An toàn tiền gửi nhà đầu tư: Cần một cách làm mới

An toàn tiền gửi nhà đầu tư: Cần một cách làm mới

(ĐTCK-online) Nếu giải pháp buộc CTCK tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi của NĐT tại ngân hàng trên thực tế không có tính khả thi, thì UBCK cần thay đổi quan điểm, để tìm một giải pháp mới, giải được bài toán giữ an toàn tài sản cho NĐT.

Sự việc gây rúng động TTCK hiện là vụ CTCK SME bị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) ra quyết định đình chỉ hoạt động lưu ký chứng khoán từ ngày 3/11-3/12/2011.

Theo thông tin ĐTCK có được, việc SME bị hủy giao dịch ngày 27/10/2011 do không chuyển tiền thanh toán có liên quan đến 30 tài khoản của NĐT tại các CTCK khác. Nhưng không chỉ với 30 chủ tài khoản này, câu chuyện mất khả năng thanh toán giao dịch tại CTCK đang là nỗi lo chung của cả triệu tài khoản NĐT.

Hiện nay, VSD là cơ quan lưu giữ và ghi nhận toàn bộ chứng khoán của từng NĐT trong hệ thống giao dịch trên TTCK Việt Nam. Chính vì được lưu giữ và ghi nhận tại VSD, nên an toàn tài sản chứng khoán của NĐT là rất cao, rủi ro mất chứng khoán không thể xảy ra. Về tiền gửi của NĐT, đa số CTCK hiện nay thực hiện quản lý theo tài khoản tổng, tức là mở riêng một hệ thống tài khoản mang tên CTCK tại một số ngân hàng để quản lý tiền của NĐT. Để an toàn tiền gửi, UBCK từng có quy định buộc CTCK tách tận chân tiền gửi của NĐT tại các ngân hàng từ năm 2008. Tuy nhiên, để thực thi được việc này, yêu cầu đầu tiên là CTCK phải xây dựng được hệ thống lõi đủ sức tích hợp với ngân hàng để thực hiện việc đối chiếu, thanh toán thường xuyên giữa CTCK và ngân hàng. Hiện số CTCK thực hiện việc tách bạch tiền gửi đến từng NĐT chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chỉ có một vài ngân hàng sẵn sàng cho việc kết nối này như BIDV, Techcombank.

Vì sao đa số CTCK không thực hiện tách bạch tiền gửi NĐT đến từng tài khoản tại ngân hàng? Tìm hiểu của ĐTCK được biết, có hai lý do chính. Tạm không nói đến khả năng CTCK bị mất đặc quyền lạm dụng số tiền này nếu tách bạch, về kỹ thuật, khi tách tiền gửi của từng NĐT tại ngân hàng, CTCK bị phát sinh rất nhiều việc liên quan đến ngân hàng khi cần đối chiếu số dư tiền của NĐT khi đặt lệnh/thanh toán giao dịch… Bên cạnh đó, việc tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi của NĐT tại ngân hàng còn khiến CTCK ở vào tình thế rủi ro khi cung cấp các dịch vụ tài chính, do CTCK không còn quyền chủ động siết nợ trên tài khoản của NĐT.

Theo một số nghiên cứu, tại các TTCK nước ngoài, CTCK cũng không thực hiện tách bạch tiền gửi của NĐT đến từng tài khoản tại ngân hàng. Ở đây, hệ thống giao dịch được tích hợp hoàn chỉnh giữa CTCK và ngân hàng, nên khả năng giám sát và thanh toán được thực hiện thông suốt trong cùng một hệ thống. Chính việc kết nối và giám sát tự động thông suốt là nền tảng đảm bảo an toàn hệ thống giao dịch, mà an toàn tiền gửi của NĐT chỉ là một phần ở đó.

Ở Việt Nam, để giữ an toàn tiền gửi của NĐT, các thành viên thị trường mới chỉ biết đến 1 giải pháp và thúc đẩy UBCK thực hiện 1 giải pháp, đó là buộc CTCK tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi của NĐT tại ngân hàng. Tuy nhiên, nếu giải pháp này trên thực tế không có tính khả thi và thông lệ quốc tế cũng không thông dụng, thì UBCK cần thay đổi quan điểm, để tìm một giải pháp mới, giải được bài toán giữ an toàn tài sản cho NĐT.

Không quá khó để giải bài toán này, vì TTCK Việt Nam đi sau các TTCK thế giới cả trăm năm, nên có cả kho kiến thức và bài học của những thị trường đi trước. Nhưng để làm được, trước hết, cần có một chủ thể đủ sức nghiên cứu để khơi nên suy nghĩ mới, cách làm mới cho TTCK Việt Nam.