(Ảnh: Internet).

(Ảnh: Internet).

Áp lực lạm phát sẽ sớm trở lại

(ĐTCK) Nguy cơ suy thoái kinh tế đang ngày càng hiển hiện ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn. Điều đó đang thúc giục ngân hàng trung ương các nước này tiến hành nới lỏng định lượng và do đó, kéo theo sự trở lại của áp lực lạm phát.

Áp lực lạm phát sẽ sớm trở lại ảnh 1

Nới lỏng định lượng dường như là cách duy nhất để nhiều nước phát triển có thể kích thích tăng trưởng kinh tế vì nợ công cao đang hạn chế chính sách tài khóa mở rộng của các nước này. Không chỉ châu Âu, Mỹ và Nhật cũng đang “đau đầu” với vấn đề nợ công cao của mình. Nợ công của Nhật Bản hiện chiếm tới 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Trong khi đó, Mỹ là nước nợ nhiều nhất thế giới với mức nợ công năm 2012 lên tới 16,4 nghìn tỷ USD và giới chức nước này vẫn chưa đưa ra được một quyết định thống nhất về việc có nên nâng trần nợ hay không.

Có thể nói, đây là vấn đề nan giải nhất của kinh tế thế giới trong năm nay và các năm tiếp theo. Mỹ và Nhật có nợ công tuy cao nhưng vẫn phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế để tránh giảm phát. Các biện pháp chung như thành lập các quỹ cứu trợ thường trực, thực thi các chính sách thắt chặt chi tiêu, mua lại trái phiếu chính phủ và cơ cấu lại nợ đều đang được các nước áp dụng với hy vọng không để nợ công làm chao đảo và kéo kinh tế thế giới giật lùi. Các chính sách nới lỏng tiền tệ liên tiếp được tung ra nhằm kéo nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau thời kỳ suy thoái hoặc tăng trưởng chậm chạp kéo dài.

Cuối năm 2012, hàng loạt các gói kích thích kinh tế lớn đã được tung ra. Ngày 13/9, Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức công bố chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) với quy mô 40 tỷ USD/tháng, nhưng không giới hạn. Sau đó không lâu, ngày 19/9, Nhật Bản tung ra gói kích thích mới trị giá 10.000 tỷ yên (127 tỷ USD). Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới giúp hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên Eurozone.

Mới đây nhất, ngày 22/1/2013, Nhật Bản chính thức thực hiện giai đoạn nới lỏng tiền tệ mới, đặt mục tiêu lạm phát 2%. Đây là lần đầu tiên trong 9 năm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hành động để các điều kiện tài chính trở nên phù hợp hơn trong 2 cuộc họp chính sách liên tiếp.

Dư luận quốc tế đang quan ngại về sự biến động của thị trường thế giới trong thời gian tới, khi chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed, BOJ, ECB có khả năng sẽ làm cho lạm phát tăng cao trở lại.

 

Giá cả hàng hóa và chứng khoán tăng vọt

Sau khi hàng loạt các gói kích thích từ ECB, Fed và BOJ được triển khai, thị trường hàng hóa và chứng khoán đồng loạt tăng vọt.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 62,51 điểm, tương đương 0,5%, lên 13.712,21 điểm. S&P 500 tăng 6,58 điểm, tương đương 0,4%, lên 1.492,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 8,47 điểm, tương đương 0,3%, lên 3.143,18 điểm. Đây đều là các mức cao nhất trong vòng 5 năm của cả 3 chỉ số.

Trong khi đó, giá các hàng hóa như kim loại, nông sản trên các thị trường giao dịch thế giới đều tăng mạnh, đặc biệt nhiều hàng hoá có mức tăng trên 5% trong 1 tháng gần đây..

 

Tác động đến lạm phát việt nam

Việt Nam là một nước có độ mở tương đối lớn khi tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP luôn ở mức cao (gần 160% theo số liệu tính toán năm 2011). Tỷ lệ nhập khẩu/GDP chiếm tới 83% và nhập siêu chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cho thấy mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu của Việt Nam rất cao. Kim ngạch nhập khẩu của nhiều mặt hàng đều có mức tăng mạnh qua các năm và chủ yếu vẫn là nhóm hàng máy móc thiết bị và nguyên liệu (xăng dầu, vải, chất dẻo…) phục vụ sản xuất trong nước. Vì vậy, sự biến động giá cả hàng hóa thế giới tác động rất lớn đến lạm phát trong nước.

Có thể dễ dàng nhận thấy mức độ đồng điệu của chỉ số lạm phát của Việt Nam với mức tăng giá chung của hàng hóa thế giới trong 6 năm trở lại đây. Do đó, với tín hiệu tăng giá trở lại của hàng hóa thế giới, việc kiềm chế lạm phát dưới 1 con số của Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn.