2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ

2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ

Xuất khẩu khởi sắc, cổ phiếu thủy sản, dệt may, gỗ, gạo hấp dẫn hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin tích cực về tình hình xuất khẩu đầu năm 2024 đã tạo sức hấp dẫn cho nhiều cổ phiếu nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ, gạo…

Gia tăng sức hút

Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 34,53 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022, tăng 9,7% so với tháng cuối năm 2023 và tăng 46% so với cùng kỳ (một phần là do cùng kỳ năm 2023 có kỳ nghỉ Tết Âm lịch). Có 44/45 nhóm hàng xuất khẩu chính ghi nhận tăng trưởng.

Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may tháng đầu năm 2024 đạt 3,13 tỷ USD, tăng 8% so với tháng liền trước và tăng 38,9% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, với trị giá đạt 1,32 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ; tiếp theo là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỷ USD trong tháng đầu năm 2024, tăng 9,7% so với tháng liền trước và tăng 83,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản trong tháng đầu năm 2024 tăng 63,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 3 lần, Mỹ tăng 63%, EU tăng 46%, Nhật Bản tăng 53%, Hàn Quốc tăng 37%.

Tháng 2/2024, do có kỳ nghỉ Tết Âm lịch nên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng 1 và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, ngành thủy sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhiều khả năng sẽ hồi phục mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2024 nhờ nhu cầu từ các thị trường lớn đang có dấu hiệu tăng, đặc biệt tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Giá cá tra sau thời gian giảm mạnh đã tạo đáy và dần tăng trở lại. Kỳ vọng, Ủy ban châu Âu sẽ gỡ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam trong lần kiểm tra tiếp theo (tháng 5 - 6/2024), qua đó giúp tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường EU.

Nếu như ngành tôm vẫn còn nhiều thách thức như sức mua yếu, bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp Ấn Độ, Ecuador…, thì ngành cá tra đã có những tín hiệu khởi sắc khi đơn hàng hồi phục trong 2 tháng đầu năm 2024, giá cá tra nguyên liệu cũng như xuất khẩu tăng trở lại sau giai đoạn giảm mạnh trong năm 2023.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ khả quan, nhất là nửa cuối năm, đạt kim ngạch 9,5 - 10 tỷ USD (năm 2023 đạt hơn 9,2 tỷ USD). Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu thu về 4 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản khác đạt 3,6 - 3,8 tỷ USD.

Với ngành dệt may, xuất khẩu dệt may Việt Nam đang giữ vị trí thứ ba trên thế giới, đóng góp 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, được đánh giá sẽ tăng trưởng khả quan. Mục tiêu xuất khẩu năm 2024 của ngành này là đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023.

Trong khi đó, xuất khẩu gỗ sang thị trường hàng đầu là Mỹ trong tháng đầu năm 2024 tăng 123,6%, đạt 821 triệu USD; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 170 triệu USD, tăng 35,3%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 163 triệu USD, tăng 27,3%.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong tháng 1, ngành gỗ phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD (năm 2023 đạt 13,46 tỷ USD).

Với mặt hàng gạo, Việt Nam hiện là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

"Chọn mặt gửi vàng"

Kinh tế dần hồi phục tại các thị trường lớn đang đem đến kỳ vọng về đơn hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, giá một số mã có diễn biến tăng ngay sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tăng từ 63.700 đồng/cổ phiếu ngày 21/2/2024 lên 73.500 đồng/cổ phiếu khi kết thúc tháng 2.

Trong tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 921 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tại các thị trường xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng cao như Trung Quốc đạt 117 tỷ đồng, tăng 259%; Mỹ đạt 185 tỷ đồng, tăng 59%; châu Âu đạt 154 tỷ đồng, tăng 33%. Tại thị trường nội địa, Công ty ghi nhận doanh thu 325 tỷ đồng, tăng 137%.

Năm 2024, ngành thủy sản được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 20 - 30%, nhờ kinh tế phục hồi và lạm phát hạ nhiệt. Đặc biệt, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được hưởng lợi khi EU mới đây quy định cá minh thái (mặt hàng thay thế cho cá tra ở phương Tây) và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7%. Trước đó, cuối tháng 12/2023, Mỹ bổ sung lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản được chế biến ở quốc gia thứ ba nhưng có nguồn gốc từ Nga, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ở bang Alaska khi 35% sản lượng hải sản ở đây đều là cá minh thái Nga sơ chế ở Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cá minh thái khác đối diện với mức thuế mới, cao hơn từ 4 - 7% so với năm ngoái. Theo đó, cá tra Việt Nam có thêm dư địa tăng trưởng ở EU - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Ngoài thị trường EU, nhu cầu tiêu dùng cá tra ở Mỹ được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2024. Nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung giảm sẽ là động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam như Vĩnh Hoàn, Nam Việt (mã chứng khoán ANV), Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (I.D.I, mã chứng khoán IDI).

Tại Nam Việt, doanh thu xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Với thị trường Mỹ, Công ty hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá là 0% (theo POR19), tồn kho cá tra tại đây có dấu hiệu giảm, trong khi nguồn cung cá minh thái tại Mỹ bị hạn chế. Còn I.D.I dự kiến sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá mới là 0,14 USD/kg, giảm 94% so với năm ngoái, theo bản dự thảo POR19 của Bộ Thương mại Mỹ. Yếu tố này sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cá tra của I.D.I vào Mỹ. Ngoài ra, nhà máy chế biến cá tra fillet số 3 của I.D.I dự kiến hoàn thiện trong quý III/2024 sẽ góp phần nâng tổng công suất chế biến cá tra fillet thêm 400 tấn nguyên liệu/12 giờ/ngày. Tự chủ được nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng nuôi trồng thủy sản tốt, nâng cao năng suất là lợi thế lớn để kết quả kinh doanh của I.D.I năm nay tăng trưởng.

Trong nhóm dệt may, các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu TCM của Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cổ phiếu TNG của Đầu tư và Thương mại TNG, cổ phiếu MSH của May Sông Hồng, khi các doanh nghiệp đón nhận thêm nhiều đơn hàng. Đơn cử, TNG đã nhận đơn hàng đến hết tháng 9/2024, với khách hàng chủ lực tại thị trường Mỹ, EU. Năm nay, TNG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 10%, TCM đặt mục tiêu tăng trưởng 15%.

Đối với nhóm ngành gỗ, Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán PTB) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng lần lượt 9% và 15%. Ngoài gỗ, mảng đá thạch anh cũng dự kiến sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Phú Tài.

Tin bài liên quan