Xóa tên CTCK, trước mắt phải đi “đường vòng”

Xóa tên CTCK, trước mắt phải đi “đường vòng”

(ĐTCK) Gặp khó khăn trong việc "xóa" tên những CTCK vi phạm, UBCK phải áp dụng theo cách đi "đường vòng" như rút nghiệp vụ môi giới...

Chỉ còn “xác không hồn”

Ngày 23/4/2012, lần đầu tiên UBCK đặt 6 CTCK gồm: Cao Su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng và Mê Kông vào diện kiểm soát đặc biệt. Theo quy định tại Thông tư số 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, nếu các CTCK này không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt mức 50% trở lên vốn điều lệ, thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc “xóa” tên CTCK không dễ, bởi theo quy định của Luật Chứng khoán, giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu rút giấy phép thành lập và hoạt động, thì pháp nhân là CTCK không còn tồn tại. Khi đó, việc trả nợ của CTCK cho các bên liên quan sẽ rất phức tạp. Điều này có khiến việc đình chỉ hoạt động của CTCK nếu vi phạm quy định về an toàn tài chính theo Thông tư 226 rơi vào bế tắc?

Lãnh đạo UBCK thừa nhận, với thực tế hiện tại, trước mắt chưa thể “xóa” tên CTCK theo kiểu trực diện, mà chỉ có thể làm theo “đường vòng”. Cách làm này đã được áp dụng, khi UBCK rút nghiệp vụ môi giới của 4 CTCK gồm: Hà Nội, Trường Sơn, Đông Dương và SME. Ngoài ra, hiện có CTCK Hamico và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư chứng khoán TC Capital Việt Nam không có nghiệp vụ môi giới. Có 3 - 4 CTCK đã nộp đơn xin rút nghiệp vụ môi giới lên UBCK. Cơ quan quản lý khuyến khích các CTCK tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới, nên nếu nhận được hồ sơ đầy đủ, UBCK sẽ chấp thuận sớm. Khi hoàn tất rút nghiệp vụ môi giới số CTCK này, thì tổng cộng có khoảng 10 CTCK “trắng” nghiệp vụ môi giới.

“Nghiệp vụ môi giới là ‘linh hồn’ của CTCK. Bởi vậy, sau khi rút nghiệp vụ này, CTCK chỉ còn tồn tại tên gọi, chứ thực tế gần như không hoạt động, không giao dịch với nhà đầu tư. Là nghiệp vụ gây rủi ro nhất cho an toàn thị trường và nhà đầu tư, nên khi các CTCK bị rút nghiệp vụ môi giới, đồng thời không còn là thành viên của các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, thì không có khả năng gây rủi ro mất an toàn hệ thống”, lãnh đạo UBCK nói. Theo UBCK, với đặc thù văn hóa kinh doanh của người Việt, khi gặp thất bại trong hoạt động, họ không dễ trực diện công khai ý định đóng cửa CTCK, mà tìm cách thoái lui khéo léo. Bởi vậy, ở một góc độ nhất định, những CTCK không còn nghiệp vụ môi giới được coi như là đã bị “xóa” tên, dẫu rằng cách xóa tên ở cấp độ này chưa hoàn chỉnh.

Từ thực tế trên, để việc “xóa” tên CTCK trực diện hơn, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 226 trình Bộ Tài chính ký ban hành, Ban soạn thảo đề xuất giao quyền cho UBCK đình chỉ hoạt động nghiệp vụ của CTCK. Với những CTCK không nộp báo cáo, hoặc báo cáo sai sự thật dẫn đến vi phạm các quy định về tỷ lệ an toàn tài chính, thì sẽ bị UBCK đặt vào diện kiểm soát đặc biệt ngay.

 

Không nới lỏng điều kiện hoạt động

Một số CTCK cho rằng, việc trói chặt hoạt động của họ với 4 nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, bảo lãnh và tư vấn đầu tư, khiến CTCK gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là trong bối cảnh TTCK khó khăn kéo dài. Bởi vậy, có ý kiến đề nghị, cơ quan quản lý nên cho phép CTCK linh hoạt trong triển khai các hoạt động kinh doanh ngoài 4 nghiệp vụ chính, hoặc nới lỏng điều kiện triển khai các nghiệp vụ này.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo UBCK khẳng định, trước mắt, sẽ không chấp nhận kiến nghị trên, mà cơ quan quản lý còn đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt hơn các CTCK. Qua đó, sẽ giảm dần số lượng và tăng năng lực hoạt động cho các CTCK như mục tiêu mà Đề án tái cơ cấu CTCK đề ra. Chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên những đối tượng tham gia hoạt động trong lĩnh vực này phải chịu những ràng buộc khắt khe hơn về nhiều mặt so với các lĩnh vực kinh doanh khác. Điều này có nghĩa là khi tham gia cung cấp dịch vụ chứng khoán, CTCK phải chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, mà không có sự lựa chọn nào khác. Nếu cảm thấy quy định pháp lý “chật chội”, CTCK nên tự nguyện giải thể, phá sản, để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác.

Xóa tên CTCK, trước mắt phải đi “đường vòng” ảnh 1UBCK đã rút nghiệp vụ môi giới của 4 CTCK gồm: Hà Nội, Trường Sơn, Đông Dương và SME