4 sự thật đáng lưu ý trên TTCK Mỹ hiện nay

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Mỹ đang có những biểu hiện bất thường trong mắt của một số nhà quan sát. Dưới đây là bình luận của họ về những biểu hiện này.
4 sự thật đáng lưu ý trên TTCK Mỹ hiện nay

Những nhà tư vấn bỏ qua các nhà đầu tư nhỏ đang bỏ lỡ cơ hội (The Wall Street Journal)

Các nhà tư vấn thường phớt lờ những nhà đầu tư không đạt được yêu cầu tối thiểu về quy mô tài khoản vì những tài khoản đó khó đem lại lợi nhuận. Nhưng vì thế, các nhà đầu tư đang bỏ lỡ mất một mảng lớn trên thị trường, theo báo cáo của Matthias Rieker của The Wall Street Journal.

“Dù sao cũng có ít nhất một lý do rất tốt để nhắm tới các nhà đầu tư nhỏ: đó là một thị trường rộng lớn, và thị trường này chưa được phục vụ thích đáng”, Rieker viết. “Theo hãng nghiên cứu Cerulli Associates, 73% các hộ gia đình Mỹ có tài khoản dưới 100.000 USD, nhưng lại chỉ 15% các nhà tư vấn tập trung vào những nhà đầu tư này”. Tuy nhiên, nhiều người cũng nói rằng, những người ít giàu cũng bắt đầu được chú ý nhờ sự xuất hiện của các nhà tư vấn máy tự động.

Meb Faber: Nhà đầu tư nên đánh giá thị trường và công ty theo giá trị chứ không phải theo giá thị trường

Mebane Faber, người sáng lập và giám đốc đầu tư của Cambria Funds, lấy ví dụ, nếu tính theo giá thị trường thì danh mục của một nhà đầu tư quốc tế có thể có đến 50% giá trị tại Nhật vào cuối những năm 1980 - thời điểm xảy ra một trong những bong bóng lớn nhất lịch sử, trong khi đó, đến nay, giá trị vốn hóa của thị trường Nhật chỉ chiếm 8% thế giới. Để tránh việc định giá quá sai lệch, ông khuyến nghị nhà đầu tư nên tính toán tỷ trọng của một thị trường hoặc một công ty theo giá trị chứ không phải theo giá thị trường.

Kitces: Chạy khỏi nơi ít rủi ro để trú ở nơi rủi ro hơn không phải là cách hay

Tuần trước, một loạt các nhà quản lý tài sản đã hội tụ tại Hội thảo đầu tư Morningstar. Michael Kitces, Giám đốc nghiên cứu kế hoạch tại Pinnacle Advisory Group gây chú ý khi bày tỏ sự lo ngại về phản ứng thái quá của các nhà đầu tư đối với việc lãi suất tăng, khi họ bán tháo trái phiếu và chạy sang cổ phiếu.

“Tháo chạy khỏi nơi mà bạn có thể mất 5% sang một nơi bạn có thể mất đến 45% không phải là một chiến lược quản trị rủi ro hay”, Kitces nói.

Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ chấm dứt khi cuộc suy thoái tiếp theo diễn ra, thậm chí còn khiến thị trường xuống giá tệ hơn nữa (Dr.Ed's Blog)

“Xu hướng lên của chỉ số S&P 500 kể từ tháng 3/2009 được đánh dấu bởi việc các doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của mình và trả cổ tức”, Ed Yardeni viết trong Dr. Ed's Blog. “Từ quý I/2009 đến quý I/2014, các công ty S&P 500 đã mua lại 1.900 tỷ USD cổ phiếu và trả cổ đông 1.300 tỷ USD cổ tức”. Nhưng khi cuộc suy thoái tiếp theo diễn ra, việc mua lại cổ phiếu sẽ biến mất.

“Việc mua lại cổ phiếu là một kiểu sắp đặt tài chính để tăng thu nhập trên một cổ phiếu cho dù các yếu tố cơ bản của công ty có cải thiện hay không. Họ chắc chắn đã đóng góp thêm cho xu hướng tăng cao của thị trường”.

“Khi cuộc suy thoái tiếp theo diễn ra, dòng tiền doanh nghiệp sẽ giảm và các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ ít muốn mua trái phiếu doanh nghiệp. Kết quả là việc mua cổ phiếu quỹ sẽ giảm dần so với thời điểm năm 2008, khiến cho xu hướng đi xuống của thị trường cổ phiếu tệ hơn nữa”.

Tin bài liên quan