Xung đột ở Trung Đông tạo thêm rủi ro mới cho triển vọng kinh tế toàn cầu

Xung đột ở Trung Đông tạo thêm rủi ro mới cho triển vọng kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự bùng nổ xung đột quân sự ở Trung Đông có thể khiến các ngân hàng trung ương phải đối mặt với xu hướng lạm phát mới cũng như giáng một đòn mạnh vào niềm tin kinh tế toàn cầu.

Tác động có thể cần thời gian để trở nên rõ ràng và sẽ phụ thuộc vào xung đột kéo dài bao lâu, mức độ căng thẳng như thế nào và liệu nó có lan sang các vùng khác trong khu vực hay không.

Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết: “Còn quá sớm để nói những tác động có thể là gì, mặc dù thị trường dầu mỏ và chứng khoán có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức”.

Nhưng ít nhất điều này có khả năng tạo thêm một loạt thách thức khó lường cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang chậm lại và thị trường Mỹ vẫn đang thích ứng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao lâu hơn nhiều nhà đầu tư dự kiến.

Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng của Northern Trust cho biết: “Bất kỳ nguồn gốc bất ổn kinh tế nào cũng đều làm trì hoãn việc ra quyết định, làm tăng phần bù rủi ro và đặc biệt là với khu vực đó. Thị trường cũng sẽ theo dõi các kịch bản diễn ra như thế nào… Câu hỏi đặt ra là liệu sự lặp lại này có làm ảnh hưởng tới trạng thái cân bằng trong dài hạn không?”

Sự bùng nổ xung đột ở Trung Đông và các vấn đề liên quan có thể sẽ chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tập trung vào tuần này tại Maroc để dự các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng biến động sâu sắc do đại dịch và căng thẳng thương mại gia tăng.

Đối với các ngân hàng trung ương, xung đột Trung Đông đặt ra vấn đề nan giải là liệu chúng có khả năng dẫn đến áp lực lạm phát mới hay không - khu vực này không chỉ là nơi có các nhà sản xuất dầu lớn như Iran và Ả Rập Xê Út mà còn có các tuyến đường vận chuyển lớn qua Vịnh Suez - hoặc giáng một đòn mạnh vào niềm tin khiến nền kinh tế trì trệ.

Các quan chức Fed đã trích dẫn giá năng lượng cao gần đây là một rủi ro có thể xảy ra đối với triển vọng giảm dần lạm phát và họ cảm thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng tránh được suy thoái kinh tế nếu không có một số cú sốc bất ngờ từ bên ngoài.

Với xung đột hiện đang hoành hành ở một khu vực sản xuất dầu lớn, phản ứng giữa các nhà giao dịch trên thị trường dầu và các nước lớn như Iran và Ả Rập Xê Út sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem liệu một đợt tăng giá khác của giá dầu có xảy ra hay không, trong khi giao dịch trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong những ngày tới sẽ cho thấy thị trường dự đoán hậu quả có thể xảy ra như thế nào.

Karim Basta, nhà kinh tế trưởng tại III Capital Management cho biết: “Xung đột gây ra rủi ro giá dầu cao hơn và rủi ro đối với cả lạm phát và triển vọng tăng trưởng”.

Các quan chức Fed đã theo dõi sự gia tăng gần đây của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vì các dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư có thể đã đẩy các điều kiện tài chính vượt quá mức cần thiết để hạ nhiệt lạm phát và làm tăng nguy cơ nền kinh tế chậm lại quá mức.

Trong phạm vi cuộc chiến của Israel với Hamas làm tăng thêm mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, dòng vốn có thể đổ xô vào nơi an toàn tương đối là trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc đồng đô la hay yên Nhật, điều thường xảy ra vào những thời điểm có khả năng xảy ra khủng hoảng.

Mặc dù lãi suất thị trường giảm trong các trường hợp khác có thể được xem là một nguồn lạm phát mới, khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu, nhưng bối cảnh có thể dẫn đến một kết luận khác, nhấn mạnh vào những rủi ro được nhận thấy đối với các nền kinh tế khi một cuộc xung đột quân sự mới lại xuất hiện.

“Thời điểm xảy ra xung đột không thể tồi tệ hơn nếu xét đến các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Israel. Xung đột ở Trung Đông có tác động rõ ràng đến giá dầu. Thị trường sẽ lo lắng về giá năng lượng cao hơn và vì chúng ta đang ở trong môi trường hạn chế rủi ro, điều đó có thể đẩy thị trường chứng khoán xuống thấp hơn.

Tuy nhiên, do chúng ta đang trong chu kỳ kinh doanh và nhu cầu toàn cầu đang chậm lại, tác động của xung đột sẽ không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng năng lượng trước đó vào năm 1973. Thị trường chứng khoán nên nhìn thấu điều này trong việc định giá lại các tài sản rủi ro, nhưng tâm lý có khả năng sẽ bị trì trệ lâu hơn khi câu chuyện thị trường chuyển từ hạ cánh mềm sang định giá lại việc giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài và về lâu dài điều đó sẽ có hại cho thị trường chứng khoán”, Anthi Tsouvali, chiến lược gia tại State Street Global Markets cho biết.

Tin bài liên quan