370 triệu xử vụ trục lợi cổ phiếu VTV: Không thoả đáng

370 triệu xử vụ trục lợi cổ phiếu VTV: Không thoả đáng

(ĐTCK-online) Vụ việc chào mua công khai cổ phiếu VTV hồi tháng 1, nhưng sau đó lại bán sạch cổ phiếu này khép lại với mức xử phạt hành chính 370 triệu đồng, cao nhất từ trước tới nay, nhưng để lại nhiều băn khoăn trong dư luận.

>> Phạt 370 triệu đồng vì làm giá cổ phiếu VTV

>> UBCK chính thức lên tiếng về vụ vi phạm của cổ đông VTV

>> Những kỹ thuật mùi hình sự trục lợi chứng khoán

>> Bị phạt 50 triệu đồng vì vi phạm về chào mua công khai

>> Những quan điểm trái ngược quanh vụ chào mua cổ phiếu VTV

Nhiều luật sư theo dõi vụ việc từng khẳng định, hành vi trục lợi trên TTCK này có thể bị xử lý hình sự. Vậy đâu là lý do không thể khép tội hình sự, mà chỉ xử lý hành chính với những đối tượng thao túng giá? Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Vinh, Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Chương Dương.

 

Ai cũng biết khoản lời thu về dự tính cả chục tỷ đồng, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sau 5 tháng điều tra, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 370 triệu đồng với 4 đối tượng trong vụ trục lợi cổ phiếu VTV. Ông đánh giá sao về quyết định xử phạt này?

Quả thật, đây là mức xử phạt khiến dư luận khó lòng thỏa mãn, bởi nó không tương thích những gì mà các đối tượng này đã được. Mặc dù quyết định xử phạt không nói rõ phạt ở hành vi cụ thể và mức phạt ấy là ở khung nào, nhưng đây được xem là mức xử phạt cao nhất trong khung hình phạt hành chính được áp dụng từ trước đến nay. Và dù có là mức xử phạt cao nhất đi nữa thì cá nhân tôi vẫn bảo lưu quan điểm là vụ việc nên được xem xét ở xử lý hình sự. Lẽ ra, các đối tượng này phải trả giá cao hơn thế.

Có ý kiến cho rằng, quyết định xử phạt có phần "nương nhẹ", chủ yếu do bất cập trong quy định hiện hành về chứng khoán?

Đúng vậy. Những quy định bất cập hiện hành đang cản trở quá trình điều tra, cũng như xem xét, kết luận của cơ quan ra quyết định, khiến họ không dễ tìm đủ căn cứ pháp lý cho một mức xử phạt cao hơn. Cụ thể, có sự vênh nhau giữa quy định về tội thao túng giá của Bộ luật Hình sự mới với Thông tư liên tịch số 46 trước đó.

Bộ luật Hình sự mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010) bổ sung 3 tội danh về chứng khoán, đó là: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b) và Tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c).

Nhưng trước đó, điểm c, khoản 3.6 và khoản 3.7, Phần II, Thông tư liên tịch số 46/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 11/3/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Công an Hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK quy định, việc thao túng giá chứng khoán phải được hiểu là "thực hiện các hành vi bị cấm". Nhưng để hiểu, để từ đó có thể liệt kê được các hành vi bị cấm là hoàn toàn không dễ. Đó là chưa kể hiện chưa có văn bản nào cụ thể hoá 3 tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi để hướng dẫn các cơ quan tư pháp thực thi.

 

Thao túng giá chứng khoán là 1 trong 3 tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự mới, vậy tại sao vụ việc VTV nêu trên không bị khép vào tội hình sự, khi UBCK ra kết luận rằng, các đối tượng đã có hành vi thông đồng, thao túng giá?

Khách quan mà nói thì UBCK cũng đã làm hết trách nhiệm của một cơ quan hành chính (chỉ có nhiệm vụ "tuýt còi" các mối quan hệ hành chính dân sự). Còn xác định tội phạm thì không thuộc UBCK, mà thuộc thẩm quyền của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án. Tất nhiên, nếu cảm thấy đây là vụ việc cần được xử lý hình sự thì UBCK có thể gửi công văn yêu cầu các cơ quan này vào cuộc. Nhưng thực ra, các cơ quan này nếu muốn vẫn có thể vào cuộc, mà không cần công văn của UBCK, dựa trên phát hiện của báo chí hay đơn tố cáo của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Việc chào mua công khai, nhưng sau đó lại bán sạch cổ phiếu VTV của bà Phượng không chỉ là hành vi của riêng bà, mà còn liên quan đến 3 vị khác. Do đó, trong quyền hạn của mình, sau kiểm tra, UBCK đã đưa ra kết luận căn cứ vào Luật Chứng khoán là xử phạt hành chính. Nhưng theo tôi, khi đã có kết luận rõ ràng đây là hành vi thông đồng, thao túng giá thì sự việc càng có điều kiện xem xét ở mức độ cao hơn.

 

Có phải vụ việc khó xem xét xử lý hình sự còn bởi không dễ xác định được người bị hại từ hành vi trục lợi của các đối tượng?

Đó chỉ là lý do để nhằm bảo vệ cho quan điểm xử lý hành chính, còn theo tôi, nếu muốn xác định người bị hại hay mức độ thiệt hại, cho dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu có một Hội đồng thẩm định. Có ý kiến cho rằng, khó xem xét xử lý hình sự vì sự biến động giá cổ phiếu VTV nói riêng, TTCK Việt Nam nói chung phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà trong đó động cơ làm giá chỉ là một yếu tố. Nhưng theo tôi, vẫn có thể phân lập và lý giải được biến động giá cổ phiếu VTV, quan trọng là phải có những cán bộ kiểm tra hay điều tra đủ giỏi, am hiểu một thị trường thật không dễ hiểu như TTCK.

 

Ngoài xử lý hình sự, còn có quan điểm cho rằng, đối với vụ việc VTV, nên tịch thu toàn bộ khoản lời bất chính. Tại sao chế tài này chưa được áp dụng, theo ông?

Việc tịch thu toàn bộ khoản lời bất chính chỉ là những gì mà pháp luật hướng tới. Bởi lẽ, mặc dù Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính có đề cập đến quyền tịch thu các khoản lời bất chính từ những hành vi sai phạm, nhưng Thông tư hướng dẫn cách tính khoản lời bất chính trong các vụ vi phạm mới đang trong giai đoạn soạn thảo. Do đó, đến nay chưa có vụ vi phạm nào bị tịch thu khoản lời bất chính.  TTCK mới hoạt động được 10 năm, nên rất mong hệ thống pháp luật hiện hành sớm hoàn thiện theo hướng đồng bộ, có đội ngũ nhân lực đủ kiến thức về chứng khoán.