Xuất khẩu năm 2021 kỳ vọng vượt mốc 315 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Dự báo, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể vượt mốc 315 tỷ USD, song để đạt được kết quả này, cần nhiều giải pháp quyết liệt.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng tính từ đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 213,52 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trên cơ sở kết quả của 8 tháng và tình hình thị trường, dự báo xuất khẩu 4 tháng cuối năm và cả năm 2021 có thể diễn biến theo hai kịch bản.

Kịch bản thứ nhất (tích cực): Nếu Covid-19 cơ bản được kiểm soát từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng tháng trong 4 tháng cuối năm 2021 có thể bằng mức của tháng 8/2021, thì tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng cuối năm đạt 108,8 tỷ USD và cả năm 2021 đạt 322 tỷ USD, tăng 14,3% so với 2020, cao gấp đôi tốc độ tăng tương ứng 7% của năm 2020.

Kịch bản thứ hai (thấp hơn kịch bản thứ nhất): Nếu Covid-19 cơ bản được kiểm soát muộn hơn vào cuối năm, thì kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm tiếp tục giảm, dự báo đạt 102,7 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2020; cả năm 2021 đạt 316 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2020 và vẫn là kết quả tích cực trong điều kiện Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4.

Như vậy, dù dự báo theo kịch bản thấp, thì năm 2021, xuất khẩu vẫn vượt mốc 315 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 2 chữ số so với năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này không dễ và phải có nhiều giải pháp quyết liệt.

Có thể thấy, tốc độ tăng xuất, nhập khẩu so với cùng kỳ liên tục chậm lại trong những kỳ gần đây và xu hướng còn tiếp tục trong những tháng còn lại. Tám tháng qua, xuất khẩu có quy mô thấp hơn so với nhập khẩu, tốc độ tăng cũng thấp hơn (21,8% so với 33,7%), nên Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu (trên 2,6 tỷ USD).

Tình trạng trên có một phần do tác động tiêu cực của Covid-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều địa phương trọng điểm kinh tế. Bên cạnh đó, có một phần nguyên nhân từ sự hạn chế của công nghiệp hỗ trợ, tính gia công, lắp ráp còn lớn.

Ngoài ra, nhập khẩu tăng còn do việc kiểm soát xuất xứ chưa thật tốt. Khu vực trong nước nhập khẩu cao hơn xuất khẩu (75,4 tỷ USD so với 55,9 tỷ USD), nên nhập siêu trong 8 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng có mức nhập khẩu cao là điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; sắt thép, kim loại thường khác và sản phẩm; chất dẻo, sản phẩm chất dẻo... Đáng lưu ý, mặt hàng hạt điều nhập siêu trên 1 tỷ USD, ngược chiều với kết quả xuất siêu 809 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường, Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Đáng lưu ý, đối với thị trường Campuchia, Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm, trước hết, phải kiểm soát được Covid-19 không chỉ ở những địa bàn “nóng” hiện nay, mà cả ở những địa bàn khác. Cần thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ, nhưng không quá cực đoan, nhất là trong việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu.

Để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, ngay từ bây giờ, phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu gia công, lắp ráp; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu về cơ chế, chính sách và tài chính, để tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, quay lại thị trường; giảm số doanh nghiệp hoạt động, dừng kinh doanh, giải thể… Đặc biệt, cần cơ cấu lại thị trường nhập khẩu để tránh “bỏ trứng” hay “nhận trứng” từ một giỏ.

Tin bài liên quan