“Án binh bất động” ở các dự án vành đai phía Tây Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
Chiến lược thúc đẩy cực tăng trưởng phía Tây Đà Nẵng từ các dự án hạ tầng giao thông lớn trở nên khó khăn hơn, khi các dự án đường vành đai phía Tây liên tục bị “vỡ” tiến độ.
“Án binh bất động” ở các dự án vành đai phía Tây Đà Nẵng

Công trường im ắng

Sau Tết Nguyên Đán, thời tiết tại Đà Nẵng hanh khô, rất thuận lợi cho việc thi công các công trình hạ tầng ngoài trời và các dự án giao thông, nhưng tại Dự án Vành đai phía Tây và Vành đai phía Tây 2, tất cả thiết bị đang nằm “án binh bất động”.

Đại diện nhà thầu thi công đoạn tuyến Vành đai phía Tây 2, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn than thở: “Dự án chưa biết khi nào xong, không có mặt bằng, nên tất cả máy móc, nhân lực đang tạm nghỉ. Dự án kéo dài quá lâu, các nhà thầu cầm chắc lỗ”.

Đại diện nhà thầu KCON (thi công hạng mục cầu trên tuyến Vành đai phía Tây 2) cũng cho biết, tuy chỉ làm 1 hạng mục, nhưng cũng trầy trật mãi mới cơ bản xong, vì trong khoảng thời gian thi công, 5 - 6 lần đơn vị phải kéo xe đào, máy ủi ra do bị người dân ngăn cản. Theo kế hoạch được duyệt, ngày 30/4/2022, đơn vị sẽ bàn giao hạng mục cầu này cho chủ đầu tư, nhưng vì chưa có đường, nên tạm thời chưa lắp đặt lan can cầu vì lo ngại hư hỏng do thời tiết, khi toàn tuyến chưa đi vào khai thác.

Nhà bà Nguyễn Thị Tố Nga (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) nằm ngay trong lòng mặt cắt đường vành đai phía Tây, nhưng đến nay vẫn chưa di dời, vì “đất ở đã được cấp sổ, nhưng Nhà nước lại đền bù theo đất sản xuất nông nghiệp”. “Khi nào bố trí được tái định cư, chi trả tiền bồi thường hợp lý, chúng tôi sẽ dọn đi nhanh chóng”, bà Nga nói.

Không riêng nhà bà Nga, dọc hướng tuyến của Vành đai phía Tây, hàng loạt căn nhà vẫn nằm im, diện tích trồng lúa nước vẫn được bà con sản xuất bình thường. “Mặt bằng Dự án còn vướng nhiều hộ dân… Liên quan đến đất ở và tái định cư, nên tiến độ Dự án vẫn rất chậm”, ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng nói.

Vướng mắc ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng

Tại tuyến Vành đai phía Tây dài hơn 19 km đi qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên của huyện Hòa Vang (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư) còn khoảng 250 hồ sơ nhà đất chưa được xử lý là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ chậm trễ, theo kết luận của Thanh tra TP. Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Minh Huy cho biết, nhiều năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải phóng mặt bằng, vận động người dân nhận tiền đền bù ở các vị trí cần thi công trước, nhưng tiến độ thi công dự án vẫn bị chậm.

“Không những vậy, năng lực tài chính của nhà thầu Cienco 1 có vấn đề, nên gói thầu của đơn vị này chậm nhất. Chúng tôi đã có nhiều công văn, cuộc họp đôn đốc tiến độ và đã thực hiện chế tài xử phạt. Mới đây nhất, Cienco1 đã cam kết hoàn thành tiến độ theo kế hoạch”, ông Huy cho biết thêm.

Cũng theo ông Huy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã đề xuất UBND TP. Đà Nẵng cho gia hạn tiến độ đến tháng 9/2022 sẽ hoàn thành Dự án và đang phối hợp với chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Còn tại Dự án Vành đai phía Tây 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên làm chủ đầu tư, “nút thắt” dường như ngày càng khó “gỡ” hơn. Dự án này có tổng chiều dài gần 15 km qua phường Hòa Thọ Tây, Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ); Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Dự án đã đội vốn lên 20 lần so với kế hoạch vốn ban đầu được duyệt (từ 87 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng) và khả năng sẽ còn tăng lên mức 2.400 tỷ đồng nữa để có thể hoàn thiện toàn tuyến.

Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, dù có bảo đảm kinh phí đền bù giải tỏa, thì cũng phải mất từ 4 đến 5 năm nữa mới thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công. Trong khi đó, công trình chỉ còn quỹ thời gian hơn 1 năm để hoàn thành, bởi Hiệp định Dự án ký kết vay vốn ODA sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022.

Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho hay, đến tháng 12/2022, Dự án chỉ có thể bảo đảm hoàn thành 4,06 km đoạn cuối tuyến đang thi công (từ nút giao với tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân đến đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, công trình đường Vành đai phía Tây 2 cần được điều chỉnh đầu tư và tổ chức thực hiện theo hướng điều chỉnh hướng tuyến, tận dụng khai thác chung hạ tầng giao thông hiện hữu để giảm bớt kinh phí đền bù giải tỏa. Việc xử lý vốn đầu tư đối với công trình cũng cần tính toán lại cho phù hợp với các quy định về kế hoạch đầu tư vốn trung hạn giai đoạn 2022 - 2025.

Tin bài liên quan