Xuất khẩu quý IV thấp thỏm nguy cơ "đình lạm"

Xuất khẩu quý IV thấp thỏm nguy cơ "đình lạm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo vĩ mô mới đây, Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu quý IV sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại đe dọa nền kinh tế đang tiếp diễn trên toàn cầu.

Trong quý III/2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái (so với mức dự báo của các tổ chức là 13%), xuất khẩu ròng đóng góp đến 40,7% GDP. Trên thực tế, xuất khẩu ròng (xuất khẩu - nhập khẩu) đã có đóng góp dương cho tăng trưởng GDP Việt Nam kể từ năm 2021.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tăng 17,3% lên hơn 282,52 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa (chiếm 26% tổng số) ước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%; của khối FDI đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%.

Mirae Asset đánh giá, mặc dù tiêu dùng toàn cầu tiếp tục có dấu hiệu sụt giảm, xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn leo thang, và mùa đông trên thế giới đang đến gần, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có những lợi thế nhất định, nhờ vào năng lực sản xuất và môi trường vĩ mô ổn định. Cụ thể, trong tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng đến 16,3% (lũy kế 9 tháng tăng 10,7%).

Chỉ số USD tăng mạnh gây áp lực lớn cho VND

Các chuyên gia quan sát, tính đến ngày 19/10, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 3,6% so với tháng trước và 7,8% so với đầu năm, nguyên nhân do Fed tăng lãi suất và đồng USD tăng giá; xuất khẩu chậm lại gần đây, đặc biệt là khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Theo báo cáo, tình hình có thể xấu hơn, khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3,1 tháng nhập khẩu tính tới cuối tháng 6/2022 (so với mức 4,3 tháng vào cuối tháng 2/2022). Với mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái và kiểm soát lạm phát, Mirae Asset kỳ vọng lãi suất điều hành của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản lên mức 5,5%, sau mức tăng gần đây (100 điểm cơ bản) vào ngày 23/09/2022.

Sẽ có các công ty được hưởng lợi hoặc bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD và sự mất giá của tiền đồng. Đối tượng được hưởng lợi từ việc USD tăng giá là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (vào thị trường Mỹ), nhưng các doanh nghiệp đang vay USD sẽ gặp bất lợi. Ngược lại, liên quan đến việc đồng EUR mất giá gần đây, đối tượng được hưởng lợi là những doanh nghiệp đi vay đồng Euro, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (sang thị trường EU) sẽ chịu ảnh hưởng.

Giá hàng hóa hạ nhiệt

Giá nhiều mặt hàng chủ chốt, bao gồm năng lượng (trừ khí đốt tự nhiên và than mà Việt Nam có sự tự chủ nhất định về nguồn cung) và nông sản, đang giảm dần sau một thời gian dài tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022, giúp giảm chi phí của nhà sản xuất.

Đồng thời, việc mất giá của tiền đồng gần đây sẽ gia tăng thêm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng các nhà xuất khẩu nông sản sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong thời gian tới, đặc biệt là đối với những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ (chẳng hạn như gạo).

Xét về giá trị xuất khẩu, hiện có 7 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: thủy sản, cà phê, gạo, cao su, rau quả, điều, gỗ và sản phẩm gỗ.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,5 tỷ USD, tăng 6,2% (các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là: Cà phê, gạo, cao su, hạt tiêu, chè).

Dù thương mại quốc tế đang chậm lại, nhưng xuất khẩu nông nghiệp và hóa chất dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng, do hạn hán kỷ lục trên toàn cầu dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và các mặt hàng liên quan khác trong tương lai.

Mirae Asset nhấn mạnh lại triển vọng của nhóm ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), đặc biệt là ngành chăn nuôi và nông sản, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu tăng gần đây và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, do lệnh giãn cách nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Chuyên gia tin rằng, lĩnh vực F&B sẽ có sự cải thiện về tỷ suất lợi nhuận do giá nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào giảm gần đây và nhu cầu thực phẩm tăng cao trong tương lai do tình trạng hạn hán kỷ lục trên toàn cầu. Ngoài ra, báo cáo dự báo ngành Hóa chất/Phân bón và Hóa chất Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý IV/2022.

Đặc biệt, kỳ vọng việc Trung Quốc sẽ mở cửa lại nền kinh tế sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong quý IV.

“Chúng tôi vẫn lạc quan về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (đặc biệt là các mặt hàng thủy hải sản), vốn đã bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc”, báo cáo nhận định.

Về nhóm dệt may, nhờ việc sớm mở cửa trở lại và khôi phục hoàn toàn các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đã nhận được số lượng lớn đơn đặt hàng. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng cho quý IV đã có sự sụt giảm. Nguyên nhân có thể là do doanh số bán lẻ của khu vực đồng tiền chung Euro giảm mạnh (tháng 7: giảm 0,9%; tháng 8 giảm 2%. Do đó, triển vọng ngành bán lẻ/tiêu dùng của châu Âu nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn thấp và lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mặc dù đang có những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia vẫn lo ngại về những khó khăn đang xảy ra trên toàn cầu. Lạm phát châu Âu vẫn ở mức cao và doanh số bán lẻ châu Âu giảm mạnh ngay cả khi mùa đông (mùa mua sắm cuối năm) đang đến gần.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang giảm tốc, cũng góp phần phủ thêm bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Chúng tôi cho rằng, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ đình lạm (Stagflation - hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao) đang có dấu hiệu quay trở lại ở nhiều nước lớn trên thế giới", Mirae Asset nhấn mạnh.

Tin bài liên quan