Xu hướng vẫn tích cực

Xu hướng vẫn tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán không lớn, trong khi lực cầu ở mức cao tại vùng hỗ trợ, giúp tâm lý thị trường ổn định, duy trì nền tảng tốt cho xu hướng tăng ngắn hạn.

Tránh mua đuổi

Kết thúc phiên 11/8/2023, VN-Index đóng cửa tại 1.232,21 điểm, tăng 0,95% so với phiên liền trước, nhưng tính chung cả tuần, đây là tuần điều chỉnh đầu tiên sau 5 tuần liên tiếp tăng điểm. Cụ thể, tuần từ ngày 7 - 11/8/2023, chỉ số ghi nhận mức giảm 0,9% và tạo ra trên biểu đồ tuần 1 cây nến Doji với đuôi nến dài cả 2 đầu, thể hiện sự do dự của giới đầu tư khi thị trường đã tăng mạnh nhiều tuần trước đó.

Trên biểu đồ ngày, VN-Index đã tạo ra một số mẫu hình nến đảo chiều lần lượt vào ngày 1/8 và 7/8, với mẫu hình Dark Cloud Cover và Evening Star. Tuy vậy, áp lực bán nhìn chung không lớn khi lực cầu ở mức cao tại vùng hỗ trợ 1.208 - 1.216 điểm, cũng là hợp lưu với đường EMA 20. Sự từ chối vùng giá thấp khi VN-Index 2 lần đảo chiều tại ngưỡng hỗ trợ này giúp tâm lý thị trường ổn định, duy trì nền tảng tốt cho xu hướng tăng ngắn hạn.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Xu hướng trung và dài hạn vẫn tích cực khi vùng hỗ trợ 1.208 - 1.216 được giữ vững, VN-Index hướng đến vùng 1.230 - 1.250 điểm, nhưng tâm lý chốt lời có chiều hướng gia tăng trong những phiên gần đây khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II kết thúc. Mặt khác, thị trường tăng điểm có sự đóng góp không nhỏ từ sự bứt phá của một số cổ phiếu trụ, nhất là mã VIC, nên nếu các mã này điều chỉnh sẽ tạo rủi ro giảm điểm cho thị trường chung.

Về dòng tiền, khối ngoại cùng với khối tự doanh bán ròng trên HOSE với giá trị lần lượt hơn 700 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng trong tuần qua. Ngược lại, khối nhà đầu tư cá nhân mua ròng, tập trung vào ngành ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính. Trong đó, bất động sản và dịch vụ tài chính có mức tăng giá tốt, còn ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh.

Ngành thép: Nằm gai nếm mật

Ngành thép thế giới và Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn nhất trong 5 năm trở lại đây. Thị trường bất động sản Trung Quốc khủng hoảng đã kéo theo sự suy giảm mạnh trong nhu cầu đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng. Bức tranh về giá bán thép cũng có sự xoay chiều khi năm 2021, giá thành thép Trung Quốc cao hơn giá thành thép Việt Nam, nhưng đến thời điểm hiện tại đã thấp hơn từ 2 - 5%. Tình trạng này khiến thép Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, đồng thời ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu phôi thép của một số doanh nghiệp như Hòa Phát.

Xu hướng giá thép đang trong tình trạng thiếu ổn định, khi mà triển vọng sắp tới của kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế Trung Quốc nói riêng chưa cho thấy nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Trong nước, các doanh nghiệp ngành thép vẫn đối mặt với nhu cầu suy yếu khi lượng xây dựng bất động sản dân dụng sụt giảm. Nhu cầu xây dựng được kỳ vọng phục hồi nhờ các dự án đầu tư công trong những tháng cuối năm 2023, nhưng Kafi nhận định, sự hỗ trợ này có thể không quá mạnh đến mức đưa ngành xây dựng trở về thời điểm trước khi diễn ra suy giảm.

Tồn kho của các doanh nghiệp ngành thép ước tính đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, thể hiện kỳ vọng về nhu cầu trên thị trường của các doanh nghiệp thép trong tương lai chưa cao. Tuy nhiên, Kafi dự báo, ngành thép có thể bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi Trung Quốc cũng như Việt Nam đang có các chính sách tháo gỡ vướng mắc về dòng vốn và hoạt động của ngành bất động sản.

Mặc dù doanh số bán thép sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng sản lượng bán hàng tăng nhẹ so với tháng liền trước trong vài tháng gần đây. Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Thép Nam Kim có lãi trở lại sau khi thua lỗ trong quý cuối năm ngoái.

Trong trung hạn và dài hạn, Kafi kỳ vọng vào sự phục hồi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép. Trong nhóm thép xây dựng và thép cuộn cán nóng, Hòa Phát đáng quan tâm với chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng. Đối với nhóm tôn mạ và ống thép, Hoa Sen và Thép Nam Kim có năng lực sản xuất lớn, thuộc Top 5.

Tin bài liên quan