Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 20/11

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 20/11

3G chưa thu hồi vốn nên chưa có 4G

(ĐTCK) Diễn đàn Quốc hội chiều nay (20/11) không chỉ nóng vấn đề tăng cước 3G mà nhiều đại biểu còn đặt cả câu hỏi với tương lại của 4G.

Chiều nay (20/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Điểm nóng không ngoài dự đoán là cước 3G.

Trong thời gian gần đây, sự bùng nổ các dịch vụ OTT như viber, skype, Zalo... đã mang lại cho lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng như nhắn tin, gọi điện nội địa, quốc tế miễn phí qua internet.

"Tăng giá chỉ ảnh hưởng tới người thu nhập cao"

Vấn đề đặt ra, theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (TP. Hà Nội), các dịch vụ OTT càng mang lại lợi ích cho người dùng thì càng làm giảm doanh thu của doanh nghiệp viễn thông. 6 tháng đầu năm 2013, OTT làm giảm doanh thu Viettel 1.500 tỷ đồng, Mobiphone là 1.000 tỷ đồng, và VNPT mất 9 – 10% doanh thu.

Đại biểu Hải đặt vấn đề trước thực tế đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện giải pháp nào để bù đắp doanh thu bị giảm này? Phải chăng việc tăng giá cước khi chất lượng không được cải thiện có phải là giải pháp?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc điều chỉnh cước 3G đã tạo nên dư luận trong xã hội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thị trường viễn thông Việt Nam giá cước từ khi phát triển hầu như không tăng mà đều là giảm. Vừa qua, chúng ta có tăng giá cước theo chủ trương chung và với chỉ đạo Chính phủ phù hợp với Luật viễn thông Nghị định 35, Luật giá, Luật Cạnh tranh, cùng cam kết quốc tế. Tức là không thể bán dưới giá thành.

Đồng thời, các dịch vụ viễn thông mà đặc biệt là dịch vụ 3G bắt đầu từ khi ra đời đến nay chưa từng tăng giá. Theo Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch lại thị trường viễn thông có yêu cầu từng bước nâng giá để bảo đảm bằng và trên giá thành, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Luật cạnh tranh cũng yêu cầu nhà chiếm lĩnh thị trường không được bán dưới giá thành. Nhưng giá viễn thông Việt Nam thấp hơn 34 – 57% khu châu Á - Thái Bình dương.

Không chỉ thế, cước 3G tăng lên thực tế không nhiều. Hiện các nhà mạng có trên 90 triệu thuê bao thì trong đó có 19 triệu thuê bao là 3G và tăng giá chỉ tăng gói data tức là truyền dữ liệu, còn lại không tăng. Sau một tháng tăng cước thì theo báo cáo của Viettel, gói data doanh thu chỉ tăng 2%.

“Tăng cước 3G là việc bình thường trong cơ chế thị trường bảo đảm cạnh tranh lành mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh. Hơn nữa, nếu tăng cước cũng làm tăng đóng góp của các doanh nghiệp, cho Nhà nước bởi 3 nhà mạng lớn nhất đều là doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra tăng giá cũng là để chia sẻ với nhà mạng vì 80% thiết bị là nhập từ nước ngoài và “giá” nước ngoài, nhà mạng còn thanh toán giá dịch vụ quốc tế nên không thể bán giá thấp. Hơn nữa, tăng giá chỉ ảnh hưởng đến người có thu nhập cao bởi nhóm người này sử dụng smart phone.

Về vấn đề chất lượng mạng, Bộ trưởng thừa nhận chất lượng còn kém và lý giải bởi vì đầu tư ban đầu tốn kém nên cần tăng giá cước để bù đắp phần đầu tư và có điều kiện cải thiện chất lượng mạng.

“Sẽ nghiên cứu quản lý OTT” 

Về các dịch vụ OTT, theo quan điểm Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, OTT là sự phát triển mới của viễn thông và đến nay chưa rõ OTT là doanh nghiệp kinh doanh viễn thông hay kinh doanh dịch vụ số. Nhưng rõ ràng có thực tế là OTT đang lợi dụng mạng viễn thông của chúng ta. Chúng ta không ngăn chặn OTT bởi đây là sự phát triển của công nghệ nhưng cần nghiên cứu để đưa ra quy định quản lý dịch vụ OTT để các doanh nghiệp cung cấp OTT chia sẻ hạ tầng mạng, chia sẻ thu nhập với mạng viễn thông của chúng ta.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyển thông đã ra Chỉ thị 75 để quản lý thông tin, giao dịch quốc tế qua mạng và thúc đẩy nghiên cứu cách thức quản lý OTT đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

“3G chưa thu hồi vốn nên chưa có 4G”

Về mạng di động 4G, sau 4 năm triển khai phủ sóng 3G thì nay diện phủ sóng gần như cả nước và người dùng tăng mạnh năm 2012 tăng 5 lần so với năm 2011. Có thể đánh giá các nhà mạng không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái và vẫn tăng trưởng khá nhưng khi bàn đến việc nâng cấp mạng di động và triển khai mạng 4G thì Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm cần có thời gian để khai thác hiệu quả hạ tầng đầu tư và khấu hao thiết bị.

So sánh với Thái Lan mới triển khai 3G vào tháng 5/2013 nhưng đã có kế hoạch chính thức cung cấp 4G vào năm 2015. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có chuẩn bị gì để triển khai 4G và khi nào triển khai 4G.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết hiện nay mới chỉ là tiền 4G mà chưa phải là mạng 4G hoàn chỉnh. Thời điểm Việt Nam triển khai 4G sẽ căn cứ vào quy hoạch thị trường viễn thông, từng bước nghiên cứu dịch vụ mới để áp dụng vào Việt Nam.

Tới đây sẽ áp dụng vào 4G vào năm 2015 nhưng còn căn cứ tình hình cụ thể. Hiện Bộ đã cấp phép thử nghiệm tiền 4G. Sở dĩ chưa có 4G là vì khi triển khai 3G nhà mạng đầu tư 2 tỷ USD nhưng mới có 19 triệu thuê bao 3G, chưa đủ thu hồi vốn. Cộng với chưa có 4G hoàn chỉnh nên dự kiến 2015 mới có 4G.

>> Kỳ họp Quốc hội thứ 6 - Nóng bỏng các vấn đề kinh tế