Chứng khoán tuần mới: Nhà đầu tư không nên lạc quan quá mức

(ĐTCK) Thị trường sẽ tiếp tục xu thế tăng, tuy nhiên, nhà đầu tư không nên lạc quan quá mức mà quên đi những rủi ro có thể xảy ra. Đầu tư Chứng khoán xin trích lược nhận định tuần từ 17-21/2 và tổng hợp diễn biến tuần trước.
Chứng khoán tuần mới: Nhà đầu tư không nên lạc quan quá mức

Quay trở lại tuần giao dịch từ ngày 10-14/2. Thị trường đã chứng kiến những phiên giao dịch đầy cảm xúc như phiên 11/2. Nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch với tâm lý phấn chấn và ồ ạt đổ tiền để gom hàng thì bất chợt đến đợt khớp lệnh ATC, họ như biến sắc và trở tay không kịp khi lực xả ồ ạt được tung ra. Đây cũng là phiên giảm điểm duy nhất trong tuần. Tuy nhiên, thanh khoản lại là điểm cộng của phiên bởi khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Tiếp đến phiên 12/2, tưởng rằng cú sốc phiên trước đó sẽ khiến nhà đầu tư run sợ khi xuống tiền nhưng ngược lại, dòng tiền lại có động lực hơn, sức chảy mạnh hơn và bluechip đã là lực đỡ kéo chỉ số VN-Index có mức tăng khá kỷ lục với hơn 10 điểm.

Tính chung cả tuần, trên sàn HOSE đã đón nhận 4 phiên tăng điểm và 1 phiên giảm điểm. Tuy nhiên, với tâm lý khá hưng phấn, thị trường đã đón nhận những phiên thanh khoản ở mức kỷ lục. Cùng với đó, chỉ số VN-Index cũng trụ vững trên mốc kháng cự mạnh 570 điểm.

Kết thúc tuần, VN-Index tăng 22,46 điểm, tương đương tăng 4,05% và chốt tuần đứng ở mức 572,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 140,25 triệu đơn vị/phiên, tăng gần 31% so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.312,96 tỷ đồng/phiên, tăng 18,93% so với phiên trước đó.

Trong đó, sau cú sốc ngày 11/2 khiến thanh khoản vụt tăng, thị trường không chút lung lay mà còn là động lực để thị trường thăng hoa hơn. Chỉ số VN-Index đã đón nhận phiên 12/2 với mức tăng hơn 10 điểm. Đây chính là cái mốc khá quan trọng để VN-Index có đà bật lên ngưỡng 570 điểm.

Tổng hợp giao dịch trên HOSE trong tuần từ 10-14/2

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

14/2

572,22

+2,04(+0,36%)

142,809,934

2,336,460

13/2

570,18

+5,93(+1,05%)

147,121,230

2,286,950

12/2

564,25

+10,35(+1,87%)

126,102,840

2,147,920

11/2

553,90

-2,00(-0,36%)

175,048,180

2,852,620

10/2

555,90

+6,14(+1,12%)

110,186,930

1,940,830

Tổng

+22,46(+4,05%)

701,269,114

11,564,780

Tương tự trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã có 4 phiên tăng điểm và một phiên giảm điểm duy nhất ngày 11/2. Kết thúc tuần, HNX-Index tăng 3,98 điểm, tương đương tăng 5,22%, đứng ở mức 78,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 85,09 triệu đơn vị/phiên, tăng 41,7% so với tuần trước và tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 754,22 tỷ đồng/phiên, tăng 53,23% so với tuần trước.

Bên cạnh điểm số tăng mạnh giúp HNX-Index vượt mốc 78 điểm thì thanh khoản là một điều đáng kể trên sàn HNX. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đổ mạnh dòng tiền giúp thanh khoản trên sàn HNX vụt tăng mạnh.

Trong đó, phiên 14/2 như một mốc kỷ lục khi khối lượng khớp lệnh lên đến trên 113 triệu đơn vị và tổng giá trị vượt 950 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất trong gần một năm trở lại đây.

Tổng hợp giao dịch trên HNX trong tuần từ 10-14/2

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

14/2

78,76

+1,07(+1,37%)

113,842,166

952,190

13/2

77,70

+0,95(+1,24%)

85,051,069

813,100

12/2

76,75

+1,19(+1,58%)

66,587,573

632,500

11/2

75,55

-0,01(-0,01%)

90,520,413

838,500

10/2

75,56

+0,78(+1,04%)

69,442,337

534,790

Tổng

+3,98(+5,22%)

425,443,558

3,771,080

Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã giao dịch khá mạnh mẽ. Lực mua của khối ngoại đã hỗ trợ lớn cho những biến động của thị trường cũng như tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.

Cụ thể, trên HOSE, họ mua vào tổng cộng hơn 36,38 triệu đơn vị, tổng giá trị mua vào đạt 1.497,53 tỷ đồng và bán ra 20,43 triệu đơn vị, trị giá 1.005,21 tỷ đồng. Qua đó, khối này đã mua ròng 15,95 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 492,32 tỷ đồng. Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HNX cũng không kém phần sôi động. Tính chung cả tuần, họ đã mua ròng 8,31 triệu đơn vị với tổng giá trị 80,22 tỷ đồng. Trong đó, khối này đã mua vào 13,6 triệu đơn vị, trị giá 161,62 tỷ đồng và bán ra 5,29 triệu đơn vị, trị giá 81,4 tỷ đồng.

Tổng hợp giao dịch của NĐT nước ngoài trên TTCK từ ngày 10-14/2

Ngày

Khối lượng

Giá trị (tr.đồng)

Mua

Bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

10/2

8,881,480

4,766,028

4,115,452

272,510

169,350

103,160

11/2

10,904,155

4,409,030

6,495,125

374,050

185,240

188,810

12/2

6,993,591

6,125,810

867,781

400,660

368,000

32,660

13/2

9,513,820

5,093,172

4,420,648

247,490

151,130

96,360

14/2

13,685,414

5,322,721

8,362,693

364,440

212,890

151,550

Tổng

49,978,460

25,716,761

24,261,699

1,659,150

1,086,610

572,540

Tính chung trên cả hai sàn tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 49,99 triệu đơn vị, trị giá 1.659,15 tỷ đồng và bán ra 25,72 triệu đơn vị, trị giá 1.086,61 tỷ đồng. Như vậy, khối này đã mua ròng 24,26 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 572,54 tỷ đồng.

Nhận định của các CTCK tuần 17-21/2: "VNIndex có thể tiến tới vùng 580-590 điểm"

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Số liệu tăng trưởng tín dụng tháng 01/2014 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hôm qua. Cụ thể, tính đến 20/01, dư nợ tín dụng giảm 1,21% và mức giảm của năm nay nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2013 (giảm 1,06%). Chúng tôi cho rằng tình trạng tín dụng tăng trưởng âm là bình thường trong những tháng đầu năm và thông tin này không ảnh hưởng đến tâm lý của NĐT trên TTCKVN.

Cập nhật diễn biến về giá vàng và USD sau Tết, giá vàng trong nước bật tăng mạnh với mức tăng 1,9% so với thời điểm trước Tết lên mức 35,95 triệu đồng/lượng (giá bán SJC). Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do giảm 50 đồng và giá USD ngân hàng ổn định. Như vậy, so với các kênh đầu tư khác, chứng khoán đang có lợi thế hơn hẳn.

Ngoài ra, giao dịch của quỹ VNM ETF đang là một điểm sáng cho TTCKVN. Hiện tại, quỹ này đang giao dịch ở mức chiết khấu trên 11% với xu hướng giá tăng. Việc phát hành ccq liên tiếp (100.000 ccq/phiên) dự báo sẽ còn được duy trì trong tuần kế tiếp và hỗ trợ cho thị trường.

Từ những nhận định trên, chúng tôi kỳ vọng VNIndex có thể tiến tới vùng 580-590 điểm trong tuần giao dịch tới. Áp lực chốt lời sẽ dần mạnh lên song rủi ro điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn là chưa cao.

VN-Index vẫn tiếp tục xu thế tăng

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

VN-Index vẫn đang vươn lên mức cao mới trong xu hướng tăng. Chúng tôi nhắc nhở rằng các lệnh bán chốt lời trong xu hướng tăng thực chất là hành động dò đỉnh của thị trường, điều tương tự như cố gắng dò đáy của một thị trường giảm giá.

Chúng tôi cho rằng chiến lược hợp lý hơn là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, bỏ qua các đợt điều chỉnh ngắn hạn của thị trường vì giá thường sẽ thiết lập các mức đỉnh cao kế tiếp. Các lệnh mua mới trong vài ngày qua nên đặt dừng lỗ ở mức 548 điểm.

Chốt lời phần danh mục ngắn hạn

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Thị trường hoàn thành một tuần giao dịch thành công với tín hiệu bật tăng khá mạnh mẽ của hai chỉ số. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch trên HoSE trong tuần qua đã xác lập mức kỷ lục mới trong lịch sử kể từ khi hoạt động. Động thái giải ngân của khối ngoại cũng là một điểm nhấn với giá trị mua ròng đạt xấp xỉ 490 tỷ đồng trên sàn Tp. HCM.

Bất chấp áp lực chốt lời ở mức cao vào những phiên cuối tuần, bên mua vào vẫn đang chiếm ưu thế và giữ vai trò chi phối xu hướng thị trường.

Theo quan sát của chúng tôi, lực mua của khối nhà đầu tư tổ chức, kể cả trong và ngoài nước, đang đóng vai trò là điểm tựa và tạo động lực đi lên cho thị trường. Bên cạnh đó, dòng tiền đầu cơ cũng không ngừng luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, tạo nên một diễn biến phân hóa có trật tự trong quá trình tăng điểm.

Hai yếu tố hỗ trợ chính cho diễn biến thị trường là khả năng mở room và triển vọng kết quả kinh doanh vẫn đang định hình các dòng dẫn dắt đà hồi phục như chứng khoán, dầu khí, cao su chế biến. Bên cạnh đó, các thông tin về chuyển nhượng dự án và sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng hỗ trợ mạnh cho diễn biến của nhóm cổ phiếu bất động sản.

Từ góc độ thị trường và kỹ thuật, các tín hiệu vẫn đang ủng hộ cho khả năng xác lập đỉnh cao mới của hai chỉ số trong tuần tới. Tuy nhiên, thị trường đang dần tiếp cận các vùng kháng cự mạnh và rủi ro đảo chiều ngắn hạn cần phải tính đến đối với việc quản lý danh mục.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị lựa chọn các thời điểm hồi phục trong tuần tới để chốt lời phần danh mục ngắn hạn. Đối với phần tỷ trọng trung hạn, bên cạnh việc tiếp tục nắm giữ các nhóm ngành có triển vọng KQKD ở trên, nhà đầu tư có thể cân nhắc việc tái cơ cấu một phần sang các nhóm, các mã cổ phiếu trễ nhịp hơn nhằm cân bằng rủi ro như ngân hàng hoặc một số mã bluechips ngành hàng tiêu dùng trên HoSE.

Có thể chốt lời nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng

(CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS)

Chỉ số VN-Index tăng khá mạnh về nửa cuối tuần, kết thúc thời gian dao động tích lũy, khi vượt qua ngưỡng cản kỹ thuật 560-565 điểm. Áp lực chốt lời tại ngưỡng cản kỹ thuật khá mạnh, mức độ tăng điểm của VN-Index có xu hướng giảm dần về cuối tuần và nhờ đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (GAS, MSN, VNM).

Điểm tích cực là lực cầu tham gia thị trường vẫn khá ổn định, dòng tiền có xu hướng luân chuyển nhanh chóng giữa từng nhóm cổ phiếu, thời gian tăng điểm/điều chỉnh tích lũy không kéo dài.

Tuy nhiên, áp lực cung giá cao dự báo vẫn tiếp tục gia tăng trong tuần giao dịch tới, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng tăng trong tuần giao dịch tới, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng. Sự phân hóa cổ phiếu dự báo tiếp tục diễn ra rõ rệt, đặc biệt khi VN- Index tiến đến ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng khoảng 590-600 điểm.

Chỉ số HNX-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ 18 liên tiếp với thanh khoản cải thiện. Mức độ tăng của chỉ số chung tăng dần về nửa cuối tuần, khi HNX-Index tăng qua ngưỡng cản 76 điểm. Dòng tiền cũng có xu hướng quan tâm hơn đến sàn HNX, số lượng cổ phiếu thu hút lực cầu mở rộng hơn so với giai đoạn trước. Thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng điểm với ngưỡng cản kỹ thuật gần nhất là khoảng 80 điểm.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị việc lựa chọn cơ hội đầu tư nên quan tâm đến yếu tố cơ bản, thuộc ngành nghề được đánh giá triển vọng như dầu khí, xuất khẩu, xây dựng, VLXD, BĐS, được dòng tiền quan tâm. Nhà đầu tư nên duy trì trạng thái danh mục, khi xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn đang duy trì. Nhà đầu tư cũng có thể xem xét chốt lời nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng, nhằm tối đa hóa hiệu quả đầu tư.

Bluechip tiếp tục là lực đỡ chính giúp chỉ số bứt phá

(CTCK FPT – FPTS)

VN-Index đã lập đỉnh cao mới tại 576 điểm và nó sẽ còn cản trở chỉ số trong tuần tới. Sự hỗ trợ của nhóm bluechips được kỳ vọng là động lực chính để giúp chỉ số tiếp tục bứt phá trong đó có BVH, GAS, MSN, BID, VNM, PPC, REE…

Xét về mức giá thì hiện tại MSN, BVH, VNM đang ở trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp cần có sự tích lũy mới có thể có đột phá mới. Do đó nếu nhóm cổ phiếu này đón nhận được sự hỗ trợ của thị trường và đặc biệt là nhóm ngoài sẽ tạo ra cơ hội tăng điểm mới cho chỉ số.

Chỉ số sẽ được giữ quanh vùng giá hiện tại

(CTCK BIDV – BSC)

Sau phiên tạo gap hôm qua, động lượng của VN-Index đã có phần giảm bớt khi xuất hiện mẫu hình Spinning Top. Tuy nhiên với sự tích cực của khối ngoại, chỉ số được kỳ vọng giữ quanh vùng giá hiện tại với sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu.

Dòng tiền tiếp tục ở lại với các cổ phiếu Bluechip

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Thị trường giằng co khá mạnh trong phiên nhưng bên mua vẫn giữ vị thế áp đảo khi tâm lý hưng phấn tiếp tục được duy trì. Premium VNM ETF lên trên 9%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, còn DB FTSE ETF cũng đã quay trở lại trạng thái premium sau nhiều phiên discount, đã tạo ra điểm tựa tâm lý tốt cho NĐT.

Các cổ phiếu Largecap trên hai sàn tiếp tục tăng điểm khá ấn tượng trong khi ở nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap đang có sự điều chỉnh nhẹ có chọn lọc ở một vài cổ phiếu. Nhân tố khối ngoại sẽ tiếp tục ủng hộ thị trường trong những phiên tới khi VNM ETF được giao dịch ở trạng thái premium cao và tạo tác động tích cực lên các Bluechip trong danh mục. Dòng tiền sẽ ở lại các cổ phiếu Bluechip lâu hơn so với các nhóm cổ phiếu còn lại nhờ tác động nói trên.

Nên cắt lỗ và chốt lời nhỏ

(CTCK ACB – ACBS)

Về mặt kỹ thuật, cả hai chỉ số đều chưa hình thành tín hiệu đảo chiều rõ ràng nào nên có thể tiếp tục hồi phục trong các phiên tới. Tuy nhiên, sự xuất hiện các đợt bán tháo ngắn trong những phiên gần đây là dấu hiệu của giai đoạn phân phối và một đỉnh ngắn hạn có thể sớm hình thành.

Trong dài hạn, chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan với thị trường. VN-Index đang hướng tới đỉnh 2009 ở 633,21 trong khi với HNX-Index là đỉnh 2012 ở 85,43.

Khuyến nghị: nhà đầu tư hạn chế mua đuổi giá ở thời điểm hiện tại. Các chiến lược cắt lỗ và chốt lời nhỏ có thể thích hợp hơn.

Không nên lạc quan quá mà quên rủi ro

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Chúng tôi đã dự báo về một nhịp điều chỉnh khi VN-Index tiếp cận vùng 560 điểm nhưng tại đây chỉ có sự rung lắc. Có thể cú rung lắc này đã thay thế bởi một lớp NĐT mới với kỳ vọng mới. Tuy nhiên, với những tín hiệu như trên NĐT cũng cần thận trọng cho dù thống kê những năm gần đây đều chỉ ra rằng, thị trường đều có mức tăng trưởng rất tốt trong những tháng đầu năm và năm 2014 cũng không ngoại lệ. Tận dụng hết khả năng mà thị trường mang lại nhưng cũng không nên lạc quan quá mức mà quên đi những rủi ro có thể xảy ra.

Tin bài liên quan