5 công ty đầu mối chiếm 88% thị phần cung ứng xăng dầu, VESS nêu giải pháp để tăng tính cạnh tranh trên thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Việt Nam, riêng nhóm 5 công ty đầu mối đã chiếm hơn 88% thị phần cung ứng xăng dầu. Do đó, cần thay đổi các quy định để gia tăng tính cạnh tranh, nhằm mang lại lợi ích tốt hơn về giá và chất lượng với bán lẻ xăng dầu.

Quan điểm trên đã được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết tại buổi Công bố Kết quả nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” được tổ chức sáng ngày 27/6 tại Hà Nội.

Thông qua nghiên cứu và tìm hiểu các đặc điểm chính của thị trường xăng dầu Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã có cái nhìn tổng quan về thị trường này. Các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh. Tuy nhiên, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, với nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.

Các quy định kiểm soát chặt chẽ cấu trúc của chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp mà do điều kiện lịch sử đã bao trùm cả chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ.

Điều này làm giảm sức hút gia nhập trên các phân đoạn thị trường cũng như tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng một phân đoạn hoặc trên toàn bộ thị trường. Hệ quả là thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã thấy trong một số diễn biến gần đây. Như vậy, mục đích chính của quản lý thị trường đã không đạt được.

Tại thị trường Việt Nam, riêng nhóm 5 công ty đầu mối đã chiếm hơn 88% thị phần cung ứng xăng dầu.

Thị phần thị trường xăng dầu Việt Nam 2022

Thị phần thị trường xăng dầu Việt Nam 2022

Nhiều rào cản gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu, trong đó có tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hệ thống bán lẻ. Cụ thể, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng trên tuyến đường. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại quy định tại mục 2.6.11, QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng, rằng các cửa hàng xăng dầu phải có khoảng cách tối thiểu là 300 m, nhằm đảm bảo an toàn lao động và quy hoạch thị trường.

Tuy nhiên, điều này góp phần ngăn cản sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp bán lẻ, giảm tính cạnh tranh.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), ông Nguyễn Đức Thành cho biết thêm, theo quy định hiện hành, thương nhân đầu mối phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của tổng đại lý/đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.

Hệ quả là doanh nghiệp đầu mối có khuynh hướng ưu tiên phân phối cho các đơn vị cấp dưới thuộc sở hữu của mình để giảm rủi ro chịu trách nhiệm. Từ đó tạo rào cản gia nhập thị trường với doanh nghiệp, đại lý và thương nhân nhận quyền mới.

Một vấn đề khác là tổng đại lý/đại lý, thương nhân nhận quyền chỉ được mua xăng dầu từ một nguồn cung duy nhất. Điều này làm giảm tính cạnh tranh giữa các bên cung xăng dầu (bán buôn) đối với doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời giảm vị thế trong kinh doanh của bên bán lẻ trong đàm phán với các bên cung xăng dầu và tạo rủi ro thiếu hàng khi nguồn cung cấp gặp vấn đề.

“Tổng đại lý, thương nhân nhận quyền muốn đổi nguồn cung cấp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính như lập mới từ đầu sau khi bán hết hàng cũ…, tạo nên rủi ro đứt gãy hoạt động kinh doanh”, đại diện VESS cho biết và đưa kiến nghị cần thay đổi chính sách liên quan, cho phép doanh nghiệp bán lẻ có thể mua xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Điều này gia tăng tính cạnh tranh về giá và chất lượng của xăng dầu bán lẻ.

“Do thực tế lịch sử, có những doanh nghiệp chi phối chuỗi cung ứng trên tất cả các phân đoạn thị trường, nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp đó có thể duy trì hiệu quả trên mọi phân đoạn. Vì vậy, cần loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường cho mỗi phân đoạn, không dùng các điều kiện ràng buộc ở phân đoạn này để cản trở sự tham gia ở phân đoạn khác”, nghiên cứu của VESS nhận định.

Để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể, bao gồm: (1) nên xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ xây dựng để tăng tính cạnh tranh cho thị trường; (2) quy rõ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho các bên tham gia trong thị trường; (3) sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh trong giá/chất lượng xăng dầu bán lẻ giữa các doanh nghiệp với nhau, gián tiếp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước.

Tin bài liên quan