20 năm nữa, Việt Nam sẽ có nền chứng khoán hoàn thiện

(ĐTCK) Tiếp chúng tôi tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên Lê Văn Châu chia sẻ, ông đang làm việc với nhà in để xuất bản cuốn sách “Huyền thoại con đường tiền tệ trong chiến tranh miền Nam”. 
TS. Lê Văn Châu

TS. Lê Văn Châu

Ở tuổi 90, ông quyết định viết cuốn sách này bởi thế hệ những người như ông đã lần lượt về với Ðất Mẹ. Nếu ông không viết và chia sẻ, sẽ có những câu chuyện mãi mãi trong vòng bí mật, kể cả với những người trong gia đình.

Ông Lê Văn Châu cho biết, việc xây dựng TTCK là câu chuyện sau này. Nhiệm vụ ông được giao trước đó là Tổ trưởng nhóm B29, nhóm được điều hành trực tiếp bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Hùng thời đó, có nhiệm vụ các nguồn viện trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, của các nhân sĩ, cùng với kiều bào ở nước ngoài chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Sau đó là nhiệm vụ đàm phán, giải quyết các khoản nợ nước ngoài khi đất nước mới được giải phóng.

Từ 3 tuổi, ông Lê Văn Châu đã được bố cho đi học tiếng Pháp, đến khi 20 tuổi, ông thông thạo hai ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp và đây là nền tảng đầu tiên để ông bước chân ra thế giới, thu lượm kiến thức, quan hệ, kinh nghiệm để phục vụ Cách mạng.

Sau này, khi đảm nhiệm công việc xây dựng ngành chứng khoán, những nhân sự đầu tiên được ông Châu chọn lựa đều là người có khả năng ngoại ngữ tốt và khả năng tiếp nhận tri thức tiên tiến từ nước ngoài.

Nhân dấu mốc Báo Ðầu tư Chứng khoán tròn 20 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (10/12/1999 - 10/12/2019), TS. Lê Văn Châu chia sẻ một vài ký ức những ngày đầu xây dựng thị trường, gắn với sự ra đời của ấn phẩm.

Ký ức những ngày đầu định hình TTCK Việt Nam

Là người được Ðảng và Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng TTCK thời kỳ đầu, tôi rất mừng vì sự trưởng thành của TTCK, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Báo Ðầu tư Chứng khoán, tờ báo đã theo sát quá trình tạo dựng, ra đời và phát triển của TTCK Việt Nam.

Năm 1999, khi ngành chứng khoán đang trong quá trình chuẩn bị nền tảng cho TTCK mở cửa hoạt động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư gặp tôi, đề cập việc Báo Ðầu tư, cơ quan của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư muốn xây dựng một ấn phẩm riêng thông tin về TTCK, thị trường vốn.

Tôi rất mừng và đồng ý ký vào đề xuất xin giấy phép ra đời ấn phẩm. Trong đánh giá của chúng tôi, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư rất quan tâm đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

TTCK Việt Nam nhằm phục vụ mục tiêu đó. Ðó là ký ức đầu tiên trong tôi về việc ra đời Báo Ðầu tư Chứng khoán, tờ báo ra đời trước khi TTCK Việt Nam mở cửa hoạt động.

Tôi đọc tờ báo từ những ngày đầu và nhận thấy từ nội dung, cấu trúc, tổ chức ấn phẩm dần đi vào nề nếp, khoa học.

Tờ báo nắm bắt được câu chuyện thị trường, phản ánh kịp thời đến bạn đọc, gắn kết thông tin của nhiều chủ thể trong quá trình phát triển TTCK… Ðó là điều đáng trân trọng, đáng mừng.

Ðịnh hướng phát triển TTCK Việt Nam được Bộ Chính trị và thường trực Chính phủ quyết định từ giữa thập niên 90, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Hồi đó, có nhà báo nước ngoài hỏi tôi về việc này, tôi đã trả lời rằng, TTCK Việt Nam là phát triển theo định hướng của Chính phủ Việt Nam. Nhà báo hỏi tiếp: Ðịnh hướng đó là thế nào?

Tôi trả lời rằng, chúng tôi không để thị trường phát triển tự do trước rồi mới đưa vào khuôn khổ như các nước khác mà quyết định cho ra đời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thay mặt cho Chính phủ soạn thảo tất cả các văn bản pháp lý, tạo ra bộ máy, các trung tâm, các chủ thể, tổ chức các hoạt động kinh doanh… Khi tất cả đã đầy đủ rồi thì mới mở cửa thị trường.

Nền kinh tế Việt Nam lúc đó mới bắt đầu làm quen với kinh tế thị trường, nên số lượng công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa còn rất ít.

Các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia niêm yết thì chưa hiểu gì về TTCK, nên công tác tạo hàng rất khó khăn.

Trong suốt một thời kỳ dài, bộ máy nhân sự của UBCK đã đi tuyên truyền, giải thích cho các địa phương, doanh nghiệp, kể cả các cán bộ ở Trung ương về TTCK.

Có vị cán bộ cao cấp khi nghe xong đã phát biểu rằng: “Mỗi tỉnh nên làm một TTCK”. Tuy chưa hiểu cách tổ chức thị trường, nhưng phát biểu đó đã thể hiện sự ủng hộ, đồng tình với Ðảng và Nhà nước trong việc quyết tâm mở cửa TTCK tại Việt Nam.

Ðể ra đời TTCK Việt Nam là cả một quá trình dài trăn trở của Ðảng và Nhà nước, nhất là Tổng Bí thư Ðỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Những năm đầu thập niên 1990, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn rất nhỏ, 5 ngân hàng được thành lập chỉ có quy mô 20 triệu USD, không đủ tiền để mở rộng hoạt động. Vậy làm thế nào để có tiền cho doanh nghiệp và nền kinh tế vận hành?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu cho dân, huy động mệnh giá 100 đồng/trái phiếu. Lúc đó, chưa ai có khái niệm dùng thị trường để tạo vốn.

Tôi thì kiến nghị nên mở TTCK Việt Nam, với lý do đây là thị trường có khả năng tạo vốn cho doanh  nghiệp và nền kinh tế. Kiến nghị này được lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước rất quan tâm.

Tại cuộc họp 17 thành viên Bộ Chính trị sau đó, Thủ tướng đề nghị bàn về việc tạo vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và có yêu cầu tôi báo cáo rõ về mô hình, vai trò của TTCK. Tại đây, hai câu hỏi lớn được đặt ra.

Thứ nhất, Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa thì xây dựng TTCK để làm gì? Thứ hai, tính chất giai cấp của TTCK là như thế nào? Tôi đã trình bày rằng, TTCK ra đời là sản phẩm của loài người. Bất kỳ chế độ xã hội nào biết vận dụng nó để tạo ra vốn dài hạn thì thị trường sẽ phục vụ cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc đó.

Liên Xô cũng đã ra đời TTCK và năm 1990, Trung Quốc cũng đã mở cửa TTCK. Ðó là thực tiễn sinh động của các nền kinh tế vận động theo quy luật phát triển.

Cuộc họp kết thúc với việc Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ cần triển khai xây dựng TTCK Việt Nam. Ðó là năm 1991.

Từ năm 1992 - 1993, ý tưởng xây dựng TTCK Việt Nam tiếp tục được bàn thảo trong lãnh đạo Ðảng và Nhà nước.

Lúc đó, tôi vẫn đang công tác tại Mỹ với cương vị Phó Thống đốc phủ quyết của Việt Nam tại một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Khi đất nước bắt đầu công cuộc cải cách, tôi được trở về nước làm nhiệm vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cải cách nền kinh tế đầu tiên là cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách lãi suất. Thời đó, lạm phát của nước ta lên đến 400 - 500%. Trước tình hình như vậy, tôi kiến nghị Chính phủ đưa lãi suất ngân hàng lên 12%/tháng để thu hút tiền trong dân vào hệ thống ngân hàng, việc này làm trong 3 tháng.

Sau khi tiền trong dân về nhiều rồi thì đưa trở về lãi suất bình thường theo tín hiệu thị trường lúc bấy giờ. Từ việc bình ổn lãi suất đi đến việc bình ổn chính sách tiền tệ.

Sau khi làm cải cách lãi suất thành công, Chính phủ rất muốn chuẩn bị cho việc thành lập TTCK, nhưng khi đó vẫn còn một vấn đề vô cùng quan trọng chưa giải quyết được, đó là nợ nước ngoài.

Theo tính toán, nước ta có nợ các chính phủ và nợ tư nhân khoảng 1 tỷ USD, đó là con số rất lớn so với ngân sách quốc gia lúc đó.

Tôi đã vận động Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho Việt Nam vay mới để trả nợ cũ, nhằm khôi phục lại quan hệ với các tổ chức quốc tế. Vào năm 1993, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị CG - Hội nghị tài trợ quốc tế đầu tiên tại Paris để đàm phán nợ. Các nước Pháp, Anh, Tây Âu, kể cả Liên hợp quốc đã tham gia hội nghị này.

Ðoàn công tác Việt Nam do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì, cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và tôi.

Sau 3 ngày họp bàn, chính phủ các nước tham dự đồng tình ủng hộ và tài trợ cho Việt Nam 2,3 tỷ USD.

Hội nghị CG đầu tiên đã giải tỏa toàn bộ quan hệ nợ nần của Việt Nam với các quốc gia khác. Nợ Chính phủ (1 tỷ USD) được xóa 55%, số còn lại kéo dài 30 năm để trả nợ.

Sau Hội nghị CG, nhiệm vụ tiếp theo là xử lý các khoản nợ thương mại, khoảng 800 triệu USD. Lúc đó, tôi được giao việc tổ chức tiếp Câu lạc bộ Luân Ðôn, dàn xếp việc này. Trên cương vị Trưởng đoàn đàm phán, tôi vẫn nhớ đã đàm phán với gần 30 chủ nợ, giãn khoản nợ trả trong gần 20 năm thì hết.

Sau khi hoàn tất các nhiệm vụ trên, tôi chính thức nhận nhiệm vụ mới: xây dựng TTCK Việt Nam.

Ở tuổi 90, TS. Lê Văn Châu cho biết, ông quyết định viết cuốn sách “Huyền thoại con đường tiền tệ trong chiến tranh miền Nam”, bởi nếu không, sẽ có những câu chuyện mãi mãi là bí mật.

Ðiều hạnh phúc sau 20 năm nhìn lại…

23 năm ra đời Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, 20 năm Việt Nam mở cửa TTCK, ngoài sự quyết tâm chỉ đạo của Ủy ban Chứng  khoán Nhà nước, các thành viên, tổ chức tham gia thị trường, các tổ chức trung gian có nhiều nỗ lực và sáng tạo, đưa TTCK nước ta gần bắt kịp với TTCK trong khu vực.

Các công ty chứng khoán đầu tiên đến nay đều đã trở thành trụ cột. Giấy phép đầu tiên được cấp cho Công ty Chứng khoán Bảo Việt (lúc đó là doanh nghiệp của Bộ Tài chính), sau đó đến các công ty chứng khoán của hàng loạt ngân hàng: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB.

Ðây là các công ty thuộc thành phần nhà nước, trong khi TTCK muốn khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển, nên tôi quyết định cho thành lập công ty chứng khoán tư nhân.

SSI là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên ra đời. Sau này, ngành chứng khoán có trên 100 công ty chứng khoán, nhưng chủ chốt chỉ khoảng 20 công ty.

Nhìn lại quá trình dài xây dựng TTCK, tôi rất hạnh phúc khi những công ty chứng khoán đầu tiên đều phát triển, trở thành các tổ chức tài chính trung gian trụ cột. Các tổ chức, thành phần khác tham gia thị trường cũng dần được định hình và lớn mạnh.

Trong dòng chảy của TTCK Việt Nam, Báo Ðầu tư Chứng khoán đã ra đời rất đúng lúc, gắn kết thông tin của các chủ thể, là tờ báo hàng đầu và duy nhất song hành hơn hai thập kỷ xây dựng TTCK Việt Nam.

Tôi tin, 20 - 30 năm nữa, mọi hoạt động kinh tế sẽ đều đi qua TTCK. Lúc đó, nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh và TTCK sẽ là nhân tố cốt lõi, là phong vũ biểu của nền kinh tế.

Tôi mong rằng, Báo Ðầu tư Chứng khoán cũng như Tòa soạn Báo sẽ tiếp tục vững bước phát triển, phục vụ cho TTCK và các ngành kinh tế liên quan của nền kinh tế nước nhà.            

Tin bài liên quan