7 cổ phiếu gây thất vọng

7 cổ phiếu gây thất vọng

Tháng 7, thị trường đón nhận một đợt sóng tăng khá mạnh bắt nguồn từ kết quả kinh doanh quý II tích cực ngoài sự mong đợi của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số này vẫn có rất nhiều cổ phiếu gây thất vọng và phẫn nộ cho nhà đầu tư.
LAF. Nằm trong chuỗi suy giảm của thị trường, LAF là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất. Những rò rỉ về kết quả kinh doanh be bét ở quý II đã kéo giá cổ phiếu này sụt giảm từ cuối tháng 6. Tính riêng tháng 7, cổ phiếu LAF đã giảm gần 30% giá trị từ 10.700 đồng xuống còn 7.300 đồng/cp. Đặc biệt, từ 24/7 đến 30/7, LAF có 5 phiên giảm sàn liên tục.
Giao dịch cổ phiếu LAF trong 3 tháng qua
Chính kết quả kinh doanh lỗ nghiêm trọng trong quý II/2012 với gần 89 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ ở hai quý trước đó là 41,3 tỷ đồng và 35,7 tỷ đồng, là kết quả gây sốc cho nhà đầu tư khi những năm trước đây LAF luôn là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả với lợi nhuận đột biến.
Trước kết quả kinh doanh này, công ty cho biết, do giá nhân xuất khẩu giảm 30% so với cùng kỳ và chi phí nguyên liệu rất cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận quý II/2012. Đồng thời, LAF còn phải trích lập bổ sung gần 27 tỷ đồng dự phòng giảm giá nguyên liệu tồn kho, nâng tổng giá trị dự phòng tính đến hết tháng 6 là 67,8 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất của LAF, Đvt: triệu đồng
TSC. Tiếp nối đà giảm mạnh trong tháng 5 và 6, TSC giảm thêm 14% xuống chỉ còn 8.000 đồng/cp trong tháng 7, thanh khoản khá thấp với khoảng vài chục ngàn đơn vị mỗi phiên.
Giao dịch cổ phiếu TSC trong 3 tháng qua
Việc TSC báo lỗ ròng gần 21 tỷ đồng quý thứ 3 liên tiếp khiến nhà đầu tư dần mất kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng của công ty trong năm nay. Và điều này dẫn đến hiện tượng bán ra ồ ạt.
Theo TSC, việc công ty tiếp tục báo lỗ trong quý II/2012 là do sức tiêu thụ hàng hóa yếu, giá cả biến động thất thường theo xu hướng giảm là chủ đạo và chi phí tài chính cao.
Kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất của TSC, Đvt: triệu đồng
PSG có thể được xem là doanh nghiệp làm ăn bê bết nhất trong họ dầu khí. Giá cổ phiếu này đã sụt giảm hơn 50% trong vòng 3 tháng trở lại đây. Riêng tháng 7, PSG giảm 14.81% xuống chỉ còn 2.400 đồng/cp với hàng chục phiên giảm sàn. Thanh khoản đạt từ vài chục ngàn đến hơn 100 ngàn đơn vị mỗi phiên. Tuy nhiên, ít ngày trước khi công bố kết quả kinh doanh quý II, PSG đã có 4 phiên tăng trần liên tục từ 17 – 20/7.
Kết quả kinh doanh lỗ triền miên, âm hơn 32 tỷ đồng trong quý II/2012 và 6 tháng đầu năm lỗ ròng 64 tỷ đồng khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
Từ đầu năm đến nay, cổ đông lớn của PSG là Petroland và các cổ đông chủ chốt lại lần lượt thay nhau bán cổ phiếu với khối lượng hàng triệu đơn vị.
Kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất của PSG
PTC. Hoạt động kinh doanh lỗ, đầu tư tràn lan kém hiệu quả, cổ phiếu giảm sàn liên tục là tình cảnh của PTC trong nửa cuối tháng 7.
Trước đó, ở nửa đầu tháng 7, PTC tăng giá khá tích cực, thậm chí có nhiều phiên tăng kịch trần từ 8.800 đồng/cp vọt lên 10.500 đồng/cp vào ngày 20/7. Và từ 21/7 trở đi, giá cổ phiếu này trượt dài, chỉ còn 8.000 đồng/cp tính đến hết ngày 31/7/2012.
Giao dịch cổ phiếu PTC trong 3 tháng qua
Báo cáo mới đây của PTC cho thấy, dù chỉ mới công bố kết quả kinh doanh của công ty mẹ nhưng công ty đã ghi nhận mức lỗ đến hơn 24 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ ở quý trước và quý cùng kỳ.
Cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT công ty ra quyết định về việc chào bán tài sản Khu Ngọc Liệp – Quốc Oai – Hà Nội với giá trị thẩm định hiện tại là 77 tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động tái cấu trúc toàn diện và xử lý toàn bộ tài sản tại Nhà máy Vật liệu Viễn thông 1 để đảm bảo phát huy dòng vốn đã được ĐHCĐ 2012 của PTC thông qua.
Kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất của PTC
DLG. Không còn đình đám như hồi tháng 6, cổ phiếu DLG trong tháng 7 tiếp tục gánh chịu làn sóng thoái vốn ồ ạt của nhà đầu tư trước những cuộc “đào thoát” ngoạn mục được thực hiện bởi những lãnh đạo chủ chốt của công ty này.
Giao dịch cổ phiếu DLG trong 3 tháng qua
Những hành động bắt đáy của nhà đầu tư trước đây đều trở thành vô vọng. Trong tháng 7, giá cổ phiếu tiếp tục giảm thêm khoảng 22%, còn 6.200 đồng/cp, mức thấp chưa từng có. Cổ phiếu này đã mất hơn 70% giá trị trong 3 tháng gần đây.
Kết quả kinh doanh quý II của DLG cũng khiến nhà đầu tư thất vọng với vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 55% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ DLG đạt trên 10 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ bằng 48% cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất của DLG
BGM. Gây tiếng vang khá lớn trong tháng 7 còn có cổ phiếu BGM, thuộc nhóm đầu cơ ngành khoáng sản.
Trong khi nhiều mã khác cùng ngành rơi vào cảnh ảm đạm, BGM vẫn có giao dịch sôi động với vài trăm ngàn đơn vị mỗi phiên. Liên tục có những phiên tăng trần và giảm sàn, nhưng tựu chung trong tháng 7, BGM vẫn giảm khoảng 12,5% từ 6.400 đồng tụt xuống 5.600 đồng/cp.
Giao dịch cổ phiếu BGM trong 3 tháng qua
Là một cổ phiếu đầu cơ nên dường như kết quả kinh doanh của BGM ít dành được sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong quý II, công ty có lợi nhuận vỏn vẹn 1,79 tỷ đồng.
Mới đây, BGM bị Sở GDCK TPHCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo do công ty tạm ngừng hoạt động kinh doanh chính. Dây chuyền sản xuất tại nhà máy gặp nhiều trục trặc và vận hành không đồng bộ, chưa đủ điều kiện sản xuất . Vì vậy, công ty phải ngưng sản xuất để khắc phục sự cố kỹ thuật, hoàn chỉnh lại các công trình, bảo dưỡng máy móc...
Kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất của BGM
PVX. Không giảm sàn ồ ạt và liên tục như các cổ phiếu khác, nhưng PVX lại tạo cho nhà đầu tư nhiều cảm xúc bởi đây là một trong những mã dẫn dắt thị trường.
Giao dịch cổ phiếu PVX trong 3 tháng qua
Trong tháng 7, PVX mất 12,5% giá trị từ 9.600 đồng/cp rớt xuống còn 8.400 đồng/cp. Giao dịch bình quân lên tới gần 4 triệu cổ phiếu/ngày, đứng thứ hai thị trường sau VND. Cá biệt có phiên, PVX đạt hơn 11,5 triệu đơn vị khớp lệnh diễn ra vào ngày 19/07 đồng thời giá tăng kịch trần lên 9.800 đồng/cp, chỉ vài ngày trước khi kết quả kinh doanh quý II của công ty mẹ được công bố.
Rất nhiều nhà đầu tư đã “mắc bẫy” khi tham gia đua trần vào ngày 19/07. Đến 23/07, PVX công bố mức lỗ của công ty mẹ trong quý II lên đến gần 300 tỷ đồng. Một con số bất ngờ đến nỗi nhà đầu tư đua nhau bán tháo ngay ngày hôm sau. Kết quả, PVX giảm sàn chỉ còn 8.900 đồng/cp, lượng xả hàng đạt gần 9,34 triệu đơn vị. Một ngày sau đó (25/07), lượng bán ra vẫn còn xấp xỉ 6,5 triệu đơn vị và giá của PVX giảm thêm 4,49% còn 8.500 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất của PVX