Phiên giao dịch chiều 15/5: Cuộc chiến giữa các “tay to“?

(ĐTCK) Những tưởng thế tăng vững của phiên sáng tiếp tục được duy trì trong phiên chiều, tuy nhiên ngay khi mở của phiên giao dịch chiều, một diễn biến đảo nghịch đã xảy ra. Lý do có phải do có thêm một số thông tin xấu từ Vũng Áng hay các tin tức mới từ diễn biến Biển Đông khiến giao dịch đầu phiên chiều đã theo một kịch bản hoàn toàn ngược lại?
Phiên giao dịch chiều 15/5: Cuộc chiến giữa các “tay to“?

Thực tế trong thời gian buổi trưa khi thị trường tạm nghỉ giao dịch, trên diễn đàn F319 đã xuất hiện một loạt topic đề cập tới khả năng giảm mạnh của thị trường phiên chiều. Nhưng thực sự để đi tìm một lý do thuyết phục qua các thông tin trên diễn đàn này thì hầu như không có cụ thể!

Câu chuyện nằm ở điểm "không rõ này".

Mở cửa phiên giao dịch chiều, thị trường đồng loạt giảm giá mạnh trên diện rộng tạo một đồ thị chỉ số "rơi thẳng đứng", nhiều nhà đầu tư thậm chí còn không tin vào mắt mình và "lục lọi" các trang báo, các diễn đàn để tìm thông tin.

Tốc độ rớt giá của cổ phiếu được tính bằng giây khi một loạt lệnh giá thấp ở hầu hết các mã đang tăng trần phiên sáng được tung ra. Đặc biệt là 2 mã lớn trên sàn HNX có thông tin xấu là VCG, PVX bị lỗ quý I khá lớn ép giảm ngay lập tức, PVX từ tham chiếu rớt xuống mức giá sàn.

Trên HOSE, một loạt mã bluechips đã "dẫn dắt" thị trường rơi nhanh như SSI, HCM, GAS, VNM... khiến VN-Index bay luôn 20 điểm trong 11 phút giao dịch đầu giờ chiều, xuống còn 512 điểm.

Nhưng nếu chỉ giảm điểm thì không thể gọi là kịch tính. Khi sự bàng hoàng còn đọng trong tâm trí nhà đầu tư nhỏ lẻ thì trên thị trường, lực mua giá thấp được tung vào ào ạt để bắt lượng cổ phiếu giá đỏ bị xả ra. 

Thị trường lại quay ngoắt tăng trở lại với một loạt mã lấy lại màu xanh, với số điểm của VN-index so với đầu phiên bị mất chỉ hơn 6 điểm. VN-Index từ 512 điểm tăng lên mức 524 điểm cũng chỉ trong vòng hơn 10 phút (từ 13h:11 - 13h:21).

Đã có những kết luận về một kịch bản "tay to" đánh nhau, lợi dụng tâm lý đang hứng phấn của nhà đầu tư để thực hiện cú "úp sọt, kéo xả".

Diễn biến thị trường xáo động quá nhanh và quá mạnh khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải giữ thái độ thận trọng trong việc mua vào. 

Đến thời điểm 13h:35, thị trường đã quay trở lại giảm gần 13 điểm so với đầu phiên sáng và VN-Index dừng ở mức 517 điểm. 

Nhờ có cú "co giật" mạnh đầu giờ chiều nên chỉ trong vòng hơn 30 phút giao dịch, thanh khoản của sàn HOSE đã được cộng thêm 500 tỷ đồng giá trị giao dịch lên mức 1.460 tỷ đồng so với mức đóng cửa phiên sáng, còn sàn HNX cũng đột biến với 200 tỷ đồng giá trị giao dịch được cộng thêm lên mức 570 tỷ đồng.

Tâm lý thị trường dần ổn định lại, cùng với lực mua đỡ giá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài giúp đà giảm được thu hẹp.

Đóng cửa, VN-Index giảm 5,48 điểm (-1,03%) xuống 524,05 điểm với tổng khối lượng giao dịch 132,54 triệu đơn vị, trị giá 1.962,14 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,89 triệu đơn vị, trị giá 177,33 tỷ đồng. Bên cạnh HAI và CNG thỏa thuận lượng lớn từ phiên sáng, phiên chiều còn có thêm sự góp mặt của 2,74 triệu cổ phiếu TBC, tương ứng giá trị 55,29 tỷ đồng. VN30-Index giảm 6,3 điểm (-1,08%) xuống 575,53 điểm. HNX-Index giảm 1,17 điểm (-1,63%) xuống 70,7 điểm với khối lượng giao dịch đạt 88,29 triệu đơn vị, trị giá 722,84 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ hơn 1 triệu đơn vị, trị giá hơn 6 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 3,27 điểm (-2,34%) xuống 136,12 điểm.

Trong khi MSN, HSG, cùng các mã GMD, PPC, CII… là lực kéo chính giúp VN-Index không bị giảm sâu, thì ở chiều ngược lại, VNM có mức giảm khá mạnh xuống gần mức giá thấp nhất trong phiên tại 120.000 đồng/CP, tương ứng giảm 3,33%.

FLC vẫn giữ được vị trí dẫn đầu về thanh khoản với hơn 4,5 triệu cổ phiếu được khớp trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng giao dịch lên 12,8 triệu cổ phiếu, tuy nhiên, giá cổ phiếu này không còn giữ được sắc xanh và quay về dưới mốc tham chiếu một bước giá. Trong khi đó, ITA cố gắng trụ ở mức tham chiếu với sự đóng góp thêm gần 3 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên chiều, nâng thanh khoản của ITA lên hơn 7 triệu đơn vị.

Ngoài FLC và ITA, các cổ phiếu khác có khối lượng khớp cao trên sàn HOSE còn có HAG và HQC với khối lượng khớp hơn 6,5 triệu đơn vị, SSI khớp hơn 5 triệu đơn vị,…

Cụ thể, trong phiên hôm nay ngày 15/5, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục trên sàn HOSE lên đến hơn hơn 16 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị trên 323 tỷ đồng. Trong đó, các mã nhận được lực cầu lớn từ khối ngoại như HAG (khối ngoại mua vào hơn 3 triệu cổ phiếu, nhờ đó, cổ phiếu này cũng đã giữ được mốc tham chiếu), hay GAS (với hơn 30 tỷ đồng mua ròng đã giúp giá cổ phiếu này hãm đà giảm điểm)…

Trên sàn HNX, thông tin xấu tiếp tục tác động khiến PVX không thể thoát được mức giá sàn xuống 4.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu sàn HNX đạt 13,23 triệu đơn vị.

Phiên giao dịch ngày 15/5 đánh dấu mức kỷ lục dòng vốn ngoại đổ vào thị trường. Nhờ lực cầu ngoại tăng mạnh khiến nhiều cổ phiếu giá cũng đã hồi xanh sau những phút lao đao của đầu phiên chiều. Đồng thời, đây cũng là động lực giúp nhà đầu đầu tư trong nước cũng mạnh dạn hơn kéo thanh khoản của thị trường tăng đáng kể.

Trong khi đó, KLS là một trong những mã có biên độ dao động lớn nhất sàn trong phiên hôm nay, gần 21%, từ mức giá sàn 8.100 đồng, lên mức gần giá trần 9.800 đồng/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở mức tham chiếu 9.000 đồng/cổ phiếu với 12,38 triệu đơn vị được khớp.

Không chỉ KLS, các mã chứng khoán khác cũng hụt hơi trong phiên chiều, ngoại trư ORS vẫn duy trì sắc tím và VIG tăng nhẹ 1 bước giá.

Trong khi đó, FIT vẫn duy trì đà tăng tốt, lên 12.100 đồng với 2,1 triệu đơn vị được khớp.

Không thua kém trên sàn HOSE, dòng vốn ngoại cũng đã rót ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HNX. Trong đó, các cổ phiếu chứng khoán được mua ròng khá mạnh như KLS và VND cùng được mua ròng hơn 21 tỷ đồng, BVS được mua ròng 8,6 tỷ đồng… Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng mạnh PVS (16,9 tỷ đồng), VCG (10,85 tỷ đồng).

Tin bài liên quan