100.000 tỷ đồng bốc hơi vì tâm lý!

100.000 tỷ đồng bốc hơi vì tâm lý!

(ĐTCK) Ngày 5/5/2014, tổng giá trị vốn hóa các DN niêm yết trên 2 Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM là 1.117.518 tỷ đồng. Đến ngày 13/5, con số này rơi về mức 1.017640,7 tỷ đồng. Hơn 99.877 tỷ đồng vốn hóa thị trường bốc hơi, tương đương tỷ lệ gần 9% mức vốn hóa của ngày khởi đầu chu kỳ rơi ấy có nguyên nhân không đến từ yếu tố cơ bản của DN, mà là tâm lý của NĐT.

Hai chỉ số khác nữa cho thấy sự đánh giá trái chiều giữa các NĐT chứng khoán trong nước và NĐT ngoại cũng như phần còn lại của nền kinh tế Việt Nam nằm ở diễn biến chỉ số CDS (chỉ số đánh giá rủi ro vỡ nợ) và giá vàng, ngoại tệ.

Thống kê dữ liệu chỉ số CDS của Việt Nam cho thấy, trong tháng 5, 1 tuần kể từ khi thông tin về sự kiện biển Đông được lan rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ số này hầu như không tăng, vẫn ở trong vùng đáy kể từ sau sự kiện Vinashin. Đến ngày 25/5, chỉ số CDS 5 năm giảm về 205,5 điểm - nằm trong vùng đáy kể từ năm 2008 đến nay, cho thấy cái nhìn tích cực của NĐT quốc tế vào nền kinh tế Việt Nam. Điều này có thể hiểu là, mức độ rủi ro của nền kinh tế Việt Nam khi xảy ra sự kiện biển Đông không phải là vấn đề đáng ngại trong con mắt NĐT quốc tế. Và động thái mua ròng gần 1.300 tỷ đồng trên toàn thị trường là dẫn chứng rõ nhất cho nhận định đó, trên TTCK Việt Nam.

Liệu GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng âm 10% năm 2014? Câu trả lời là không. Nhưng, diễn biến giá cổ phiếu trên TTCK dường như lại đang phản ánh một triển vọng rất bi kịch cho nền kinh tế. NĐT trong nước bán tháo cổ phiếu, bất chấp các DN niêm yết, những đại diện tiêu biểu của nền kinh tế, đã và đang ghi nhận hàng loạt thông tin khả quan về kết quả quý I và triển vọng kinh doanh sắp tới.

Quan sát diễn biến thị trường vàng, USD cho thấy, 1 tuần đầu tiên của sự kiện biển Đông sau nghỉ Lễ, giá vàng, USD không tăng. NĐT dù bán mạnh chứng khoán, nhưng không gây đột biến dòng tiền sang các kênh đầu tư khác - vốn được coi là nơi trú chân khi xảy ra các biến cố không mong muốn lớn về kinh tế - chính trị. Dòng tiền hầu như không bị rút khỏi thị trường, mà thậm chí, theo thông tin mà ĐTCK ghi nhận được trong hai ngày đầu tuần này (12, 13/5), một số CTCK lớn đã ghi nhận dòng tiền nộp mới của NĐT. Vậy, vì sao chứng khoán vẫn sụt giảm mạnh?

Sự sợ hãi của NĐT - có phần hơi quá đà lần này - dường như bắt nguồn trực tiếp từ sự kiện biển Đông, nhưng được đẩy lên cao bởi một số kênh truyền thông quá khích. Sự quá khích này đã ngay lập tức tác động đến khu vực nhạy cảm nhất của nền kinh tế là TTCK.

Ngày 15/5, khi NĐT trong nước đã bắt đầu vững tin hơn, giao dịch bắt đầu mạnh dạn hơn nữa, thì chỉ một thông tin chưa xác thực trên 1 tờ báo mạng trong nước liên quan đến vấn đề Trung Quốc, một thông tin bắt đầu bằng chữ “nếu”, hàng loạt mã chứng khoán từ tăng trần đã chuyển qua giảm sàn. Bán tháo cổ phiếu trên cơ sở đánh giá sự nỗ lực của hàng nghìn DN, của tất cả các bộ, ngành từ cải thiện môi trường đầu tư, tác động chính sách tiền tệ, thuế khóa… không có sức mạnh bằng một thông tin chưa xác thực, liệu NĐT có quyết định đúng đắn? Hãy tỉnh táo, nhà đầu tư Việt Nam.

Tin bài liên quan