Xuất khẩu máy tính, linh kiện trở lại "đường đua" sau 9 tháng tăng trưởng âm

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu phục hồi đã khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng vài chục tỷ USD là máy tính, điện tử linh kiện trở lại đường đua tăng trưởng dương 0,7%, sau 9 tháng tăng trưởng âm.
Xuất khẩu máy tính, linh kiện đã trở lại đường đua tăng trưởng sau 9 tháng tăng trưởng âm.

Xuất khẩu máy tính, linh kiện đã trở lại đường đua tăng trưởng sau 9 tháng tăng trưởng âm.

Thương mại hàng hóa trong tháng 10 tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, khi xuất nhập khẩu đều phục hồi so với tháng trước đó, theo Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, trong tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng 2023 ước xuất siêu 24,61 tỷ USD.

Ở chiều xuất khẩu, tháng 10/2023 xuất khẩu ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%.

Lũy kế 10 tháng 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 291 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.

10 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).

Nhờ sức mua thị trường khá hơn, nhóm hàng xuất khẩu vài chục tỷ USD là điện tử, máy tính và linh kiện đã trở lại đường đua với mức tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ, trong khi cuối tháng trước, nhóm hàng này vẫn giảm 1,7%.

Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2023


Ước tính

(Triệu USD)

Tốc độ tăng/giảm so với

cùng kỳ năm trước (%)

Các mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD



Điện tử, máy tính và linh kiện

47.014

0,7

Điện thoại và linh kiện

44.023

-12,6

Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác

35.512

-7,1

Dệt, may

27.795

-12,5

Giày dép

16.048

-20,2

Phương tiện vận tải và phụ tùng

11.579

18,1

Gỗ và sản phẩm gỗ

10.824

-19,9

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.

Có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,8 tỷ USD.

Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2023


Ước tính

(Triệu USD)

Tốc độ tăng/giảm so với

cùng kỳ năm trước (%)

Các mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD



Điện tử, máy tính và linh kiện

71.023

0,8

Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác

33.853

-10,5

Vải

10.729

-14,2

Trong 10 tháng năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 67,1 tỷ USD giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,7 tỷ USD, giảm 12,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 317 triệu USD).

Nhập siêu từ Trung Quốc 40,5 tỷ USD, giảm 23,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 23,4 tỷ USD, giảm 27,6%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 38,2%.

Theo VinaCapital, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 6,5% vào năm 2024 nhờ vào các yếu tố phục hồi xuất khẩu hàng hóa và gia tăng sản lượng sản xuất hàng hóa.

Sự lạc quan của VinaCapital về tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 nhờ sản xuất, bắt nguồn từ việc phân tích nguyên nhân gây ra các vấn đề của ngành sản xuất năm 2023. Đó là do các nhà bán lẻ Mỹ và các công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022 (hàng tồn kho tăng hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022).

Các công ty này đã đặt hàng quá mức trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng do covid-19 vào năm 2021 và kỳ vọng bùng nổ chi tiêu sau đại dịch, nhưng điều này đã không diễn ra như mong đợi. Thay vì mua nhiều sản phẩm hơn khi lệnh phong tỏa covid được dỡ bỏ, người tiêu dùng lại đổ tiền vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài.

Do vậy, các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho này trong suốt năm 2023, mức tồn kho sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm.

"Đây là yếu tố chính gây sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, hiện nhiều dữ liệu cho thấy, hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi", VinaCapital cho hay.

Tin bài liên quan