Ấn Độ và Indonesia lên kế hoạch thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới

Ấn Độ và Indonesia lên kế hoạch thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ấn Độ và Indonesia đang trong quá trình bàn bạc các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới giữa hai nước. 

Indonesia và Ấn Độ đang lên kế hoạch để giúp giải quyết các giao dịch song phương bằng đồng nội tệ và liên kết hệ thống thanh toán nhanh giữa hai nước để thúc đẩy hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới, theo Bloomberg đưa tin từ một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, Nirmala Sitharaman và Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati đã thảo luận về các chính sách này trước thềm cuộc họp giữa Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sắp diễn ra tại Ấn Độ. Các cuộc đàm phán giữa chính phủ hai nước đang được tiến hành.

Các thỏa thuận về hợp tác song phương và thúc đẩy giao dịch tiền tệ xuyên biên giới được Ấn Độ đề xuất với Indonesia trong bối cảnh Ấn Độ cũng đã ký các hiệp ước tương tự với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào cuối tuần qua. Hiệp ước mới được ký kết này sẽ giúp thúc đẩy các giao dịch được thực hiện bằng đồng rupee và dirham, đồng thời cho phép thẻ tín dụng nội địa tại hai nước được phép thanh toán các giao dịch mua hàng, bán lẻ xuyên biên giới.

Cho đến nay, Ấn Độ đã liên kết hệ thống thanh toán nhanh của mình với Singapore và đang đàm phán về hình thức thanh toán nhanh với một số nước khác như Nhật Bản và Pháp, để thực hiện các giao dịch xuyên biên giới thuận tiện và nhanh chóng hơn.

Động thái này là một phần trong nỗ lực quốc tế hóa đồng rupee của Ấn Độ và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đạt được những thành tựu rõ rệt khi khối lượng giao dịch đồng rupee vẫn dưới 120 triệu USD kể từ khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) - ngân hàng trung ương cho phép hơn một chục ngân hàng thanh toán giao dịch bằng đồng rupee với 18 quốc gia khác vào năm ngoái.

Vậy nhưng các quốc gia như Indonesia vẫn đang có nhu cầu hợp tác với Ấn Độ do nền kinh tế này đang phát triển nhanh và nhu cầu lương thực của nước này đối với Ấn Độ là rất lớn. Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati từng tuyên bố rằng Indonesia muốn hợp tác với Ấn Độ để hạn chế sự phục thuộc của nước này vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang có dấu hiệu hụt hơi trong thời gian gần đây.

Theo một báo cáo mới đây của Goldman Sachs, Ấn Độ được dự đoán đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2075, không chỉ vượt qua Nhật Bản và Đức mà còn cả Mỹ. Ngân hàng đầu tư cho rằng quỹ đạo kinh tế dẫn đầu của Ấn Độ một phần là nhờ tiến bộ về công nghệ và đổi mới, qua đó nâng cao năng suất lao động.

Trong khi đó, nền kinh tế Indonesia cũng đang dần nổi lên như một hiện tượng và cũng đang được kỳ vọng nền kinh tế Đông Nam Á này có thể bắt kịp Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một “thế lực kinh tế mới” trong 5 năm tới.

Tin bài liên quan