Khó khăn còn bủa vây chủ đầu tư lẫn người mua nhà những tháng cuối năm. Ảnh: Trọng Tín

Khó khăn còn bủa vây chủ đầu tư lẫn người mua nhà những tháng cuối năm. Ảnh: Trọng Tín

Ẩn số sức mua bất động sản cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam đang rốt ráo ra mắt hoặc mở bán sản phẩm mới, sản phẩm ở giai đoạn tiếp theo của dự án… nhằm đón đầu mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, nhưng sức mua vẫn là “ẩn số” lớn.

Dồn dập bung hàng

Ngay từ đầu quý IV/2022, một loạt doanh nghiệp địa ốc phía Nam quyết định ra mắt dự án mới hoặc giai đoạn tiếp theo của những dự án cũ, cho dù còn đối mặt với vô vàn khó khăn.

Đơn cử, cuối tuần qua, Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh chính thức giới thiệu ra thị trường dự án căn hộ Moonlight Avenue với mức giá bán dự kiến từ 68 triệu đồng/m2. Dự án có quy mô gần 9.000 m2, bao gồm 2 tháp căn hộ cao 25 tầng tọa lạc tại phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Sau khi hoàn thành, dự án cung cấp ra thị trường hơn 800 sản phẩm.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền có kế hoạch giới thiệu ra thị trường dự án căn hộ The Privia trên khu vực đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM). Dự án này thuộc loại hình nhà ở cao cấp với mức giá chào bán được nhiều sàn môi giới “bật mí” dao động quanh mức 80 triệu đồng/m2.

Cách đó không xa, Nam Long Group cũng tiếp tục cho ra mắt giai đoạn 2 căn hộ Akari City block AK9 nằm trong khu đô thị tích hợp quy mô 8,5 ha, tọa lạc trên trục đại lộ Võ Văn Kiệt. Sản phẩm tại dự án Akari City có tầm giá bán vừa túi tiền, dao động từ 45-47 triệu đồng/m2. Được biết, giai đoạn 1 có 1.800 căn hộ đã hoàn thiện và bàn giao từ cuối năm 2021, tỷ lệ “sáng đèn” đạt 90%, hàng loạt dịch vụ, tiện ích cũng đã đi vào hoạt động phục vụ cư dân.

Ngoài các dự án trên, một số dự án trước đây bị đình trệ do vướng pháp lý cũng được các chủ đầu tư chuẩn bị tái khởi động, hứa hẹn cung cấp hàng chục ngàn sản phẩm mới cho thị trường.

Đơn cử, DatXanh Homes Riverside (tên cũ là Gem Riverside) là dự án trọng điểm của Tập đoàn Đất Xanh được triển khai từ năm 2018 tại Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM, sau đó phải tạm ngừng thi công do vướng thủ tục pháp lý. Chủ đầu tư này cho biết, hiện dự án đã hoàn tất quá trình thẩm định thiết kế và được chấp nhận quyết định đầu tư, có thể ra mắt vào cuối năm nay nếu được cấp phép xây dựng. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 3.175 căn hộ với giá bán mới từ 100 triệu đồng/m2, thay vì mức 45-50 triệu đồng/m2 như ban đầu.

Tại Bình Dương, Phú Đông Group đã công bố chuỗi căn hộ mẫu và sẵn sàng cung cấp ra thị trường này hàng ngàn căn hộ mới có diện tích từ 41-90m2 với mức giá trung bình dự kiến từ 1-2 tỷ đồng/căn, hướng đến đối tượng là người lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Dĩ An.

Được biết, đây là khu nhà mẫu có quy mô lớn bậc nhất tại Bình Dương nhằm phục vụ cho loạt dự án mới sắp ra mắt của Phú Đông Group, chẳng hạn dự án Phú Đông Sky Garden tại phường An Bình, TP. Dĩ An, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường 640 căn hộ. Hiện dự án đã hoàn thiện xong phần móng và sắp hoàn tất thủ tục pháp lý để nghiệm thu hạng mục sàn hầm.

Cũng tại Bình Dương, nhà phát triển dự án Coteccons và chủ đầu tư Lê Phong vừa ký hợp tác phát triển dự án The Emerald 68 tại TP. Thuận An. Diện tích công trình quy mô gần 8.000 m2 với gần 800 căn hộ. Với vốn đầu tư dự án hơn 2.000 tỷ đồng, dự án dự kiến được khởi công vào đầu năm 2023 và bàn giao nhà trong quý I/2025.

Cách đó không xa, Tập đoàn Gamuda Land chuẩn bị mở bán dự án Artisan Park, diện tích 5,6 ha, gồm 349 sản phẩm shophouse, townhouse đều sở hữu 2 mặt tiền…

Ẩn số sức mua

Sau nhiều tháng “án binh bất động”, việc nhiều doanh nghiệp địa ốc đồng loạt “bung hàng” được xem là tín hiệu tích cực để cải thiện nguồn cung sản phẩm ra thị trường, thế nhưng hàng loạt khó khăn vẫn còn bủa vây như khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, lãi suất cho vay tăng, giá nhà vẫn neo cao… thì sức mua bất động sản là một ẩn số lớn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tầm trung ở TP.HCM chia sẻ, vẫn biết sức mua những tháng cuối năm nay còn yếu, nhưng doanh nghiệp buộc phải mở bán dự án vì không còn lựa chọn nào khác.

“Tổ chức một chương trình bán hàng tốn kém không ít chi phí, nhưng không mở bán thì không có doanh thu. Ít ra khi bán được hàng, doanh nghiệp còn có đồng ra đồng vào, chứ nguồn tài chính hiện đã cạn kiệt rồi”, vị này nói và cho biết thêm, dự án từng mở bán vào đầu quý III/2022 nhưng rất ít sản phẩm được chốt thành công, cho dù đã đẩy mạnh quảng cáo. Công ty phải mời nhiều sàn khác cùng tham gia phân phối nhưng doanh số cũng chỉ cải thiện hơn đôi chút.

Thậm chí, kể cả khi bán được hàng, vị này vẫn chưa thể yên tâm vì nguồn vốn ngân hàng cam kết có thể không được giải ngân. “Dù doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách hàng, có sự hỗ trợ của các ngân hàng nhưng bỗng một ngày, tất cả ngân hàng tham gia đều tuyên bố dừng giải ngân vì cạn room tín dụng. Việc khách hàng không tiếp cận được vốn vay chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng và thanh khoản dự án ngay lập tức”, ông nói.

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Định giá - Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân, bởi hầu hết nguồn cung mới tập trung ở phân khúc cao cấp và siêu sang.

Chuyên gia CBRE Việt Nam cho rằng, hiện nay, cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đều chung tâm trạng lo lắng, trong đó mối lo lớn nhất và ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

“Tôi cho rằng, có ít nhất 50% nhà đầu tư bất động sản trên thị trường đang mắc kẹt ở điểm này vì họ định vay vốn tạm thời, khi bán được hàng sẽ trả nợ nhưng do thị trường tắc thanh khoản kéo dài, chi phí lại tăng cao, trong khi không thể trả lại sản phẩm cho nhà đầu tư vì như vậy họ sẽ chịu thiệt lớn. Trong năm tới, nếu tín dụng còn siết chặt thì nhiều người sẽ gặp khó khăn hơn. Nhà đầu tư không chịu đựng được, không tìm lối ra thì thị trường sẽ xáo trộn. Ngược lại, nếu tín dụng địa ốc được nới lỏng thì sức mua sẽ cải thiện, áp lực lên chủ đầu tư và người mua nhà cũng giảm theo”, bà Dung phân tích.

Thực tế, để cải thiện thanh khoản và nguồn vốn, nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình thanh toán linh hoạt hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc cũng như các khoản chiết khấu nhằm kích thích dòng tiền đầu tư. Đặc biệt, một số chủ đầu tư còn đưa ra cam kết lợi nhuận thông qua các hình thức cho thuê hay mua lại nhà hấp dẫn để thu hút người mua. Do đó, với người có điều kiện tài chính dư dả, hiện là thời điểm thích hợp để săn tìm các sản phẩm chất lượng có giá phù hợp.

Theo nhận định của ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, khó khăn tiếp tục bủa vây cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà trong quý IV/2022 và tình trạng này có thể kéo dài sang đầu năm 2023 do cơn khát vốn chưa được giải tỏa.

“Quý IV thường là mùa cao điểm bán hàng nhưng với diễn biến lãi suất tăng, tín dụng chưa rộng cửa, tâm lý tiêu dùng yếu, cuối năm nay có thể là thời điểm bất động sản bị đào thải và sàng lọc mạnh nhất trong năm”, ông Quang dự báo.

Tin bài liên quan