Chung tay cùng khách hàng cũng là cách ngân hàng “tự cứu mình”.

Chung tay cùng khách hàng cũng là cách ngân hàng “tự cứu mình”.

ACB hướng đến khách hàng, tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành ngân hàng nhanh chóng vào cuộc tái cơ cấu nợ, hy sinh lợi nhuận, giảm lãi vay cho khách hàng. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh số hóa và nguồn thu ngoài lãi, nhất là kinh doanh bảo hiểm nên đã giữ được đà tăng lợi nhuận của ngành nói chung, ACB nói riêng trong năm 2021.

Chung tay vượt “bão” Covid

Để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, đồng thời cũng giúp ngân hàng để có thể thu hồi được nợ gốc, các ngân hàng đã giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay kể từ 15/7/2021. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tính từ ngày 15/7 đến 30/10/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng thương mại là hơn 15.500 tỷ đồng, đạt 75% so với cam kết.

Thực tế, các ngân hàng đã không ngừng đẩy mạnh vốn tín dụng giá rẻ ra thị trường. ACB dành 10.000 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất - kinh doanh khi kinh tế mở cửa.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng luôn mong muốn đồng hành với khách hàng để nắm bắt các cơ hội kinh doanh, phục hồi mạnh mẽ sau thời gian gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay này được tập trung cho vay sản xuất - kinh doanh dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Lãi suất cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp là từ 5%/năm và hộ kinh doanh từ 6%/năm. Các gói cho vay được thiết kế phương thức, chu kỳ trả nợ phù hợp giúp khách hàng có thể thích ứng tốt nhất với tình hình kinh doanh hiện nay.

Nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện vay vốn trong mùa dịch, ACB phát triển tính năng giải ngân online dành cho khách hàng doanh nghiệp chỉ trong 3 phút, không cần đến ngân hàng.

Để sử dụng tính năng này, khách hàng doanh nghiệp ký với ACB hợp đồng sử dụng dịch vụ và sử dụng chữ ký điện tử để ký nhận tiền vay. Khi có nhu cầu giải ngân, khách hàng chủ động đăng nhập ACB Online để lập đề nghị giải ngân, sau đó ký xác nhận bằng chữ ký điện tử. Sau khi hệ thống kiểm tra, ACB thực hiện giải ngân theo yêu cầu, đồng thời gửi xác nhận “Giải ngân thành công” qua tin nhắn, email, SMS mà khách hàng đăng ký.

Giải ngân qua ACB Online với tiện ích vượt trội, quy trình 3 bước đơn giản, xử lý 100% tự động, toàn bộ thời gian chưa đầy 3 phút, ACB đồng hành cùng khách hàng vượt trở ngại trong thời gian giãn cách và hướng tới việc giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng trong thời đại chuyển đổi số.

Cùng thực hiện mục tiêu miễn, giảm phí, ACB đã triển khai gói ưu đãi “ACB không phí” dành cho khách hàng doanh nghiệp giao dịch qua các kênh online. Theo đó, Ngân hàng miễn, giảm 100% phí dịch vụ tài chính khi khách hàng doanh nghiệp giao dịch trực tuyến qua ACB Online,

ACB Business Banking (ACB BBB) và ACB Business App. Những loại phí được miễn, giảm 100% gồm phí chuyển khoản trên kênh online; phí chi lương online. Ngoài ra, ACB miễn phí rút, nộp tiền ATM/CDM và hoàn tiền tối đa 1% khi sử dụng thẻ dành cho khách hàng cá nhân, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí.

ACB cho hay, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, ACB phải đóng cửa hơn 2/3 số phòng giao dịch tại TP.HCM – địa phương nằm trong tâm dịch, nhưng nhờ hệ thống hàng trăm máy ATM, CDM và đẩy mạnh kênh giao dịch trực tuyến, hệ thống ACB vẫn hoạt động bình thường.

Duy trì được đà tăng lợi nhuận

ACB cho biết, nợ tái cơ cấu của Ngân hàng đã tăng mạnh từ 8.200 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2021 lên 13.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2021. Quý III/2021, lợi nhuận của ACB đi ngang, chỉ đạt 2.616 tỷ đồng, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng tới 27,8% so cùng kỳ, với phần lớn các mảng kinh doanh đều tăng trưởng khá tốt. Nguyên do là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này tăng tới 4 lần so với cùng kỳ.

Nhìn chung, các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong quý III/2021 đều cho kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, thu lãi thuần từ hoạt động chính đem về cho Ngân hàng 4.520 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 29%, đạt gần 636 tỷ đồng...

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB tăng 66% so với cùng kỳ, đạt hơn 11.780 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 67%, đạt gần 2.147 tỷ đồng… Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 11.780 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ.

Chi phí hoạt động của ACB trong 3 quý đầu năm nay chỉ tăng 1% so cùng kỳ, với hơn 5.812 tỷ đồng. ACB phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.812 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021.

ACB cũng đã giảm lãi suất cho khách hàng ảnh hưởng dịch tổng số tiền là 203 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 150.566 tỷ đồng cho 93.975 khách hàng. Tuy vậy, lãi trước thuế và sau thuế 9 tháng vẫn tăng 40% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 8.968 tỷ đồng và 7.174 tỷ đồng.

Năm 2021, ACB đặt mục tiêu lãi trước thuế 10.602 tỷ đồng. Như vậy, ACB đã thực hiện được 85% chỉ tiêu sau 9 tháng đầu năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của ACB tăng 8% so với đầu năm, lên mức 479.309 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước gấp 2 lần đầu năm, đạt 33.532 tỷ đồng; cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 32%, còn 5.707 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của ACB chững lại trong 9 tháng đầu năm nay khi chỉ tăng 8%, đạt 336.491 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.

Trong báo cáo cập nhật về ACB mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect đã nâng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng này lên 12.848 tỷ đồng, tăng 17,7% so với dự báo trước đó và tăng 34% so với năm 2020.

Trong hai năm 2022 và 2023, VNDirect tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận thêm lần lượt là 19,5% và 23,4% lên mức 15.094 tỷ đồng và 18.053 tỷ đồng.

Dự báo này được VNDirect đưa ra dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt mức 16% (so với dự báo cũ là 12%) trong giai đoạn 2021 - 2023, phản ánh tăng trưởng tín dụng đạt gần 10% của Ngân hàng nửa đầu năm nay.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng trong 6 năm gần nhất của ACB luôn đạt từ 16% trở lên. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng, với lãi suất cho vay thấp hiện tại và sự phục hồi kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng. Song song, chi phí dự phòng cũng sẽ tăng theo do là một phần của hoạt động cho vay.

VNDirect cũng nâng dự báo biên lãi ròng (NIM) của ACB sẽ tăng thêm 0,27 điểm phần trăm (dự báo cũ là 0,16 điểm phần trăm) trong giai đoạn 2021 - 2023. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi (LDR) được kỳ vọng tăng sẽ giúp nâng cao lợi suất tài sản trong khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện sẽ giúp giảm chi phí vốn.

Đặc biệt, VNDirect dự báo, thu nhập từ phí dịch vụ (NFI) của ACB sẽ tăng 54,2% so với mức giảm 10,6% vào năm 2020 nhờ vào hợp đồng bancassurance với Sun Life Việt Nam (với ước tính phí trả trước 370 triệu USD sẽ được phân bổ đều trong 15 năm).

Ngoài ra, VNDirect nhận định, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống mức 44% so với dự báo cũ là 47% cho giai đoạn tới, nhằm phản ánh thực tế cải thiện hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí của ACB. Năm 2022, Ngân hàng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các chi nhánh/phòng giao dịch chưa đạt hiệu suất mong muốn và duy trì ổn định đội ngũ nhân sự, giúp giảm mức tăng trưởng chi phí hoạt động.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm đối với ba ngân hàng Việt Nam gồm: VietinBank, Vietcombank và ACB. Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ACB từ mức B+ lên BB0 với triển vọng ổn định, đồng thời nâng xếp hạng sức mạnh độc lập (VR) từ b+ lên bb-. Cùng với đó, Fitch đánh giá xếp hạng hỗ trợ của Chính phủ (GSR) của VietinBank và Vietcombank ở mức bb- và của ACB là b.

Tin bài liên quan