Dự kiến phân hộ, cá nhân kinh doanh làm 4 nhóm
Thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026, ngành Thuế dự kiến sẽ phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo doanh thu để áp dụng phương pháp quản lý.
Hiện nay, các hộ kinh doanh đang nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội đã quy định chấm dứt thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026. Như vậy, khi không áp dụng phương pháp khoán thuế thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Tại hồ sơ lấy ý kiến Luật Quản lý thuế (thay thế) đang dự kiến sẽ phân hộ, cá nhân kinh doanh làm 4 nhóm để quản lý. Trong đó: Nhóm 1 dự kiến sẽ gồm các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế, tức dưới 200 triệu đồng/năm, áp dụng từ 2026. Nhóm 2 là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm.
Nhóm 1 và nhóm 2 được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử sau khi bỏ thuế khoán. Trong đó, nhóm 2 dự kiến sẽ có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ năm 2027 - 2028.
Ngoài ra, hai nhóm này dự kiến được đề xuất sẽ chỉ phải sử dụng sổ kế toán rất đơn giản để ghi chép thu chi theo mẫu (phần mềm) của Bộ Tài chính.
Nhóm 3 là các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu 1 - 3 tỷ đồng/năm và lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu 1 - 10 tỷ đồng/năm. Còn lại là nhóm 4, có doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Với việc phân chia nhóm như trên, thì nhóm 3 và nhóm 4 thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Trong đó, nhóm 3 dự kiến sẽ thực hiện chế độ kế toán đơn giản. Còn nhóm 4 dự kiến sẽ thực hiện các chế độ kế toán như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quy định.
Ngoài ra, cơ quan thuế dự kiến đề xuất tăng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm.
Đồng thời sửa đổi tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh phân biệt theo quy mô doanh thu; kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh phát triển.
Không tạo gánh nặng nhưng vẫn chống thất thu
Theo Phó Cục trưởng Mai Sơn, các nội dung nêu trên mới chỉ là dự kiến. Quá trình thực hiện từ nay đến năm 2026, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của người nộp thuế, các hiệp hội tư vấn thuế, ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Cục Giám sát quản lý chính sách thuế, phí lệ phí, Cục Giám sát kế toán và kiểm toán, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể…) để báo cáo Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền quy định mức tỷ lệ/thuế suất cũng như phương pháp khai thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh; phù hợp với lộ trình chuyển đổi số nhằm minh bạch công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh bằng cách kết hợp chính sách, công nghệ.
Các nội dung này sẽ được thể hiện ở Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Mục tiêu là thu đúng, thu đủ, không tạo gánh nặng nhưng vẫn chống thất thu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, Cục Thuế và Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện khái niệm “hộ kinh doanh” trong bối cảnh mới, chuyển thành “cá nhân kinh doanh” để phù hợp với thông lệ quốc tế nội dung này sẽ được sửa đổi, bổ sung tại Luật Doanh nghiệp.
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày (19/6) vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định, xóa bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn đã được thể hiện trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền quy định doanh thu tính thuế phù hợp, tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ kinh doanh nhỏ để đảm bảo dân sinh.
Bản chất của thuế với hộ kinh doanh có 3 loại thuế gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, do đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần áp thuế linh hoạt các loại thuế này với hộ kinh doanh nhỏ để thuận lợi cho cơ quan thuế, hộ kinh doanh và không thất thu nguồn thu Nhà nước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, với các hộ có doanh thu trên 1 tỷ đồng, có địa điểm kinh doanh ổn định thì nên chuyển sang áp dụng hóa đơn, vừa minh bạch, chống thất thu, vừa tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp. Còn đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỷ đồng nên áp dụng phương pháp khoán, vì nếu yêu cầu xuất hóa đơn, hộ kinh doanh này sẽ thiệt thòi do không có hóa đơn đầu vào để khấu trừ thuế.
Ngành Thuế triển khai “Đo lường sự hài lòng của người nộp thuế”
Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đặt mục tiêu “Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%; đến năm 2030, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 95%”.
Thực hiện mục tiêu này ngành Thuế đã triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế từ năm 2024, để đánh giá khách quan việc cung cấp dịch vụ công, thực thi chức trách, nhiệm vụ liên quan đến người nộp thuế của cơ quan thuế các cấp.
Trong năm 2025, ngành Thuế tiếp tục triển khai “Đo lường sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế” nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan thuế, từ đó xác định các điểm mạnh, hạn chế, nắm bắt kịp thời những yêu cầu, mong muốn và khó khăn vướng mắc của người nộp thuế.
Theo đó, ngành Thuế đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như sau: Một là, đo lường mức độ hài lòng của người nộp thuế; xác định điểm mạnh và hạn chế; thu thập phản hồi và đề xuất của người nộp thuế; xây dựng kế hoạch cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành Thuế sẽ triển khai đánh giá công tác quản lý thuế theo 2 nội dung mục tiêu cơ bản, gồm: Đo lường “Sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế”; Đo lường “Sự hài lòng của người nộp thuế đối với công chức và kết quả giải quyết công việc”.
Đối tượng được đánh giá là cơ quan thuế và công chức thuế. Còn đối tượng được đo lường là người nộp thuế đang hoạt động tại thời điểm đo lường sự hài lòng. Việc đánh giá, đo lường sẽ được triển khai trên cả nước và thực hiện bằng phương thức điện tử.
Thông qua công tác đánh giá, ngành Thuế mong muốn sẽ đẩy nhanh quá trình cải cách, hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế và tác phong giao tiếp, văn minh công sở của công chức thuế, từ đó tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu cốt lõi: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.