Yuanta Việt Nam chỉ tên nhóm cổ phiếu ưa thích trong tháng 5

Yuanta Việt Nam chỉ tên nhóm cổ phiếu ưa thích trong tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo tháng 5/2023 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhóm cổ phiếu ưa thích trong tháng 5 là sản xuất và phân phối điện, bất động sản, vận tải.

Khối ngoại bán ròng trong tháng 4, gom mạnh IDP và HPG

Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 tại mức 1.049,12 điểm, giảm 1,5% so với tháng trước. Đồng thời, quy mô khối lượng giao dịch trong tháng 4/2023 tiếp tục tăng 9% so với tháng trước, nhưng đồ thị giá của chỉ số VN-Index vẫn giao dịch dưới đường trung bình 50 tháng.

“Đồ thị giá của chỉ số VN-Index vẫn đang trong giai đoạn sóng điều chỉnh C và chúng tôi dự báo chỉ số VN-Index đã kết thúc giai đoạn giảm dài hạn”, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá.

Cũng theo Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ hồi phục trong nửa đầu tháng 5 và giảm trở lại trong nửa cuối tháng 5 khi đây là thời điểm vùng trũng thông tin và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến thị trường hiện tại. Vì vậy, thị trường có thể sẽ đi ngang quanh mức hiện tại của các chỉ số chính, tuy nhiên nhà đầu tư có thể mua dần cho các mục tiêu dài hạn.

“Chúng tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt những cổ phiếu có các câu chuyện hỗ trợ. Nhóm cổ phiếu chúng tôi ưa thích trong tháng 5 là Sản xuất và phân phối điện, Bất động sản, Vận tải”, Yuanta Việt Nam cho biết.

Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 4/2023, tuy nhiên lại gom mạnh nhóm thực phẩm và tài nguyên cơ bản. Đáng chú ý, Top cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tháng 4/2023 là IDP (Công ty cổ phần Sữa quốc tế); HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát), HDB (HDBank), VPB (VPBank), VRE (Công ty cổ phần Vincom Retail)…

Khối ngoại duy trì bán ròng trong tháng 4

Khối ngoại duy trì bán ròng trong tháng 4

Kỳ vọng đầu tư công là động lực dẫn dắt

Hầu hết các chỉ số vĩ mô tháng 4 đã cho thấy sự cải thiện hơn tháng trước về cả lĩnh vực sản xuất lẫn nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, sức cầu vẫn còn suy yếu tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam khiến động lực tăng trưởng từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa rõ ràng.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 108,57 tỷ USD (giảm 11,8%), nhập khẩu đạt 102,22 tỷ USD (giảm 15,4%). Xuất siêu 6,35 tỷ USD, tăng 170,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khối FDI xuất siêu 14,39 tỷ USD, khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu qua các năm

Xuất nhập khẩu qua các năm

Dòng vốn FDI trong tháng 4 có những dấu hiệu tích cực hơn từ sự tăng lên đáng về số lượng dự án và vốn đăng ký mới. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký tính từ đầu năm tới 20/04/2023 đạt 8,88 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn giải ngân tính từ đầu năm tới 20/04/2023 đạt 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Theo Yuanta, trong ngắn hạn, dòng vốn FDI vẫn nhiều khả năng chưa thể tăng mạnh trở lại trong 2023 do hiệu ứng của Luật Thuế tối thiểu toàn cầu và các bất ổn vĩ mô thế giới. Do đó, sẽ cần thêm thời gian để dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ như những năm trước dịch, khi triển vọng kinh tế thế giới rõ ràng hơn.

Diễn biến dòng vốn FDI vào Việt Nam

Diễn biến dòng vốn FDI vào Việt Nam

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế như giảm lãi suất điều hành, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN liên quan cơ cấu lại các khoản nợ, Thông tư 03/2023/TT-NHNN liên quan việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng. Đây là các động thái hỗ trợ doanh nghiệp từ phía NHNN trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

“Với những tín hiệu vĩ mô tích cực hơn cũng như chính sách điều hành từ phía Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng tình hình tăng trưởng quý II sẽ có nhiều điểm tích cực hơn quý I. Trong đó, kỳ vọng đầu tư công là động lực dẫn dắt chính cho tăng trưởng kinh tế trong nước khi Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08 cũng như thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công”, Yuanta đánh giá.

Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ du lịch cũng sẽ là động lực hỗ trợ cho tăng trưởng khi lượng khách du lịch quốc tế vẫn đang hồi phục tốt, du lịch trong nước cũng thuận lợi hơn khi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài và kỳ nghỉ hè sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ trong quý II.

Tin bài liên quan