Cổ đông có thể thông cảm khi DN không hoàn thành kế hoạch trong 1 năm khó khăn

Cổ đông có thể thông cảm khi DN không hoàn thành kế hoạch trong 1 năm khó khăn

Xin ý kiến giảm kế hoạch kinh doanh: Thừa và lãng phí

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt DNNY đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông để xin giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trong kế hoạch kinh doanh năm 2011. Tôi cho rằng, hành động này chỉ mang ý nghĩa ngoại giao hơn là hiệu quả cho cổ đông.

Còn 1 tháng để kết thúc năm, nhưng CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL), CTCP Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ (PSP), CTCP Dầu khí Đông Đô (PFL)… cùng lúc lấy ý kiến cổ đông xin giảm kế hoạch kinh doanh năm. Điều này cần thiết không?

Theo tôi, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp khó khăn như hiện tại, chỉ cần nhìn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của DN không khả quan, nhà đầu tư cũng thừa hiểu rằng, DN sẽ khó mà đạt được kế hoạch kinh doanh năm. Việc xin ý kiến cổ đông về một kế hoạch kinh doanh mới trong bối cảnh ngày kết thúc năm đến gần có một ý nghĩa quan trọng là: thông báo cho cổ đông biết về khả năng DN đạt được kết quả kinh doanh bao nhiêu trong năm nay mà thôi. Hãy thử đặt câu hỏi rằng, nếu cổ đông nói không đồng ý với kế hoạch kinh doanh mới mà HĐQT DN trình thay thế, thì liệu Ban lãnh đạo có cố gắng để theo được kế hoạch kinh doanh cũ không, hay việc gì đến cũng sẽ đến?

Trở lại khái niệm cơ bản nhất của việc lập kế hoạch kinh doanh năm với một DN, sẽ thấy hành động hiện nay của các DN là thừa và… lãng phí. Một kế hoạch kinh doanh được đưa ra từ đầu năm là để xây dựng ra một con số định lượng, hoặc đôi khi chỉ là định tính (kiểu năm nay phải có lãi!) để DN theo đó mà phấn đấu, điều chỉnh hoạt động của mình. Đây cũng là cơ sở để người ta đánh giá xem, Ban lãnh đạo và toàn thể công ty đã làm hết sức mình trong năm kế hoạch chưa. Việc điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh vào phút chót của năm chỉ khiến người ta có cảm giác, Ban lãnh đạo đang chạy theo mục tiêu "hoàn thành kế hoạch năm" ở bản báo cáo công việc cuối năm mà không có hiệu quả thực tế. Nhưng việc làm này lại phải tốn chi phí và công sức của bao người để thực hiện xin ý kiến cổ đông, quả thực hết sức vô bổ.

Hãy tưởng tượng, trường hợp của CTS, ngày 26/12/2011 mới là ngày cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm. Vậy thì, thời điểm ra Nghị quyết ĐHCĐ về vấn đề này nhanh nhất cũng là ngày 28/12. Tức là, chỉ có 3 ngày để Nghị quyết ĐHCĐ này phát huy hiệu quả! Thế nhưng, CTS sẽ phải tốn hàng loạt chi phí, từ phí lấy ý kiến cổ đông, chi phí làm, in ấn công văn, giấy tờ đến chi phí thư từ… Nếu không có việc này, chắc chắn lợi nhuận của CTS sẽ được cải thiện thêm một phần, dù chỉ là vài chục triệu đồng.

Không ai bắt lỗi lãnh đạo DN khi họ đã làm hết sức mình. Vì thế, tôi cho rằng, thay vì việc ra sức điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ở thời điểm này, DN nên cố gắng đưa ra một kế hoạch kinh doanh bám sát với tình hình thực tế cho năm 2012. Sẽ rất tốt nếu DN đưa ra những dự báo của mình về khả năng thực hiện lợi nhuận năm, nhưng có thể bằng cách khác, ví dụ như Nghị quyết HĐQT Công ty.