AEC: Cơ hội nào cho các ngân hàng Việt?

AEC: Cơ hội nào cho các ngân hàng Việt?

(ĐTCK) Cộng đồng Kinh tế các nước ASEAN (AEC) được thành lập đem đến nhiều cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam, nhưng thách thức mà các nhà băng nội phải đối mặt cũng rất lớn.

Hướng đến một ASEAN “không biên giới”

Tháng 1/2007, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12, các nước thành viên ASEAN đã đồng thuận sẽ xây dựng AEC vào năm 2015 với mục đích biến ASEAN thành một khu vực tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và dòng vốn luân chuyển tự do. AEC sẽ được xây dựng dựa trên một khu vực tài chính hợp nhất để tăng cường hội nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

AEC: Cơ hội nào cho các ngân hàng Việt? ảnh 1

AEC mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức với các ngân hàng Việt (Ảnh minh họa)

Mô hình này giống như Liên minh châu Âu (EU) và được đánh giá là hợp lý với một khu vực phát triển năng động như ASEAN. Tuy nhiên, quá trình xây dựng sẽ là cả một chặng đường dài, bởi dù có những tương đồng nhất định, nhưng cơ cấu, quy mô và trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia có sự khác biệt rất lớn (GDP danh nghĩa năm 2009 của Indonesia la 546,5 tỷ USD, cao hơn 100 lần so với GDP của CHDCND Lào với 5,6 tỷ USD). Ngoài ra, quan hệ mậu dịch giữa các nước trong khu vực ASEAN cũng chưa phát triển khi chỉ chiếm 24,5% tổng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực (năm 2009).

Trình độ phát triển thị trường tài chính cũng rất khác nhau, đặc biệt về quy mô tài sản ngân hàng và mức vốn hóa thị trường. Năm 2009, tổng tài sản trung bình của một ngân hàng Singapore và Malaysia là khoảng 15 tỷ USD, của Thailand là 10 tỷ USD, trong khi tại các quốc gia khác vào khoảng 3 tỷ USD. Trong khu vực ASEAN, chỉ có 3 ngân hàng của Singapore và 1 ngân hàng của Malaysia lọt vào top 100 ngân hàng hàng đầu thế giới về giá trị vốn hóa thị trường.

 

Bảng 1 - Một số chỉ số cơ bản ngành ngân hàng của các quốc gia ASEAN

 

Quốc gia

Singapore

Việt Nam

Inđônêsia

Thái Lan

Philippines

Lào

Số ngân hàng/triệu dân

23,2

0,5(*)

2,0

2,2

2,6

4,3

Tài sản trung bình/1 ngân hàng

15,0

3,7

3,4

10

4,2

0,2

Mức vốn hóa thị trường/GDP 2012

96,8

37,4

427

383

223

0,01

Mức độ sử dụng ngân hàng

80%

20%

20%

60%

27%

n/a

Nguồn: Tổng hợp

(*) Chỉ tính các NHTM có trụ sở chính tại Việt Nam

 

Ngoài ra, trình độ phát triển của các tổ chức tín dụng cũng khác nhau rất lớn. Tại các nước ASEAN 5 bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, thị trường ngân hàng tài chính phát triển khá đầy đủ, bao gồm (i) các ngân hàng thương mại và các ngân hàng chuyên ngành như ngân hàng đầu tư; (ii) các tổ chức tài chính phi ngân hàng; và (iii) các định chế hoạt động trên thị trường vốn. Trong khi đó, tại các quốc gia còn lại, các tổ chức tài chính phi ngân hàng và các định chế hoạt động trên thị trường vốn mới ở giai đoạn đầu phát triển, đặc biệt Myanmar hiện vẫn chưa có sàn giao dịch chứng khoán và mới phát hành thẻ tín dụng nội địa đầu tiên trong lịch sử vào năm 2013. Trình độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình.

Dù quá trình hội nhập là tất yếu, tuy nhiên, theo các chuyên gia, ASEAN có thể xây dựng một lộ trình thích hợp, phù hợp với trình độ phát triển của nền tài chính mỗi nước.

Ông Dominic Mellor, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, các nước ASEAN có thể thương lượng và thực hiện các cam kết tự do hóa ở mức độ khác nhau. Ví dụ như trong hoạt động thương mại, các nước nhỏ có lộ trình giảm thuế quan dài hơn và điều này cũng có thể được thực hiện với ngành dịch vụ tài chính.

 

Cơ hội nào cho các ngân hàng Việt?

Tính đến năm 2010, không một ngân hàng thương mại nào có trụ sở chính tại các nước ASEAN có chi nhánh hay văn phòng đại diện ở tất cả các nước thành viên ASEAN. Trong khi đó, các ngân hàng toàn cầu như Standard Chartered, HSBC, Citibank... đã có mặt rộng rãi trong khu vực. Standard Chartered đã có chi nhánh tại 7 nước thành viên và văn phòng đại diện tại 3 nước còn lại. Citibank và HSBC cũng đã có chi nhánh và văn phòng đại diện tại 7 nước thành viên.

Với các ngân hàng Việt Nam, hiện mới chỉ đặt chân đến các thị trường trên bán đảo Đông Dương. Tại Lào, mới chỉ có 4 ngân hàng Việt Nam có mặt bao gồm Vietinbank, BIDV, Ngân hàng Quân Đội và Sacombank. Tại thị trường Campuchia, có 5 ngân hàng bao gồm Ngân hàng Quân Đội, Sacombank, BIDV, SHB, Agribank. Tại thị trường tiềm năng Myanmar, mới chỉ có duy nhất BIDV có văn phòng đại diện và tại thị trường phát triển nhất khu vực là Singapore mới chỉ có duy nhất Vietcombank có văn phòng đại diện.

Bảng 2 - Mạng lưới các NHTM Việt Nam tại ASEAN

 

Ngân hàng

Chi nhánh

VP đại diện

Các nước còn lại trong ASEAN

Laos

Cam

Myan

Sing

Vietinbank

x

     

Không

Vietcombank

     

x

Không

MBBank

x

x

   

Không

Sacombank

x

x

   

Không

BIDV

x

x

x

 

Không

Agribank

 

x

   

Không

SHB

 

x

 

 

Không

Nguồn: Tổng hợp từ website các ngân hàng

 

Một khi AEC được hình thành, nó sẽ tạo ra những cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam mở rộng mạng lưới hoạt động của mình ra cả thị trường ASEAN với chi phí thấp hơn nhiều hiện nay. Tuy nhiên, sự thâm nhập sâu của các ngân hàng nước ngoài, nhất là các ngân hàng ở các quốc gia ASEAN 5 với thế mạnh về nguồn vốn, mạng lưới, đa dạng về sản phẩm sẽ làm cho thị trường ngân hàng nội địa bão hòa và tạo áp lực cạnh tranh gay gắt đối với các ngân hàng trong nước, vốn có nguy mô nhỏ và nghèo về sản phẩm.

Vì thế, nếu không có những bước đi cụ thể và nhanh chóng, cả về nguồn lực tài chính, năng lực quản lý và hệ thống mạng lưới để chuẩn bị cho hội nhập, các ngân hàng Việt Nam có thể sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng khu vực và ngân hàng toàn cầu trên thị trường khu vực và thậm chí ngay cả tại thị trường nội địa.

Theo quan điểm của người viết, các ngân hàng Việt Nam nê hợp tác với các tập đoàn tài chính toàn cầu hay các ngân hàng trong khu vực như DBS, OCBC hay Maybank… để tồn tại và phát triển.

Đàm Nhân Đức

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Quản trị chiến lược của Techcombank

(Bài viết chỉ phản ánh quan điểm riêng của tác giả)