Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì họp báo quốc tế sau Hội nghị AMM-53

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì họp báo quốc tế sau Hội nghị AMM-53

ASEAN không muốn bị "kẹt" trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn

0:00 / 0:00
0:00
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước là một thực tế và những vấn đề này cũng được thể hiện tại các cuộc họp của diễn đàn Hội nghị Bộ trưởng ASEAN vừa diễn ra tuần qua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết điều này trong họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan chiều 12/9 tại Hà Nội.

Ông Minh cho biết, tại Hội nghị lần này, ASEAN đã trao quy chế Đối tác phát triển cho Pháp và Italy, chấp thuận Columbia và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Với đề nghị của Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, Phó Thủ tướng cho hay, ASEAN thừa nhận vai trò quan trọng của Anh trên phương diện vị thế ở khu vực và quốc tế, trong quan hệ sâu rộng giữa Anh và các thành viên ASEAN.

"Các nước của Hiệp hội đang xem xét đề nghị của Anh, trên cơ sở các quy định của ASEAN, các kết quả hợp tác và các cam kết của các nước nói chung, khi muốn trở thành đối tác đối thoại", ông Minh nói.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, ASEAN đang trở thành tổ chức khu vực có vai trò và vị thế cao, do đó ASEAN đã nhận được nhiều đề nghị của các quốc gia có liên quan muốn trở thành thành viên, đối tác phát triển, đối tác đối thoại và nhiều cơ chế khác mà ASEAN đang có.

“Chúng tôi cũng đề ra các biện pháp tăng cường sự đóng góp của ASEAN trên các vấn đề toàn cầu, qua đó nâng cao vai trò và tiếng nói của ASEAN trong khu vực và trên thế giới”, ông nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thể hiện trong bối cảnh diễn ra Hội nghị AMM-53, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước là một thực tế và thực tế này cũng đang được trao đổi tại các hội nghị, diễn đàn trên thế giới và đương nhiên tại khu vực Đông Nam Á - một khu vực giữ vị trí chiến lược quan trọng và diễn đàn của ASEAN cũng là một diễn đàn có các cơ chế, trong đó có cơ chế về Hội nghị Đông Á cũng như diễn đàn an ninh khu vực.

Đây là diễn đàn để trao đổi các vấn đề chiến lược, những vấn đề trong quan hệ giữa các nước liên quan đến khu vực và những vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước cũng được thể hiện tại các cuộc họp của diễn đàn này, Phó Thủ tướng cho biết.

Nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đưa ra tuyên bố của các Bộ trưởng ASEAN về duy trì hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á, thể hiện rõ quan điểm của các nước ASEAN là mong muốn xây dựng Đông Nam Á là khu vực hoà bình, thịnh vượng; mong muốn tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đóng góp vai trò tích cực, hỗ trợ, thúc đẩy cho việc duy trì hoà bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á.

Đó cũng chính là thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN mà ASEAN mong muốn xây dựng. ASEAN và các nước ASEAN không muốn bị "kẹt" vào trong cạnh tranh giữa các nước tác động đến hoà bình, ổn định của khu vực. Điều đó đã được thể hiện và trao đổi tại các cuộc họp của ASEAN, tại các diễn đàn đối thoại, Phó Thủ tướng cho hay.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tại bất kỳ hội nghị nào của ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng được nêu rõ.

Tinh thần đó là kêu gọi xây dựng, đóng góp vào việc xây dựng Biển Đông là một khu vực biển hoà bình, ổn định, tự do hàng hải cả trên biển cũng như trên bầu trời và luôn luôn kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982. Các nước trong tuyên bố của mình tại hội nghị cũng đã nêu cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Các nước cũng đều là thành viên của Công ước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN. “Việc tuân thủ Công ước đó là điều đương nhiên của các nước thành viên của Công ước”, ông nói.

Thông tin về một số kết quả quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam khẳng định “thành công hết sức tốt đẹp”.

Tại các Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã xem xét và thông qua 42 văn kiện, trong đó có Thông cáo chung của Hội nghị AMM-53, Kế hoạch Hành động Hà Nội II của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Các nước cũng nhất trí với nhiều đề xuất của Việt Nam như ra Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 15, tổ chức họp Nhóm chuyên gia EAS về Covid-19; ra Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN+3 về kinh tế và ổn định tài chính...

Tin bài liên quan