5 cách "con đường tơ lụa" mới thay đổi kinh tế toàn cầu

5 cách "con đường tơ lụa" mới thay đổi kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) “One Belt One Road” (OBOR) - “Một vành đai, Một con đường” là tên tiếng Anh từ cụm từ Trung Quốc “yi dai yi lu”, thể hiện kế hoạch táo bạo của Trung Quốc khi chủ trương xây dựng "Con đường tơ lụa mới" cả trên đất liền và trên biển, có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện của nền kinh tế toàn cầu.

Con đường tơ lụa mới

Theo đó, “One belt -  Một vành đai” là Con đường tơ lụa mới về kinh tế trên đất liền, nối liền Trung Quốc với châu Âu thông qua nội địa Trung Quốc, trung tâm châu Á và Trung Đông. Đây chính là bước đi cải tiến đối với Con đường tơ lụa trong huyền thoại, từng là huyết mạch giao thương Á – Âu từ cách đây 2.000 năm, kéo dài từ thủ đô cũ của Trung Quốc cho tới thành Rome.

“One road – Một con đường”, thực chất không phải chỉ con đường truyền thống, mà là một tuyến đường biển. Mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là xây dựng một Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21, nối liền bờ biển Trung Quốc, thông qua nam Á, tới bờ biển Ấn Độ và xa hơn nữa là tới châu Phi và châu Âu.

5 cách "con đường tơ lụa" mới thay đổi kinh tế toàn cầu ảnh 1

 Con đường tơ lụa trên biển

Nhìn chung, OBOR là kế hoạch xây dựng Con đường tơ lụa mới đầy tham vọng, nó không bị giới hạn trong ý nghĩa xây dựng các cở sở vật chất phục vụ giao thương mà chủ yếu hướng tới mục tiêu tạo dựng một mạng lưới kết nối hoạt động ngoại thương, đầu tư, tài chính và tiếp sau đó là du lịch, du học trên toàn cầu.

Để phục vụ kế hoạch này, Trung Quốc cần mạnh tay đầu tư với những con số khổng lồ và có sự hợp tác với nhiều quốc gia trên toàn cầu nơi các tuyến đường này đi qua. Để dễ hình dung, chúng ta cần biết rằng, OBOR sẽ gồm 65 quốc gia có liên quan, 4,4 tỷ người và chiếm 40% GDP toàn cầu.

Trung Quốc đã lập kế hoạch hỗ trợ OBOR từ nhiều nguồn quỹ khác nhau, trong đó, giới chức nước này đã thành lập Qũy Con đường tơ lụa mới với trị giá ban đầu 40 tỷ USD, cam kết đầu tư riêng cho OBOR. Qũy này được tài trợ bởi quỹ dự trữ ngoại tệ Trung Quốc, cũng như các quỹ đầu tư, cho vay khác của Đại lục.

Bên cạnh đó, AIIB, ngân hàng đầu tư mới được Trung Quốc khởi xướng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho sáng kiến với giá trị khoảng 100 tỷ USD, và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ cân nhắc đầu tư gần 900 tỷ USD với hơn 900 dự án liên quan tới 60 quốc gia nhằm thúc đẩy quá trình hình thành tuyến đường. Tờ The Economist cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể chi tới 1.000 tỷ USD cho sáng kiến trên.

Để phục vụ cho kế hoạch này, Trung Quốc cần có sự kết hợp với nhiều quốc gia để xây dựng các con đường, tuyến đường ống dọc theo Pakistan và Burma, xây dựng cảng biển tại các quốc gia như Sri Lanka và Bangladesh, tuyến đường sắt nối liền các thành phố ở phía tây đại lục tới trung tâm châu Á và tới châu Âu cùng nhiều cơ sở hạ tầng cơ bản khác.

Trên thực tế, OBOR là tham vọng rất lớn của Trung Quốc. Kế hoạch này được thiết kế theo chiến lược và mối quan tâm kinh tế của Bắc Kinh trên toàn cầu. Tuy nhiên, Con đường tơ lụa mới sẽ thay đổi về cơ bản thế giới của chúng ta.

Mối quan hệ và giao dịch thương mại giữa khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Á không chỉ trở thành hàng lang kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới mà còn trở thành hành lang đầu tư trực tiếp nước ngoài có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Con đường này sẽ thay đổi các mối quan hệ địa chính trị hiện tại và cả các mối quan hệ địa chính trị tiềm năng trong thời gian tới.

Dưới đây là 5 cách mà Con đường tơ lụa mới sẽ thay đổi nền kinh tế toàn cầu, theo Afshin Molavi*.

Trung Đông và Tây Á

Thuật ngữ “Trung Đông” trở nên phổ biến nhờ Alfred Thayer Mahan, một chiến lược gia hải quân người Mỹ, khi ông cố gắng xác định vùng đất rộng lớn giữa Ấn Độ và châu Âu vào năm 1902. Tuy nhiên, về phương diện thương mại, từ ngữ này không có sức mạnh lớn như “Tây Á”.

5 cách "con đường tơ lụa" mới thay đổi kinh tế toàn cầu ảnh 2

Bao gồm 15 quốc gia, Tây Á có vị trí địa lý chiến lược, nằm trên Con đường tơ lụa từ châu Á sang châu Âu và tiếp giáp với cả 3 châu lục là Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Là khu vực nổi danh bởi các cường quốc dầu mỏ như Ả Rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Iran, Iraq…, các quốc gia Tây Á hiện tại đang tích cực cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, tăng cường tự do hóa thương mại và hội nhập sâu rộng hơn với các nước trên thế giới.

Với dân số khoảng 300 triệu người, mức thu nhập bình quân đầu người vào loại cao trên thế giới, tốc độ đô thị hóa nhanh, Tây Á là khu vực thị trường có sức mua lớn với khả năng thanh toán cao, nhu cầu tiêu thụ mạnh.

Cả 2 khu vực Trung Đông và Tây Á có đủ tiềm năng, sức mạnh để trở thành trung tâm thương mại của thế giới, thay đổi lại cục diện của sự tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Tương lai của giai cấp trung lưu toàn cầu

Có khoảng 2 tỷ người thuộc giai cấp trung lưu ngày này, cho tới năm 2030, số lượng dự báo vào khoảng 5 tỷ người. Một khối lượng khổng lồ những người mới gia nhập vào tầng lớp trung lưu sẽ chủ yếu tới từ các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á. Hiện tại, gần ¾ dân số toàn cầu sinh sống tại châu Phi hoặc châu Á, và theo xu hướng nhân khẩu học tương lai, quá trình này sẽ chỉ có gia tốc thêm.

5 cách "con đường tơ lụa" mới thay đổi kinh tế toàn cầu ảnh 3

 Sân bay quốc tế Dubai

Trong khi dân số tại châu Âu đang suy giảm, dân số tại châu Phi lại gia tăng không ngừng. Vậy nên, khi nhìn vào tương lai của tầng lớp trung lưu trên toàn cầu, chúng ta cần phải nhìn và châu Phi, châu Á và Trung Đông. Đây lại chính là khu vực mà Con đường tơ lụa mới sẽ đi qua, khiến cho con đường này có giá trị, ý nghĩa to lớn đến vậy.

Những thành phố: Cốt lõi của Con đường tơ lụa

Trên toàn cầu, có 1 triệu người mỗi tuần đang di chuyển từ khu vực nông thôn tới khu vực đô thị. Con số này còn lớn hơn rất nhiều đối với Trung Quốc hay tại các nền kinh tế mới nổi khác. Theo rất nhiều cách khác nhau, các thành phố trở thành phong vũ biểu, là động lực cho sức mạnh của nền kinh tế và tên tuổi của các thành phố có thể vượt xa danh tiếng của một quốc gia. Đó là lý do khi được hỏi: “Bạn có muốn đầu tư vào Indonesia không?’, câu trả lời nhận được có thể là: “Tôi không chắc lắm về Indonesia, nhưng Jakarta thì có thể”.

Khi bạn tới khu vực làm thủ tục và khu vực đón tiếp tại Sân bay quốc tế Dubai, bạn sẽ nhìn thấy một tấm bản đồ về Con đường tơ lụa mới. Hiện tại, số chuyến bay xuất phát từ Ấn Độ tới Dubai nhiều hơn số chuyến bay từ Ấn Độ tới tất cả các địa điểm khác trên Trái đất gộp lại.

Châu Phi cũng là một chặng đến phổ biến không kém. Riêng Emirates Airlines đã có tới 25 chuyến bay thẳng tới châu Phi. Theo một cách nào đó, Dubai đã trở thành Miami của châu Phi và là Hong Kong của Ấn Độ.

Bên ngoài Sân bay quốc tế Dubai là Dragon Mart, một trung tâm thương mại cực lớn và là trung tâm bán buôn tất cả các loại hàng hóa Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ Đại lục. Nó có kích cỡ của 7 sân bóng đá và bạn có thể mua mọi thứ với đủ loại số lượng cần thiết -  từ 1 con gấu teddy cho tới 10.000 con.

5 cách "con đường tơ lụa" mới thay đổi kinh tế toàn cầu ảnh 4

 Dragon Mart

Khi đứng tại đây, bạn sẽ thực sự cảm nhận được sức sống của Con đường tơ lụa mới. Tại sao? Bởi tất cả những thương nhân Iran, Syria, châu Phi đều tới Dragon Mart. Họ mua mọi thứ từ trung tâm bán buôn hàng hóa Trung Quốc lớn nhất bên ngoài Đại lục, ngay tại Dubai. Vậy nên, có thể coi Dubai là khu vực trung tâm, nòng cốt đối với mối liên kết Tây Á - Đông Á.

Thượng Hải, Mumbai, Dubai hoặc “goodbye”

Trong thế giới với các mối quan hệ địa lý - thương mại mới, chúng ta cần có mặt tại các trung tâm chính của Con đường tơ lụa mới, tại các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc và các thị trường mới nổi. Hay cụ thể hơn, giới đầu tư cần để mắt tới Thượng Hải, Mumbai và Dubai hoặc không gì cả. Bởi vắng mặt tại đó, đồng nghĩa với việc họ đang bỏ lỡ một trong những câu chuyện tăng trưởng vĩ đại nhất trên thế giới ngày nay.

Mặc dù có khá nhiều lo ngại về thị trường chứng khoán, tiền tệ tại các thị trường mới nổi, thậm chí cả về tính chất bất ổn tại các thị trường này; nhưng khi chúng ta đề cập tới việc đô thị hóa, nhân khẩu học, dân số, tốc độ tăng trưởng tại các mối liên kết thương mại nam - nam địa cầu và thị trường mới nổi với thị trường mới nổi, chắc rằng chúng ta vẫn nhận ra sự tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực này, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ dọc theo Con đường tơ lụa mới, nơi kết nối Trung Đông, châu Phi và châu Á.

Thay đổi không thể tránh khỏi

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự thay đổi là điều hiển nhiên, và mọi việc thay đổi ở tốc độ chóng mặt. Trong đó, tất cả những gì chúng ta cần chú ý tới là sự trỗi dậy của các quốc gia Ả Rập. Vladimir Ilyich Lenin từng nói rằng, đôi khi cả thập kỷ trôi đi và chẳng có điều gì xảy ra, và đôi khi đột nhiên, một tuần trôi qua và sự thay đổi cứ như là một thập kỷ. Có lẽ Lenin đã linh cảm trước được thời đại của mạng xã hội, internet và Facebook, bởi thực sự, chúng ta đang trải qua sự thay đổi của một thập kỷ chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng. Đó không chỉ là sự thay đổi về chính trị, nó còn là sự thay đổi về công nghệ.

Điều này khiến việc lập các kế hoạch trở nên khó khăn hơn, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta cần quay lại với những điều cơ bản. Trong số đó, nhân khẩu học là một trong những yếu tố cần coi trọng. Đô thị hóa là yếu tố thứ hai. Và nếu bạn muốn theo dấu vết địa - kinh tế, một trong những yếu tố giúp đầu tư đúng đắn đó là theo bước sự tăng trưởng của giai cấp trung lưu, mà như đã đề cập ở trên, được dự báo sẽ tăng từ 2 tỷ USD lên 5 tỷ USD cho tới năm 2030.

5 cách "con đường tơ lụa" mới thay đổi kinh tế toàn cầu ảnh 5

Afshin Molavi

Afshin Molavi, chuyên gia phân tích rủi ro địa chính trị và kinh tế, tập trung vào 4 yếu tố định hình tương lai gồm: sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang nổi; rủi ro địa chính trị và kinh tế Trung Đông, sự bùng nổ của mối liên kết thương mại Nam – Nam địa cầu và chính sách kinh tế, an ninh, ngoại giao của Mỹ.

Afshin Molavi đồng thời là Giám đốc Sáng kiến các nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng toàn cầu tại Đại học Johns Hopkins và là Nhà tư vấn cấp cao toàn cầu tại Oxford Analytica.

Tin bài liên quan