15.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán, tiền thật hay “tiền hơi”?

(ĐTCK) Hơn 175 triệu đơn vị được giao dịch trên sàn HOSE trong ngày 11/2 đã chính thức xô đổ kỷ lục được thiết lập trong năm 2013. Không những vậy, đây cũng là một tuần đạt kỷ lục cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch.
15.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán, tiền thật hay “tiền hơi”?
Tính trung bình tuần trước, sàn HOSE đạt 140,5 triệu đơn vị/phiên, sàn HNX đạt 84,2 triệu đơn vị/phiên. Tổng chung cho cả hai sàn tuần qua thì giá trị giao dịch đạt hơn 15.000 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là: liệu đây có phải là dòng tiền thực, và bao nhiêu trong số này đã được bẩy lên qua những công cụ tài chính?

Nhà đầu tư có lẽ cũng không quá quan tâm đến điều này và dường như họ đã quen với những phiên giao dịch lớn như vậy. Điều quan trọng đối với họ lúc này là kiếm tìm cổ phiếu mà thị trường đang ưa thích, có cơ hội tăng giá. Mục tiêu là nhóm cổ phiếu có thị giá vừa và nhỏ, đặc biệt liên quan đến bất động sản hay có hệ số beta cao. Thị trường dù được dự báo sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền từ nhóm Blue-chips sang nhóm Midcap nhưng không ngờ nó lại diễn ra nhanh đến vậy. Hàng loạt mã như PVX, VND, CTS, HAG, LCG... đã thực sự hút một lượng tiền lớn trong khi nhóm cổ phiếu Blue-chips như HPG, HSG, DRC, CSM... không còn nhiều sức hấp dẫn nữa. Những cổ phiếu này hiện chỉ còn duy trì đà tăng nhẹ bởi lực mua ròng của khối ngoại. Nhưng chính điều này lại là một sự hậu thuẫn rất tốt cho lực cầu nội khi giúp cho chỉ số VN-Index luôn ổn định, không bị biến động quá lớn.

Trào lưu đầu tư cổ phiếu vừa và nhỏ đã lan sang sàn HNX, điều đó thể hiện rõ qua khối lượng giao dịch ngày một tăng. Điều này là hợp lý bởi trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu này là rất nhiều và gần như chưa được thị trường chú ý trong một thời gian khá dài. Rất nhiều cổ phiếu tốt, có kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt là nhóm chứng khoán, từ lâu vẫn chưa có sự khởi sắc.

Dòng tiền đã vào, sóng chứng khoán đã nổi, nhưng liệu có bền?

Chỉ số HNX-Index chỉ còn cách mức đỉnh cao nhất được thiết lập năm 2012 một khoảng không nhiều. Chuỗi tăng giá của chỉ số này cũng được nhìn nhận là khá dài kể từ cuối tháng 9/2012.

Chỉ số VN-Index cũng đã vượt qua vùng 560 điểm và đang thẳng tiến tới một ngưỡng mới. Những rung lắc mạnh mà thị trường vừa trải qua liệu có phải là liều thuốc thử? Chúng ta chưa thể nói trước được, nhưng những rủi ro cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Thứ nhất, khi dòng tiền dịch chuyển mạnh và nhanh từ cổ phiếu cơ bản, có tính phòng thủ cao sang cổ phiếu thị giá vừa, có nghĩa độ mạo hiểm của dòng tiền đã tăng lên. Thứ hai, lượng tiền đổ vào thị trường quá lớn như vậy có thể chưa phải là dòng tiền thật mà được bẩy lên bằng các công cụ tài chính. Thứ ba, khi thị trường ở khu vực đỉnh thì khối lượng giao dịch thường đạt rất cao và nó đang khá khớp với hiện tại. Cuối cùng, các chỉ số đều đang cách mức đỉnh cao nhất không còn quá xa nữa, và nếu như nhịp tăng này nhanh chóng tiến đến khu vực đó thì mức độ rủi ro có thể sẽ ngày càng lớn.

Chúng tôi đã dự báo về một nhịp điều chỉnh khi VN-Index tiếp cận vùng 560 điểm, nhưng tại đây chỉ có sự rung lắc. Có thể cú rung lắc này đã thay thế hết lớp nhà đầu tư cũ bằng một lớp nhà đầu tư mới với kỳ vọng mới. Tuy nhiên, với những tín hiệu như trên, nhà đầu tư cũng cần thận trọng, cho dù thống kê những năm gần đây chỉ ra rằng, thị trường thường có mức tăng trưởng rất tốt trong những tháng đầu năm và năm 2014 cũng không là ngoại lệ.

Nhà đầu tư nên tận dụng hết khả năng mà thị trường mang lại, nhưng cũng không nên lạc quan quá mức mà quên đi những rủi ro có thể xảy ra. Thị trường năm 2014 còn dài và chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội ở phía trước.

Tin bài liên quan