ADB và EMA thúc đẩy năng lượng sạch tại ASEAN

ADB và EMA thúc đẩy năng lượng sạch tại ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) của Singapore đã ký biên bản ghi nhớ mở đường cho việc phát triển sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời hỗ trợ thành lập Lưới điện ASEAN.

Sự hợp tác sẽ liên quan đến việc chia sẻ chuyên môn và thực tiễn tốt nhất trong các lĩnh vực như hợp tác khu vực, quan hệ đối tác công-tư, cấu trúc và tài trợ dự án.

Biên bản ghi nhớ cũng trao quyền cho ADB sử dụng toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ của mình để hỗ trợ các quốc gia ASEAN và các nhà tài trợ dự án trong việc thực hiện và quản lý rủi ro của các dự án năng lượng sạch trong khu vực.

Ông Ahmed M. Saeed, Phó Chủ tịch ADB phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết: “Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đòi hỏi sự hợp tác có tác động mạnh mẽ trong ASEAN và nhiều nguồn tài chính khác nhau. Đầu tư vào năng lượng sạch không chỉ đưa chúng ta đến con đường hướng tới mục tiêu Net Zero, mà còn gia tăng triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững”.

Giám đốc điều hành EMA, ông Ngiam Shih Chun bổ sung: “Sự hợp tác này sẽ kết hợp chuyên môn và nguồn lực của EMA và ADB để mở rộng hơn nữa tiềm năng điện các-bon thấp để cung cấp năng lượng cho khu vực, đồng thời thúc đẩy nỗ lực khử cac-bon trong ngành điện của chúng ta thông qua nhập khẩu điện các-bon thấp”.

Vào tháng 10/2021, EMA đã công bố kế hoạch nhập khẩu tới 4 gigawatt điện các-bon thấp vào năm 2035, tương đương 30% tổng nguồn cung của Singapore, như một phần trong kế hoạch khử các-bon trong ngành năng lượng.

Theo kế hoạch này, việc yêu cầu đề xuất đang diễn ra đã thu hút được hơn 20 đề xuất từ sáu quốc gia, đề xuất cung cấp công suất nhập khẩu kết hợp hơn 10 gigawatt. Singapore cũng đã tham gia nhiều thỏa thuận hợp tác năng lượng với các quốc gia có nguồn cung, bao gồm Úc, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Việt Nam, để khám phá tiềm năng xuất khẩu điện sang Singapore.

Là ngân hàng khí hậu của châu Á và Thái Bình Dương, ADB đã nâng tham vọng cung cấp 100 tỷ USD tài trợ khí hậu trên toàn khu vực từ năm 2019 đến năm 2030, đồng thời hỗ trợ một loạt sáng kiến giúp các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp và xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Tin bài liên quan