Westernbank: Tái cấu trúc để lớn mạnh hơn

Westernbank: Tái cấu trúc để lớn mạnh hơn

(ĐTCK) Từ chỗ là một NHTM với nhiều khoản tín dụng bị kiểm toán, thanh tra NHNN lưu ý, sau 1 năm nỗ lực cải tổ, bức tranh tuơi sáng hơn, với quy mô tài sản lên tới xấp xỉ 100.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) đang dần được phác họa.

Một năm cải tổ toàn diện

Ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 26/4/2013, Westernbank đã công bố bộ tài liệu họp ĐHCĐ khiến không ít NĐT giật mình. Giật mình bởi những khó khăn mà ngân hàng này đã trải qua (nhưng đến giờ mới được vẽ chi tiết qua báo cáo thực hiện kết luận thanh tra NHNN); và giật mình bởi sự thay đổi mang tính cách mạng tổng thể của chính Ngân hàng.

Trước hết là sự thay đổi mạnh mẽ về cổ đông của Westernbank. Báo cáo Ban kiểm soát cho thấy, trong năm 2012, Ngân hàng có 48 cổ đông tiến hành giao dịch chuyển nhượng cổ phần, với giá trị vốn cổ phần chuyển nhượng là 3.269 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Cộng với diễn biến thay mới 100% số thành viên HĐQT trong cuộc họp ĐHCĐ diễn ra ngày 16/3/2013, không khó để công chúng đầu tư nhận thấy, Westernbank đã có một sự thay máu gần như toàn bộ về chủ sở hữu trong năm 2012.

Westernbank: Tái cấu trúc để lớn mạnh hơn ảnh 1

Điểm thứ hai đáng chú ý là những thay đổi liên quan đến cơ cấu, chất lượng tổng tài sản, mà báo cáo thực hiện kết luận của Thanh tra NHNN đã nêu.

Theo báo cáo này, Thanh tra của NHNN (thời kỳ thanh tra từ 1/1/2011 đến 29/2/2012) kết luận, tổng dư nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 của Westernbank thời điểm 29/2/2012 là 3.333 tỷ đồng (trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng thời điểm 31/12/2011 là 8.854 tỷ đồng); dư nợ cho vay nhóm khách hàng có liên quan lên tới 5.092 tỷ đồng, bằng 157% vốn tự có, vượt xa rất nhiều so với mức giới hạn 25% vốn tự có theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Tại ngày 31/12/2011, Ngân hàng có tới hơn 558 tỷ đồng tiền gửi tại một số NHTM đã bị quá hạn thanh toán, gần 1.400 tỷ đồng ủy thác đầu tư và đặt cọc môi giới chứng khoán. Đặc biệt, Westernbank bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và yêu cầu tái cơ cấu ngân hàng.

Tuy nhiên, sau một năm “đại phẫu thuật”, cơ cấu tài sản của Westernbank đã thay đổi khá ngoạn mục. Mặc dù tổng tài sản của Ngân hàng giảm từ 20.000 tỷ đồng cuối năm 2011 về hơn 14.000 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay thuộc nhóm 2 đến nhóm 5 đã giảm mạnh, chỉ còn 1.716 tỷ đồng. Đối với dư nợ cho vay nhóm khách hàng có liên quan, đến ngày 28/2/2013, Ngân hàng đã giảm số dư từ mức 5.092 tỷ đồng về 3.306 tỷ đồng.

Trong một thông điệp đưa ra hồi cuối năm 2012, Westernbank cũng cho biết đã thu hút được lượng lớn khách hàng đến mở tài khoản trong những tháng cuối năm, đồng thời huy động vốn tăng mạnh so với thời điểm giữa năm 2012.

Dù chỉ đạt hơn 42 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm, nhưng đặt trong bối cảnh khó khăn chung của toàn hệ thống tín dụng, sự thay đổi toàn diện về cấu trúc tài sản với độ an toàn cao hơn, có thể nói, năm 2012 là năm tương đối thành công với Westernbank trong nỗ lực cải tổ để xây dựng một NHTM khỏe mạnh hơn.

 

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ hợp nhất

Ngoài nỗ lực tự tái cấu trúc tài sản, năm 2012, một thành tựu lớn hơn nữa của Westernbank là tìm kiếm đối tác hợp nhất (là Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam, PVFC) để xây dựng 1 ngân hàng mới, nếu thành công, sẽ mở ra một bước ngoặt lớn cho Westernbank.

Hợp nhất với PVFC, Ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ dự kiến 9.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng. Với quy mô này, Westernbank sẽ ngay lập tức hóa giải được nguỡng 25% dư nợ cho vay với nhóm DN có liên quan như yêu cầu của NHNN. Thêm vào đó, việc tận dụng được lợi thế quy mô, khách hàng, cổ đông lớn (PVN) của PVFC, kết hợp với lợi thế mô hình hoạt động của Westernbank sẽ giúp Ngân hàng tăng năng lực cạnh tranh, từ đó tạo giá trị cộng hưởng cho cổ đông. Tất nhiên, để hái được quả ngọt ấy, cả Westernbank và PVFC sẽ phải đi qua một chặng đường dài, mà trước mắt là sự thông qua về mặt thủ tục của cổ đông Westernbank, PVFC cũng như cơ quan quản lý.