Tổng dư nợ nền kinh tế của Agribank đến nay đạt hơn 1 triệu tỷ đồng

Tổng dư nợ nền kinh tế của Agribank đến nay đạt hơn 1 triệu tỷ đồng

Agribank: Chủ động dành nguồn vốn đẩy lùi “tín dụng đen“

(ĐTCK) Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank với mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc đã luôn đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, thể hiện vai trò chủ đạo trong thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agrribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng với hơn 30 sản phẩm tín dụng, tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn hệ thống ngân hàng.

Ông Phạm Toàn Vượng

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng hàng năm, Agribank vẫn dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thuộc các chương trình chính sách. Cụ thể, một số giải pháp lớn về chính sách đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank như: Tiên phong tham gia các chương trình chính sách nông nghiệp nông thôn của Chính phủ nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; Đổi mới phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua Tổ vay vốn; Đổi mới về phương thức tổ chức phục vụ khách hàng ngày càng thuận tiện, tiết giảm chi phí thông qua thành lập Điểm giao dịch lưu động; Chủ động dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao.

Đối với hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống

Trong cơ cấu tín dụng, Argibank đã đầu tư cho khách hàng cá nhân khoảng 700.000 tỷ đồng với gần 4 triệu khách hàng. Không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất - kinh doanh trên địa bàn nông thôn, Agribank còn cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân. Đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống toàn hệ thống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay.

Thực hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, Agribank đã ban hành chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, trong đó:

Agribank ưu tiên đối với các mục đích tiêu dùng cấp bách, hợp pháp, tối đa 30 triệu đồng, chủ yếu cho vay qua 3 sản phẩm: Cho vay từng lần có xác nhận của chính quyền địa phương, cho vay thấu chi qua thẻ, cho vay theo hạn mức tín dụng, nếu mục đích phù hợp; xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ với lãi suất thỏa thuận hợp lý. Agribank căn cứ vào mục đích sử dụng vốn, nguồn thu nhập của khách hàng, quy định về giải ngân để áp dụng phương thức cho vay phù hợp, linh hoạt.

Để đạt được các kết quả nêu trên, trong những năm qua, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến, hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục, đổi mới phương thức cho vay như cho vay qua Tổ vay vốn (trên 68.000 tổ vay vốn với 1,4 triệu tổ viên và hơn 115.000 tỷ đồng dư nợ), cho vay theo hạn mức tín dụng với cá nhân (với 1,2 triệu tổ viên với gần 100.000 tỷ đồng dư nợ)…; đổi mới phương thức giao dịch qua Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng (triển khai trên 59 tỉnh, thành phố, phục vụ hơn 400.000 lượt khách hàng sau 1 năm triển khai thí điểm) tạo thuận lợi tối đa cho mọi đối tượng khách hàng được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Qua đó, Ngân hàng đã được các cấp chính quyền địa phương, khách hàng ủng hộ và đánh giá cao.

Đối với cho vay qua Tổ vay vốn, Agribank đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hội (Hội nông dân, Hội phụ nữ…), chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn khách hàng trong quá trình vay vốn cũng như việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng và chia sẻ kinh nghiệm về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ đạt trên 115.000 tỷ đồng với hơn 1,4 triệu tổ viên.

Đối với Điểm giao dịch lưu động, tháng 9/2017, Agribank đã được NHNN chấp thuận triển khai “Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng” với mục tiêu mang các dịch vụ, tiện ích ngân hàng đến với khách hàng thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, chưa có điểm giao của ngân hàng.

Đến nay, Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I của Đề án với 68 xe, 65 chi nhánh trên địa bàn 59 tỉnh, thành phố phục vụ gần 400.000 lượt khách hàng và trên 4.000 phiên giao dịch, Điểm giao dịch lưu động đã triển khai tương đối đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như: giải ngân, thu nợ, chuyển tiền... Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục triển khai thêm 182 xe giao dịch lưu động trên toàn bộ các chi nhánh có địa bàn phù hợp.

Việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, cho vay qua Tổ vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, giảm chi phí và thời gian đi lại, được chính quyền địa phương, khách hàng ủng hộ và đánh giá cao.

Ngoài ra, Agribank còn triển khai cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất - kinh doanh quy mô nhỏ với mức cho vay tối đa 200 triệu đồng, khách hàng chỉ phải ký hợp đồng tín dụng 1 lần và được duy trì hạn mức cho vay trong thời gian 3 năm với các mục đích tổng hợp như: kinh doanh, tiêu dùng… Việc áp dụng cho vay theo phương thức này đã giúp khách hàng giảm bớt thủ tục hồ sơ và thời gian đi lại của khách hàng. Đến nay dư nợ cho vay đạt gần 100.000 tỷ đồng với trên 1,2 triệu khách hàng.

Một số khó khăn, vướng mắc và định hướng thời gian tới

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Agribank cũng gặp một số vướng mắc như việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của người dân là khó khăn do nhu cầu của người dân thường là nhu cầu cấp bách, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng khó tiếp cận được vốn vay do không chứng minh nguồn trả nợ. Ngoài ra, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định thường cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định của Agribank.

Bên cạnh đó, về lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng hợp pháp và các nhu cầu cấp thiết (khám chữa bệnh, hiếu, hỷ…),  NHNN cần hướng dẫn rõ hơn về lãi suất cho vay đối với các nhu cầu vay vốn nói trên, điều kiện đối với khách hàng trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm cũng như cơ chế xử lý rủi ro đối với các khoản vay đó. Đồng thời, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các món vay nhỏ theo Nghị định 55 thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) của Agribank càng có xu hướng giảm và không đạt quy định.

Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng trong thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai một số nội dung sau:

Một là quyết liệt chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp cụ thể của ngành ngân hàng và của Agribank đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của khách hàng. Agribank xác định việc tập trung các nguồn lực và triển khai các giải pháp ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh là cơ sở lâu dài để khắc phục tình trạng có thể dẫn đến hiện tượng tín dụng đen.

Hai là áp dụng công nghệ, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hoá các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Ba là tiếp tục mở rộng việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, qua đó mở rộng cung cấp dịch vụ, tín dụng ngân hàng đến với khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; ủy thác qua các tổ chức đoàn thể, tổ chức hội.

Bốn là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân có thể tiếp cận nhanh nhất các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, trong đó có chương trình tín dụng tiêu dùng đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cấp bách của khách hàng. Nắm bắt kịp thời diễn biến của các hiện tượng biến tướng tín dụng thông thường sang tín dụng đen để xử lý kịp thời.

Năm là đối với các hoạt động vay phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh ngắn hạn, Agribank xác định kỳ hạn trả nợ gốc lãi tiền vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và nguồn thu nhập của khách hàng, không áp dụng cứng nhắc việc định kỳ hạn trả nợ có thể dẫn đến hiện tượng khách hàng sử dụng tín dụng đen để trả nợ ngân hàng. Agribank xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi khách hàng gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn. Agribank đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, của ngành về hoạt động tín dụng, đặc biệt là lãi suất cho vay.

Việc đẩy lùi tín dụng đen không chỉ là trách nhiệm của ngành công an, ngân hàng mà cần sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội. NHNN nên có chính sách cho vay tiêu dùng riêng, trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản bảo đảm, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay… và có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với chính sách tiêu dùng nói trên.

Agribank mong muốn NHNN sớm phê duyệt triển khai giai đoạn II Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trong thời gian tới nhằm tăng cường các xe ô tô chuyên dùng hoạt động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân dễ dàng tiếp cận vốn. Đặc biệt, để Agribank tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN về tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động, Agribank cũng đề nghị Thống đốc NHNN cho phép Agribank khi tính hệ số vốn an toàn tối thiểu (CAR) được phép tính dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ vào nhóm tài sản có rủi ro hệ số 50% thay vì 100% (hiện nay Agribank càng cho vay không có tài sản bảo đảm theo NĐ 55/2015/NĐ-CP thì hệ số CAR càng giảm).