Apax Holdings (IBC): Đầu tư thêm cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, lấn sân sang bất động sản

Apax Holdings (IBC): Đầu tư thêm cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, lấn sân sang bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán IBC – sàn HOSE) dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vào sáng ngày 16/3 tại Hà Nội.

Lên kế hoạch lãi 141 tỷ đồng, lấn sân sang bất động sản

Công ty dự kiến trình cổ đông năm 2022 với kế hoạch tổng doanh thu là 2.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 141 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng 46,9% so với thực hiện trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn khi chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu chào bán thành công, Công ty sẽ huy động được 831,5 tỷ đồng.

Trong tổng số tiền huy động được, Công ty dự kiến dùng 322 tỷ đồng cơ cấu nợ, 300 tỷ đồng hợp tác đầu tư các dự án và 209,5 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Được biết, trong năm 2022, các khoản nợ của Công ty đến hạn lên tới 322,7 tỷ đồng, nên IBC sẽ phải thực hiện nghĩa vụ huy động vốn để trả nợ.

Ngoài ra, trong 300 tỷ đồng hợp tác đầu tư, dự kiến 150 tỷ đồng đầu tư vào dự án bất động sản giáo dục - dự án trường liên cấp Firbank và 150 tỷ đồng đầu tư vào dự án bất động sản nghỉ dưỡng - dự án khu du lịch Hồng Quang Long Hải - Vũng Tàu.

Đẩy mạnh huy động vốn bên ngoài phục vụ đầu tư mở rộng

Lưu chuyển tiền tệ của IBC từ 2014 đến 2021 (Nguồn iBoard SSI – ĐV: Tỷ VNĐ)
Lưu chuyển tiền tệ của IBC từ 2014 đến 2021 (Nguồn iBoard SSI – ĐV: Tỷ VNĐ)

Đầu tư thêm cho hoạt động kinh doanh cốt lõi

Apax Holdings được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu IBC vào năm 2016. Trong đó, kể từ thời điểm công bố báo cáo tài chính từ 2014 đến 2021, Công ty liên tục thực hiện chiến lược huy động vốn từ bên ngoài để phục vụ hoạt động mở rộng kinh doanh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính tạo ra không đủ để mở rộng.

Lũy kế từ 2014 - 2021, Công ty chỉ tạo ra dòng tiền kinh doanh 686 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư lên tới 2.834 tỷ đồng, chính vì vậy IBC đã huy động dòng tiền tài chính bên ngoài để phục vụ hoạt động mở rộng là 2.842 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2021, tổng nợ vay lên tới 2.002,3 tỷ đồng, bằng 1,29 lần vốn chủ sở hữu và bằng 67 lần so với năm 2014, tương ứng tăng thêm 1.972,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn (dưới 1 năm) là 543,8 tỷ đồng; vay dài hạn đến hạn trả là 76,3 tỷ đồng; vay dài hạn là 252,6 tỷ đồng; và hơn 1.129,6 tỷ đồng trái phiếu…

Như vậy, với áp lực đáo hạn các khoản nợ vay tới hạn, Công ty đã phải lên kế hoạch huy động vốn từ nhà đầu tư để trả nợ vay trong năm 2022.

Mặt khác, trong năm 2022, Công ty dự kiến sẽ tập trung hoàn thiện 130 trung tâm với công suất có thể phục vụ cho nhu cầu học tập tiếng Anh từ 88.000 - 150.000 học sinh, tiếp tục phát triển đào tạo tiếng anh online; đẩy mạnh hoạt động tại 16 trường mầm non hiện có và xây dựng mở mới 6 trường mầm non STEAMe Garten để nâng lên thành 22 trường; đối với trẻ em ở các tỉnh ở xa khu trung tâm, Công ty dự kiến mở thêm 4 trung tâm mới ở các tỉnh để nâng tổng 10 trung tâm vận hành trên cả nước.

Hiện tại, với việc tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh hoạt động cốt lõi liên quan tới giáo dục, Công ty sẽ cần phải bổ sung vốn bên ngoài trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tạo ra vẫn chưa đủ để phục vụ hoạt động mở rộng, vì vậy Apax Holdings càng chịu nhiều áp lực về dòng vốn. Ngoài ra, với việc sử dụng nợ vay trong những năm qua, áp lực nợ vay đáo hạn cũng sẽ lớn dần theo thời gian.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (Lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) trong giai đoạn từ 2018 - 2021, Công ty đang cho thấy đà lao dốc. Cụ thể, lợi nhuận hoạt động cốt lõi năm 2018 đạt 105 tỷ đồng, năm 2019 đạt 74 tỷ đồng, năm 2020 đạt âm 2 tỷ đồng và đỉnh điểm năm 2021 âm tới 156 tỷ đồng.

Trong năm 2021, kết quả kinh doanh của Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào việc ghi nhận lãi chuyển nhượng mua cổ phần là 272,8 tỷ đồng. Trong đó, 115 tỷ đồng từ CTCP Quản lý quỹ Amber; 129,88 tỷ đồng từ ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (Chủ tịch HĐQT) và 27,88 tỷ đồng từ các đối tượng khác.

Ngoài ra, với chiến lược M&A các công ty, tính tới 31/12/2021, Apax Holdings đang ghi nhận 311,1 tỷ đồng lợi thế thương mại, đây là chi phí cố định và được công ty phân bổ đều hàng năm. Được biết, trong năm 2020, Công ty phân bổ 57,44 tỷ đồng vào tăng chi phí, năm 2021 tiếp tục phân bổ thêm 57,44 tỷ đồng vào chi phí và kỳ vọng công ty sẽ phải tiếp tục phân bổ thêm vào chi phí trong những năm sắp tới cho tới khi lợi thế thương mại về 0 đồng.

Như vậy, hiện Công ty đang chịu áp lực dòng tiền đầu tư hoạt động giáo dục gia tăng với kế hoạch mở rộng độ phủ. Bên cạnh đó, với tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, thời gian đầu tư dài và dự kiến cũng sẽ chưa tạo dòng tiền ngay lập tức, càng tạo áp lực dòng tiền lớn đối với Công ty trong thời gian tới.

Tin bài liên quan