Biên lợi nhuận của Angimex thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Biên lợi nhuận của Angimex thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Angimex (AGM): Câu chuyện M&A thiếu tính thuyết phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang đã tăng chóng mặt nhờ sự xuất hiện của nhóm cổ đông Louis Capital và cũng rơi mạnh khi nhóm này tuyên bố thoái vốn.

Cổ phiếu tăng chóng mặt khi xuất hiện cổ đông mới

Thời gian gần đây, cổ phiếu AGM thu hút sự chú ý trên thị trường với biến động mạnh về giá và thanh khoản. Từ mức giá đóng cửa phiên giao dịch 4/5/2021 là 15.100 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này đã tăng lên 41.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/9/2021, tương đương mức tăng 177% trong vòng hơn 4 tháng, nằm trong nhóm tăng nóng nhất thị trường giai đoạn vừa qua.

Đà tăng này có thể chia làm hai chặng: Từ ngày 4/5/2021 - 20/5/2021, tăng 112%, từ mức 15.100 đồng/cổ phiếu lên 32.000 đồng/cổ phiếu; từ ngày 24/8 - 15/9/2021, tăng 84,1%, từ vùng 22.700 đồng/cổ phiếu lên 41.800 đồng/cổ phiếu.

Đà tăng của cổ phiếu bắt đầu từ khi xuất hiện nhóm cổ đông mới tại Angimex. Theo đó, ngày 27/5/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim đã thông báo bán ra toàn bộ 51,85% cổ phần AGM. Cùng lúc đó, ông Đỗ Thành Nhân thông báo mua vào 8,16% cổ phần và trở thành cổ đông lớn của Angimex.

Sau động thái thoái vốn của nhóm cổ đông Nguyễn Kim, Angimex còn hai cổ đông lớn, gồm Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), nắm 28,17% cổ phần; ông Đỗ Thành Nhân, nắm 8,16%. 63,67% cổ phần còn lại thuộc các cổ đông nhỏ lẻ.

Sau biến động về cổ đông lớn, Ban lãnh đạo Công ty cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ngày 22/7/2021, AGM tổ chức Đại hội cổ đông bất thường thông qua việc miễn nhiệm 4 thành viên Hội đồng quản trị và 3 thành viên Ban Kiểm soát, bầu bổ sung 7 người (xem bảng).

Trong đó, ông Đỗ Thành Nhân trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty. Động thái này cho thấy nhiều khả năng ông Nhân được hậu thuẫn bởi một nhóm cổ đông đã sở hữu chi phối AGM.

Cũng tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021, bên cạnh tờ trình về việc thay đổi nhân sự cấp cao, Angimex còn xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, mục tiêu mới là doanh thu 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 44 tỷ đồng, lần lượt tăng 79% và 26% so với kế hoạch đầu năm; tăng lần lượt 99% và 45% so với thực hiện trong năm 2020.

Nhóm cổ đông mới bày tỏ tham vọng sẽ đưa Angimex trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với doanh thu chạm 6.000 tỷ đồng trong tương lai. Được biết, doanh thu năm 2020 của Công ty là 1.961,4 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian qua. Dịch bệnh bùng phát kéo dài tại các tỉnh phía Nam làm gián đoạn chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo và ách tắc tại cảng. Giá gạo xuất khẩu bị giảm do chất lượng giảm sút và tiến độ giao hàng không đảm bảo.

Có thể thấy, đà tăng của cổ phiếu AGM hoàn toàn dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự thay đổi của doanh nghiệp khi có cổ đông mới. Bởi trên thực tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có gì đột phá.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Angimex ghi nhận doanh thu 1.036,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,94 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng chỉ đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) đạt 4,5%, Tập đoàn PAN (mã PAN) đạt 4,1% trong cùng mốc thời gian.

Rơi không phanh khi nhóm Louis “quay xe”

Trái với kỳ vọng về sự gắn kết sẽ mang đến triển vọng tương lai tích cực từ nhóm cổ đông mới, mới đây, Công ty cổ phần Louis Capital (mã TGG), tổ chức liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Thành Nhân đã đăng ký thoái toàn bộ 838.000 cổ phiếu AGM, tương đương 4,6% vốn điều lệ về 0%, giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/9 - 20/10/2021.

Thông tin này cùng diễn biến lao dốc không phanh của nhóm cổ phiếu thuộc “họ Louis” khiến cổ phiếu AGM đã có ba phiên giảm sàn liên tục, từ 21/9 - 23/9. Dù đã có phiên hồi phục vào cuối tuần qua, đóng cửa ở mức 35.750 đồng/cổ phiếu, song cổ phiếu này mất tới gần 20% so với đỉnh được xác lập trong phiên 15/9/2021.

Việc nhóm cổ đông mới đăng ký thoái vốn chỉ sau một thời gian ngắn tham gia vào AGM khiến câu chuyện về M&A để mang đến giá trị mới cho doanh nghiệp trở nên thiếu thuyết phục.

Ngoài thông tin về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong năm nay và các năm sau, thì Hội đồng quản trị mới cũng trình kế hoạch tăng vốn. Những thông tin này đã tạo tâm lý kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý, kế hoạch xin tăng vốn mà Angimex trình xin cổ đông bằng văn bản được thực hiện từ ngày 23/9 - 3/10/2021, nhưng tới ngày 22/9, Công ty vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết về việc tăng vốn bằng hình thức nào và mục đích huy động vốn.

Thêm một diễn biến khác về nội tại doanh nghiệp, là việc AGM hoãn chi trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 30% vốn điều lệ.

Nhìn lại biến động giao dịch cổ phiếu AGM, có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, trước ngày 4/5/2021, cổ phiếu AGM chỉ giao dịch vùng 14.400 đồng/cổ phiếu và thanh khoản không đáng kể.

Giai đoạn 2, từ 4/5 đến 20/5/2021, cổ phiếu này tăng liên tục 12 phiên gây sự chú ý của giới đầu tư, thanh khoản giai đoạn này vẫn thấp.

Giai đoạn 3, từ 3/8 đến 17/9, thanh khoản gia tăng đột biến trước khi cổ phiếu đảo chiều, tổng khối lượng khớp lệnh lên tới 3.509.900 cổ phiếu, chiếm 19,3% khối lượng cổ phiếu lưu hành; giá cổ phiếu dao động trong vùng 30.000 - 42.000 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trung bình là 36.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu như một tổ chức muốn chi phối cổ phiếu AGM trong giai đoạn 1 cần mua tối thiểu 9.282.000 cổ phiếu, tương ứng 133,66 tỷ đồng. Giá trị khối lượng cổ phiếu này tới giai đoạn 3 tăng lên khoảng 334,15 tỷ đồng và nhà đầu tư chỉ cần bán ra 30% là đã hòa vốn.

Thị trường thường cho rằng cổ phiếu đi lên vì lý do gì thì sẽ xuống vì lý do đó. Tất nhiên, trong sóng tăng dài của AGM, có nhiều nhà đầu tư sẽ kiếm lời tốt, nhưng có không ít nhà đầu tư cay đắng khi trót “đu đỉnh” và chứng kiến danh mục rơi 7% sau mỗi phiên.

Bốn tháng, Angimex thay Tổng giám đốc 3 lần

Ngày 20/9/2021, Hội đồng quản trị Angimex đã bổ nhiệm ông Võ Thanh Bào giữ chức Tổng giám đốc, thay ông Nguyễn Trung Kiên.

Đáng chú ý, chỉ 11 ngày trước đó, ngày 9/9/2021, ông Kiên được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc, thay ông Vũ Tiến Hùng. Ông Hùng mới ngồi ghế Tổng giám đốc Angimex từ đầu tháng 6/2021, thay ông Trần Hoàng An.

Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, Công ty đã 3 lần thay đổi nhân sự Tổng giám đốc. Nếu tính từ khi bầu Hội đồng quản trị mới thì chưa đầy 2 tháng, Công ty đã thay Tổng giám đốc tới 2 lần.

Tin bài liên quan