Lợi nhuận của Phục Hưng liên tục đi xuống trong vài năm trở lại đây

Lợi nhuận của Phục Hưng liên tục đi xuống trong vài năm trở lại đây

Xây dựng Phục Hưng (PHC): Nửa tài sản là khoản phải thu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đã vượt đỉnh lịch sử, song cổ phiếu PHC của Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng (mã PHC) vẫn nằm sâu dưới mệnh giá, trong bối cảnh lợi nhuận đi xuống từ năm 2021.

Thị giá cổ phiếu giảm

Cổ phiếu PHC được niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2018, nhưng chỉ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi giữa năm 2023, Xây dựng Phục Hưng cùng với các đối tác trong liên danh VIETUR trúng gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách (Gói thầu 5.10) thuộc Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành quy mô 35.000 tỷ đồng.

Thống kê từ ngày 9/5/2023 đến ngày 9/8/2023, thị giá PHC đã tăng 95%, từ 5.200 đồng/cổ phiếu lên 10.140 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khi thông tin liên danh VIETUR trúng thầu gói thầu 5.10 chính thức được công bố, cổ phiếu của PHC lại đi xuống mạnh và dao động ở quanh vùng giá 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu từ đó tới nay. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (25/7/2025), thị giá PHC ở mức 5.400 đồng/cổ phiếu và đang giao dịch dưới đường hỗ trợ dài hạn MA200.

Thị giá PHC đi xuống trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Xây dựng Phục Hưng suy giảm. Năm 2022, Công ty báo lãi 19,84 tỷ đồng, giảm 63,8% so với năm 2021. Năm 2023, Công ty báo lãi 8,41 tỷ đồng, giảm 57,6% so với năm trước đó và năm 2024 ghi nhận lợi nhuận suy giảm 43,2%, về 4,78 tỷ đồng.

Dù thị giá ở vùng thấp, song theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, tính tới đầu tháng 7/2025, định giá P/E của PHC lên tới 52,52 lần, cao hơn trung bình ngành là 19,76 lần.

Năm 2024, hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) của PHC chỉ đạt 0,15%, trong khi mức trung bình ngành là 3,31%; hiệu quả sử dụng vốn (ROE) chỉ đạt 0,76%, so với mức trung bình ngành là 13,1%, thuộc nhóm có hiệu quả kinh doanh thấp trong khối doanh nghiệp ngành xây dựng đang niêm yết/giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Quá nửa tài sản là các khoản phải thu

Doanh thu của Xây dựng Phục Hưng chủ yếu đến từ lĩnh vực xây dựng, chiếm hơn 97% tổng doanh thu năm 2024. Tương tự nhiều doanh nghiệp cùng ngành, phần lớn tài sản của Xây dựng Phục Hưng nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho từ các dự án xây dựng đang triển khai cho các chủ đầu tư.

Tại ngày 31/12/2024, Công ty ghi nhận 1.688,9 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 52,1% tổng tài sản; 627,6 tỷ đồng tồn kho, tương đương 19,4% tổng tài sản. Trong đó, theo thuyết minh của Công ty, phải thu ngắn hạn của nhiều chủ đầu tư 1.191 tỷ đồng; trả trước 345,5 tỷ đồng cho người bán ngắn hạn và dùng 626,8 tỷ đồng để triển khai xây dựng các dự án dở dang của các chủ đầu tư khác nhau.

Tại thời điểm cuối năm 2024, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng 7,79 tỷ đồng trong tổng 30,01 tỷ đồng các khoản phải thu của các đối tác. Trong đó, các khoản dự phòng đáng chú ý tại CTCP Thương mại Du lịch Vũng Tàu - Sài Gòn, Công ty cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt, Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí IMICO, Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thương mại Trường Lâm…

Tới cuối quý I/2025, các khoản phải thu và tồn kho cũng lần lượt ghi nhận 1.660,5 tỷ đồng và 686,6 tỷ đồng, chiếm tổng cộng 76,2% tổng tài sản. Công ty không thuyết minh cơ cấu tồn kho nhưng vẫn thuyết minh các khoản phải thu ngắn hạn liên quan tới Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Pros, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội - Chi nhánh Hà Tây, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Đông Đô – BQP, Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành… và vẫn đang trích lập 7,79 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi như thời điểm đầu năm 2025.

Nhìn trong khoảng thời gian xa hơn, từ ngày 31/12/2020 tới ngày 31/3/2025, các khoản phải thu của Xây dựng Phục Hưng đã tăng thêm 501,1 tỷ đồng; tồn kho tăng thêm 218,3 tỷ đồng, còn lượng tiền mặt giảm 114,5 tỷ đồng, về 48 tỷ đồng và chỉ còn chiếm 1,6% tổng tài sản.

Với việc bị chiếm dụng vốn lớn, để đáp ứng yêu cầu vốn triển khai các gói thầu, Xây dựng Phục Hưng tăng vay nợ. Từ ngày 31/12/2020 đến ngày 31/3/2025, tổng nợ vay của Công ty đã tăng thêm 322,72 tỷ đồng, lên 1.321,1 tỷ đồng, bằng 199,4% vốn chủ sở hữu, cao hơn trung bình ngành (110%).

Tại đại hội cổ đông thường niên 2025, ông Đặng Trọng Đức, Tổng giám đốc Xây dựng Phục Hưng cho biết, năm 2024, giá trị ký mới của Công ty đạt 1.223 tỷ đồng, tương đương 41% kế hoạch, do các doanh nghiệp xây dựng liên tục điều chỉnh chiến lược đấu thầu, chấp nhận giảm giá để giành hợp đồng, tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, một số dự án gặp vướng mắc trong hồ sơ thanh quyết toán, nhiều chủ đầu tư kéo dài thời gian thanh toán, dẫn tới dư nợ phải thu lớn và tăng chi phí tài chính.

Năm nay, Công ty lên kế hoạch triển khai, tham gia góp vốn vào một số dự án bất động sản và năng lượng. Trong đó có dự án Khu nhà ở trung tâm Nghi Kim (Nghệ An) quy mô 5,22 ha, tổng mức đầu tư gần 390 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý III/2025; dự án Khu đô thị An Phú Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên), quy mô 11,9 ha, tổng mức đầu tư hơn 681 tỷ đồng; dự án Nhà ở xã hội tại xã Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai, quy mô 5,61 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Văn Thành (Nghệ An), quy mô 24,9 ha, tổng mức đầu tư 1.397,72 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Thống Nhất, quy mô 7,25 ha, tổng mức đầu tư 346,46 tỷ đồng; dự án Cụm công nghiệp Đình Lập với quy mô 71,39 ha, tổng mức đầu tư 677,5 tỷ đồng…

Trong bối cảnh nguồn tiền mặt hạn chế, tài sản chủ yếu nằm ở khoản phải thu và tồn kho, Công ty phải giải bài toán lớn là huy động vốn để phục vụ cho việc triển khai các gói thầu có tổng backlog 8.200 tỷ đồng và tham gia vào các dự án bất động sản.

Tin bài liên quan