223 văn bản của các bộ ban hành có dấu hiệu sai luật

223 văn bản của các bộ ban hành có dấu hiệu sai luật

(ĐTCK) Trong số 1.761 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, có 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền, nội dung, hiệu lực, không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đến hết tháng 7/2013, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 văn bản.

Đến ngày 15/10/2013, có 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực. Ngay sau khi luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, hầu hết Bộ, ngành đã chủ động ban hành kế hoạch, chỉ thị triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong phạm vi quản lý. 

Về công tác xây dựng, ban hành văn bản dưới luật, pháp lệnh, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 73/131 văn bản (55,7%) quy định chi tiết, hướng dẫn 85/154 nội dung được giao.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 25/69 văn bản (36,2%) quy định chi tiết, hướng dẫn 63/126 nội dung được giao.

 Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết hướng dẫn 148/280 nội dung được giao.

Đối với 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, có 1/42 văn bản đã ban hành để quy định chi tiết 3/83 nội dung được giao.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc ban hành các văn bản hướng dẫn không đảm bảo nhiều yếu tố về thời hạn, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quy trình, thủ tục ban hành văn bản cũng bị vi phạm.

Về thời hạn hướng dẫn, thống kê cho thấy hai luật bị “nợ” văn bản hướng dẫn nhiều nhất là Luật xử lý vi phạm hành chính, bị “nợ” 31 văn bản và Bộ luật Lao động bị “nợ” 12 văn bản hướng dẫn chi tiết. Đây là văn bản luật có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, đến các cơ quan, tổ chức và mọi người dân.

Có những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành, như Luật Cơ yếu có hiệu lực từ 1/1/2012, nhưng còn 3/6 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (50%). Một số luật như Luật Quảng cáo, Luật Xuất bản, Luật Điện lực đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa ban hành được văn bản hướng dẫn nào, thiếu 100%.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật.

Không chỉ ban hành chậm, trong số 1.761 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã có 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền, nội dung, hiệu lực, không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban pháp luật cũng yêu cầu làm rõ tình trạng luật, pháp lệnh không giao quy định chi tiết nhưng cơ quan soạn thảo vẫn trình Chính phủ quy định chi tiết các điều khoản không được giao trong luật. Ví dụ, trong Nghị định số 65/2013/NĐ-CP về thuế thu nhập cá nhân có một số nội dung trong Luật không giao nhưng Chính phủ vẫn quy định chi tiết...

Bên cạnh hạn chế về số lượng, chất lượng xây dựng văn bản cũng đáng bàn. Thực tế thời gian qua cho thấy, có nội dung quy định trong văn bản quy định chi tiết thiếu sự phân tích chính sách bài bản, thiếu việc nghiên cứu cụ thể, thiếu căn cứ thực tế nên ngay cả cơ quan ban hành văn bản cũng thiếu tự tin.

Có tình trạng “văn bản vội ban hành” rồi “vội phải bãi bỏ”, như Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh ban hành ngày 4/7/2013 nhưng sau đó ngày 16/7/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư bãi bỏ quy định ưu đãi đối với các đối tượng này.

Ủy ban pháp luật đánh giá một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là sự phối hợp giữa các đơn vị việc nghiên cứu và tham gia xây dựng văn bản, nhất là thông tư liên tịch còn hạn chế. Trong một số trường hợp, do lợi ích cục bộ của bộ, ngành, dẫn đến không thống nhất được ý kiến về các vấn đề chính sách.

>> Tham nhũng nghiêm trọng cả trong cơ quan tư pháp

>> Vẫn cho phép thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội

>> Chưa nên đặt mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhanh

>> Nhiều dự luật quan trọng sắp được thông qua