Yuanta: Thị trường có thể điều chỉnh vào cuối tháng 8, có 4 nhóm cổ phiếu cần chú ý

Yuanta: Thị trường có thể điều chỉnh vào cuối tháng 8, có 4 nhóm cổ phiếu cần chú ý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh vào cuối tháng 8 nhưng sẽ vẫn duy trì trong vùng 1,195 – 1,265 điểm. Bốn nhóm cổ phiếu cần lưu ý trong tháng này là: Hoá chất, vận tải, công nghiệp nặng và bất động sản.

Rủi ro vĩ mô tiếp tục giảm

Tại Báo cáo chiến lược tháng 8/2023 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, các số liệu và chỉ báo vĩ mô trong tháng 7 cho thấy những tín hiệu tích cực và sự hồi phục kinh tế trong nước so với những tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký tính từ đầu năm tới 20/07/2023 đạt 16,24 tỷ USD, đảo chiều tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng dương lần đầu tiên kể từ đầu năm. Vốn FDI giải ngân trong tháng 7 tiếp tục duy trì tích cực với 1,56 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tăng chậm nhưng vẫn trên đà phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7/2023 đạt 57,21 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 7/2022 nhưng đã tăng 2,5% so với tháng 6/2023.

Yuanta “kỳ vọng xuất nhập khẩu nhiều khả năng đang tạo đáy và có thể sẽ tích cực hơn trong quý IV/2023 nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu đang chuyển sang những thị trường mới, khách hàng mới”.

Tổng mức bán lẻ tháng 7/2023 ước đạt 512 nghìn tỷ, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3,530 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sức mua tiếp tục duy trì mạnh mẽ.

Mảng bán lẻ của Việt Nam vẫn tích cực

Mảng bán lẻ của Việt Nam vẫn tích cực

Riêng với nhóm du lịch, tháng 7 tiếp tục có dấu hiệu tích cực từ khách quốc tế. Số lượt khách quốc tế trong tháng 7/2023 chính thức vượt mốc 1 triệu lượt, tăng 6,5% so tháng trước, cao gấp 2,9 lần so với tháng 7/2022, tương đương 80% lúc trước Covid-19. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng số khách quốc tế đạt 6,6 triệu lượt khách, gấp 6,9 lần cùng kỳ.

Trong tháng 7/2023, CPI tăng 0,45% so với tháng trước, tiếp tục là tháng tăng thứ 2 liên tiếp (do nhu cầu tiêu dùng đang hồi phục chậm nhưng đồng đều ở các nhóm ngành; tăng giá điện làm tăng chi phí đầu vào của hàng hóa dịch vụ; kỳ nghỉ hè của học sinh – sinh viên thúc đẩy nhu cầu du lịch gia tăng khiến giá các loại hàng hóa dịch vụ liên quan như du lịch, ăn uống, giải trí... tăng giá so với tháng trước).

Tuy nhiên, xu hướng này Yuanta gọi là “một hiệu ứng ngắn hạn trong bối cảnh nhu cầu hồi phục” và không ảnh hưởng đến kịch bản lạm phát cả năm sẽ dưới mục tiêu 4,5%.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất tiếp tục hồi phục đồng đều trong tháng 7 với tốc độ nhanh hơn so với tháng 6, cho thấy việc hồi phục không phải chỉ nhất thời.

“Chúng tôi cho rằng xu hướng hồi phục có thể sẽ kéo dài trong các tháng tới, nguyên nhân theo chúng tôi là do nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn tốt và lãi suất giảm đang bắt đầu tác động vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, dòng FDI quay lại cũng cho thấy xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam đang tiếp tục, hỗ trợ đà hồi phục cho ngành sản xuất trong nước”, Báo cáo nêu.

Điểm nhấn trong tháng 7 là tình hình sản xuất tiếp tục giảm (Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2023 của Việt Nam đạt 48,7 điểm) nhưng đã cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp, từ mức 46,2 của tháng 6/2023. Điều này khiến Yuanta tin rằng giai đoạn lạm phát chi phí đã kết thúc.

PMI tháng 7/2023 vẫn giảm nhưng đã cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp (Nguồn: S&P Global, Yuanta Việt Nam)

PMI tháng 7/2023 vẫn giảm nhưng đã cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp (Nguồn: S&P Global, Yuanta Việt Nam)

Trên thị trường tài chính, giá vàng đi ngang, tỷ giá tăng nhẹ (do áp lực giảm lãi suất trong khi FED vẫn tăng lãi suất, tuy nhiên điều này “có thể đã nằm trong dự tính của Ngân hàng Nhà nước khi chọn thời điểm giảm lãi suất”), mặt bằng lãi suất giảm… cũng cho thấy rủi ro vĩ mô tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trước bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu vẫn hồi phục chậm.

Cơ hội dài hạn ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn

Đánh giá về triển vọng thị trường, Báo cáo phân tích, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng ở mức 1.222,9 điểm (tăng 9,2% so với tháng trước) với khối lượng giao dịch vẫn duy trì trên mức khối lượng trung bình 1 năm và mức này tương đương với mức khối lượng giao dịch tháng 06/2023, cho thấy dòng tiền vẫn đang duy trì ở mức tích cực.

Đồ thị giá của chỉ số VN-Index đang bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy thị trường có thể sẽ biến động hẹp trong tháng 8 và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động gần vùng 1,195 – 1,200 điểm.

“Tuy nhiên, chỉ số VN-Index có thể sẽ đối mặt với vùng kháng cự mạnh 1.260 – 1.265 điểm cho nên thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở các phiên cuối tháng 8”, Yuanta lưu ý, đồng thời dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.195 – 1.265 điểm trong tháng 8/2023.

VN30 dẫn đầu nhóm chỉ số, cho thấy thị trường đang hỗ trợ cho xu hướng tăng trong dài hạn của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn

VN30 dẫn đầu nhóm chỉ số, cho thấy thị trường đang hỗ trợ cho xu hướng tăng trong dài hạn của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn

Trong bối cảnh nói trên, Báo cáo cho rằng, thị trường đang hỗ trợ cho xu hướng tăng trong dài hạn của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Trong những ngày cuối cùng của tháng 7, nhóm chỉ số VN30 đã vượt lên dẫn đầu so với thị trường chung và các chỉ số còn lại.

Khuyến nghị nhóm ngành trong tháng 8, chuyên gia phân tích của Yuanta khuyến nghị 4 nhóm ngành và các cổ phiếu cần lưu ý như sau: Nhóm cổ phiếu hóa chất lưu ý LTG, DCM, PHR. Nhóm Vận tải cần chú ý các mã PVT, VTP, GMD. Công nghiệp nặng là VEA. Bất động sản có thể cân nhắc VHM, NLG, KBC, HDC.

Tin bài liên quan