Áp lực bán dâng cao, VN-Index lại "đánh rơi" mốc 1.120 điểm

Áp lực bán dâng cao, VN-Index lại "đánh rơi" mốc 1.120 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index ghi nhận phiên giảm sâu nhất kể từ 23/11, một lần nữa "đánh rơi" mốc 1.120 điểm.

Trái với những kỳ vọng của giới phân tích rằng VN-Index sẽ tiếp tục quán tính tăng điểm để chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.130 điểm, sau khoảng 1 giờ mở cửa nỗ lực giữ giá xanh để thử thách vùng giá này nhưng trạng thái thị trường khá yếu, đã khiến bên bán có chút mất kiên nhẫn và chỉ số chung dần đi lùi về dưới mốc tham chiếu khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, VN-Index tiếp tục nới nhẹ biên độ giảm nhưng vẫn bảo toàn ngưỡng 1.120 điểm trong khoảng 1 giờ mở cửa rồi. Sau đó, áp lực bán đã gia tăng và lan rộng thị trường khiến bảng điện tử dần chìm trong sắc đỏ.

Thị trường đóng cửa ghi nhận mức giảm hơn 13 điểm, là phiên giảm mạnh nhất và cũng là lần thứ 2 để mất mốc 1.120 điểm trong nửa đầu tháng 12. Tuy nhiên, thị trường vẫn có những tín hiệu để kỳ vọng sớm hồi phục trở lại, đó là lực cầu bắt đáy khá tốt đã giúp VN-Index bật hồi đôi chút và không để thủng ngưỡng 1.110 điểm, trong khi đó, áp lực bán tháo đã không xảy ra khi toàn thị trường chỉ có hơn 20 mã nằm sàn và đà giảm của thị trường có phần “đóng góp” lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên, sàn HOSE có 448 mã giảm, gấp tới hơn 5 lần số mã tăng (89 mã), VN-Index giảm 13,43 điểm (-1,19%) điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 844 triệu đơn vị, giá trị 18.447 tỷ đồng, cùng tăng hơn 30% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 80,4 triệu đơn vị, giá trị 2.261,89 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 tạo sức ép lớn trên thị trường khi đóng cửa giảm hơn 14 điểm với việc ghi nhận 27 mã giảm và chỉ còn 3 mã may mắn giữ được sắc xanh là BVH, VJC và HDB với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%.

Ở chiều giảm, cổ phiếu VRE giảm mạnh nhất khi để mất 2,7%, tiếp theo là HPG, PLX, GVR, STB, TPB có mức giảm hơn 2%...

Trong đó, HPG có ảnh hưởng lớn nhất tới chỉ số chung khi lấy đi gần 0,86 điểm, đóng cửa cổ phiếu này giảm 2,1% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 27.350 đồng/Cp và thanh khoản vươn lên dẫn đầu thị trường với 33,35 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu HAG vẫn ngược dòng ngoạn mục và có chút nới nhẹ biên độ so với thời điểm chốt phiên sáng. Đóng cửa, HAG tăng 3,4% lên mức 13.550 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3 dẫn đầu thị trường, đạt 27,66 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, tất cả các nhóm cổ phiếu đều mất điểm. Trong đó, ở nhóm cổ phiếu dầu khí bên cạnh GAS giảm 1,7%, các mã khác như PVS, PVD, PVC đều giảm hơn 3%.

Ở nhóm cổ phiếu thép, bên cạnh HPG giảm 2,1%, HSG và NKG cũng lần lượt lùi về vùng giá thấp trong phiên với mức giảm trên dưới 3%.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mã tăng tốt nhất trong phiên sáng là EIB lùi về mốc tham chiếu, chỉ còn duy nhất HDB giữ được mức tăng nhẹ 0,3%, còn lại đều đóng cửa giảm với biên độ chủ yếu hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu còn lại trong bộ 3 bank – chứng – thép là chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng chung với sắc đỏ bao phủ trên diện rộng, ngoại trừ điểm sáng duy nhất là APG đóng cửa tăng tốt gần 3%. Cổ phiếu VIX vẫn giữ nhiệt sôi động nhất ngành với hơn 28,22 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau HPG, nhưng đóng cửa giảm 2,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 16.600 đồng/CP.

Nhóm bất động sản cũng chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ một số mã như VCG, HQC “thoát nạn”, nhưng mức tăng cũng chỉ hơn 0,5%.

Trên sàn HNX, áp lực gia tăng mạnh trong nửa cuối phiên chiều với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến thị trường nới rộng biên độ giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 113 mã giảm, HNX-Index giảm 3,29 điểm (-1,42%) xuống 228,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 97,24 triệu đơn vị, giá trị 2.041,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,48triệu đơn vị, giá trị 253,72 tỷ đồng.

Đáng chú ý là cổ phiếu HTP đã được giải cứu thành công sau 4 phiên nằm sàn liên tiếp và đóng cửa tăng 8,2% lên mức giá cao nhất ngày 14.500 đồng/CP dù có thời điểm trong phiên mã này vẫn khoác áo xanh mắt mèo, đồng thời thanh khoản vọt tăng lên gần 1,89 triệu đơn vị, gấp gần 10 lần mức thanh khoản trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây.

Trong khi đó, nhóm HNX30 giao dịch khá tiêu cực khi chỉ có duy nhất HLD tăng nhẹ 0,8%, cùng 3 mã là LAS, TDN, VC3 đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm.

Các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất là SHS, CEO, PVS lần lượt khớp 20,5 triệu đơn vị, gần 16,12 triệu đơn vị và hơn 9,67 triệu đơn vị, đều đóng cửa giảm hơn 2-4%.

Trên UPCoM, dù có chút nỗ lực hồi phục trong đầu phiên chiều, nhưng lực bán trên diện rộng đã khiến thị trường cũng không thoát khỏi trạng thái điều chỉnh giảm.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,3%), xuống 85,09 điểm với 120 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,11 triệu đơn vị, giá trị 468,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,75 triệu đơn vị, giá trị 179,94 tỷ đồng.

Đột biến là cổ phiếu nhỏ VHG đóng cửa đã kéo trần thành công lên mức 3.100 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ khi có hơn 10,11 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trong khi đó, BSR đứng thứ 2 về thanh khoản với 6,43 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,6% xuống mức 18.700 đồng/CP.

Cổ phiếu mới BCR vẫn ghi nhận mức giảm 11%, đóng cửa đứng tại mức giá 10.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,67 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2312 giảm mạnh nhất là 11,8 điểm, tương đương -1,1% xuống 1.107 điểm, khớp gần 205.140 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.270 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này, CSTB2327 thanh khoản cao nhất với 4,42 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 7,1% xuống 520 đồng/cq. Theo sau là CHPG2307 với 2,13 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 8,2% xuống 1.230 đồng/cq.

Tin bài liên quan