định giá thấp như vậy, sự hồi phục luôn diễn ra nhanh chóng do các tin tức tiêu cực đã được phản ánh trong giá cổ phiếu và các nhà đầu tư nhận thấy đó là cơ hội mua được nhiều cổ phiếu với giá rất rẻ. Ngoài ra, trong thời hạn 90 ngày tới, chúng tôi cũng kỳ vọng Việt Nam có thể đàm phán được với Mỹ cho một mức thuế thấp hơn, không gây ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”, VEOF cho biết.

Tin bài liên quan