Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

5 năm thực hiện, mất 2 năm dịch bệnh, nhiều cơ chế đặc thù cho TP. HCM chưa có thời gian phát huy

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

1 năm chuẩn bị, 2 năm dịch bệnh

Nhìn tổng thể, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn...

Báo cáo Quốc hội trong phiên làm việc sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cho biết, về khách quan, các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 thì Thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai, 2 năm qua Thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nên thực tế Thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Song chủ quan, Báo cáo của Chính phủ xác định, khi xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách, Thành phố gặp phải khó khăn, thách thức phát sinh, chẳng hạn trong việc xây dựng cơ chế chính sách mới về thu ngân sách.

Công tác triển khai một số nội dung thuộc trách nhiệm của Thành phố chậm, như cổ phần hóa, thu hút nhân tài... Bên cạnh đó, sự quan tâm phối hợp của các cơ quan Trung ương còn hạn chế (chẳng hạn trong việc sắp xếp nhà đất trên địa bàn Thành phố).

Thu cổ phần hóa không đạt do vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất

Cụ thể, đối với việc hưởng số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hiện tại TP. HCM phải tạm dừng triển khai các bước tiếp theo đến công việc cổ phần hóa, vướng mắc chủ yếu liên quan đến phương án sử dụng đất của doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, theo đó TP. HCM thực hiện cổ phần hóa đối với 38 doanh nghiệp.

Trong báo cáo của Chính phủ, hiện nay, UBND Thành phố đang rà soát đề xuất của các doanh nghiệp theo đặc thù của Thành phố và tình hình hoạt động của doanh nghiệp để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Sau khi Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố sẽ khẩn trương triển khai việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do Thành phố quản lý nhằm tạo nguồn thu ngân sách phục vụ đầu tư phát triển.

Về nguồn thu hồi vốn, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu đến nay, cơ chế này cũng chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thực tế thu được từ số dư của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của các Tổng công ty do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu nộp ngân sách Thành phố là 1.786,6 tỷ đồng (năm 2018 là 1.674 tỷ đồng và năm 2019 là 112,6 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Nghị định số 148/2021/NĐ-CP về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, đã quy định khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương nộp vào NSTW; khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương nộp vào NSĐP. Như vậy, cơ chế này đã được áp dụng chung cho tất cả các địa phương trong cả nước.

Đề nghị tiếp tục nhiều cơ chế dù chưa triển khai được

Đối với việc sử dụng ngân sách Thành phố ứng vốn ngân sách Thành phố thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn Thành phố thuộc nhiệm vụ chi của NSTW, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay chưa triển khai thực hiện cơ chế này.

Tuy nhiên, Thành phố kiến nghị tiếp tục cho phép triển khai cơ chế ứng vốn cho các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của NSTW để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn Thành phố.

Tương tự, Thành phố chưa phát sinh 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý.

Từ khi Nghị quyết số 54/2017/QH14 có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/01/2018) thì chỉ có 02 cơ sở nhà, đất thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP. HCM được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng đến nay 02 cơ sở nhà, đất chưa thực hiện được việc bán.

Do đó, Thành phố chưa phát sinh 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý.

Theo đánh giá của Thành phố, cơ chế này cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra, song Thành phố kiến nghị tiếp tục cho Thành phố được hưởng nguồn thu từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trong việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất.

Chính phủ kiến nghị với Quốc hội:

1. Thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

2. Cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

3. TP. HCM đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, báo cáo Bộ Chính trị cho phép Thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong thời gian tới.

Tin bài liên quan