Xung quanh đề xuất đưa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ Giao thông - Vận tải: Quay đầu hay đi tiếp?

Đầu tháng 3/2020 là thời hạn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo phương án có điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giữa hai đơn vị hay không. Một lần nữa, nguyên tắc tách quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi phải được xác định rõ.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang không có nguồn để trả lương cho hàng vạn người lao động.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang không có nguồn để trả lương cho hàng vạn người lao động.

Quay đầu?

Đây là điều mà VNR đang muốn nhất. Phương án đưa VNR về lại Bộ GTVT nghĩa là mọi việc sẽ trở về như trước ngày 21/11/2018, thời điểm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đặt bút ký nhận chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 5 tổng công ty của Bộ GTVT.

Với phương án này, VNR lại tiếp tục được Bộ GTVT giao dự toán ngân sách hàng năm, từ đó thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 đơn vị trực thuộc, đảm bảo tuần đường, gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố dọc chiều dài đất nước.

Như vậy, lo ngại mà người đứng đầu VNR liên tục nhắc đến trong những ngày qua là các đơn vị không có nguồn để chi trả tiền lương cho công nhân, không có tiền mua vật tư, khiến có những đoạn ray bị hỏng, dẫn đến có thể phải dừng chạy tàu do không đảm bảo an toàn sẽ được giải quyết ngay.

Vì khi đó, khoản dự toán mà Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam là hơn 2.800 tỷ đồng cho bảo trì đường sắt sẽ lại về với VNR trong vai là doanh nghiệp do Bộ GTVT làm chủ sở hữu.

Tất nhiên, kịch bản này không thể diễn ra hoàn toàn như cũ, do hàng loạt thay đổi về cơ chế, chính sách trong thời gian qua. Đặc biệt, theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách, có hiệu lực từ tháng 6/2019, vốn ngân sách không được giao cho doanh nghiệp.

Trong trường hợp này, VNR không phải là một đơn vị sự nghiệp, nên dù quay lại trực thuộc Bộ GTVT, nhưng muốn tham gia dịch vụ duy trì, duy tu đường sắt, thì phải tuân thủ luật chơi mới, thông qua cơ chế đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ..., chứ không thể trực tiếp nhận vốn ngân sách như trước.

Nghĩa là, nếu VNR vẫn không đến Cục Đường sắt Việt Nam để ký hợp đồng giải ngân vốn, như ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã nói, thì các ách tắc sẽ không gỡ được, trừ khi sửa đổi các quy định liên quan đến phân bổ ngân sách trở về như trước tháng 11/2018.

Đi tiếp?

Phải nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong lễ ký bàn giao VNR về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Đây sẽ là một sự thay đổi lớn, qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay. Các tổng công ty nhà nước sẽ hoạt động tốt hơn, sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất”.

Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án ‘Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới’. Tôi cho rằng, sự thành công của mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những điều phải làm để có cơ sở cho doanh nghiệp nhà nước lớn lên, phát huy vai trò dẫn dắt phát triển qua cạnh tranh, chứ không phải bằng sự bao bọc

- Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Với phương án đi tiếp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục là đại diện chủ sở hữu nhà nước của VNR, cũng như 18 tập đoàn, tổng công ty khác. Bộ GTVT quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt, không làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong bất cứ doanh nghiệp nào.

Có thể nhìn thấy sự tương tự trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công thương với ngành điện sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Đương nhiên, đang có những vướng mắc, nhưng đó là điều tất yếu trong quá trình chuyển đổi. Sẽ có những văn bản, quy định vênh nhau, không tương thích. Các bộ, ngành phải có trách nhiệm rà soát hệ thống văn bản, phát hiện vướng mắc, đề xuất xử lý theo đúng vai trò quản lý nhà nước.

Nhưng nguyên tắc là các đề xuất sửa đổi phải theo đúng nguyên lý vận hành của cái mới, xu thế mới, đề xuất đưa ra cách làm mới, chứ không thể vì vướng mà lại quay trở lại con đường cũ, con đường mà vì nó, nền kinh tế phải mất rất nhiều thời gian, chi phí để sửa lỗi”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị khi bàn tới các phương án liên quan đến VNR.

Đặc biệt, vướng mắc này không chỉ từ hệ thống văn bản liên quan đến các ngành, liên quan đến quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp, mà ngay cả mô hình hoạt động của Ủy ban cũng cần phải rà soát, sửa đổi.

“Sự có mặt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đặt ra và được hoàn thành đúng thời hạn.

Nhưng cũng phải xác định rõ, Ủy ban không phải là một cơ quan quản lý nhà nước, mà là một nhà đầu tư, nên có tư duy của một nhà đầu tư để đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách”, ông Cung nói.

Cụ thể, các văn bản cần sửa do các cơ quan đề xuất, nhưng ông Cung cho rằng, phải tuân thủ nguyên tắc là Nhà nước không đầu tư vốn trực tiếp vào doanh nghiệp, mà thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, yêu cầu tạo môi trường chính sách cho doanh nghiệp nhà nước, phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là nguyên tắc để sửa đổi các văn bản liên quan.

Tin bài liên quan